08/08/2012 08:30 GMT+7 | Các giải khác
(TT&VH)- “Bóng đá VN xây nhà từ nóc” là câu nói để đời của cựu HLV trưởng các ĐTQG, Alfred Riedl, còn “bóng đá VN mắc lỗi hệ thống”, không đơn thuần chỉ là sự nhắn nhủ, mà nó là bản ngã mang tên Lê Tiến Anh, Chủ tịch CLB K.KH. Ông Tiến Anh đã nói thế, như đinh đóng cột và không ngần ngại, trong buổi họp các ông bầu được tổ chức hồi năm ngoái bởi Báo Pháp luật TP.HCM.
Phải, lỗi ở một khâu, một phân đoạn, còn có thể vá, có thể chữa được, chứ lỗi hệ thống khó “đỡ” lắm. Muốn cải tổ, phải làm cả một cuộc cách mạng. Mà cách mạng nào không có những mất mát, hy sinh?! Làm cách mạng phải kiên nhẫn mới được. Bởi thế, cũng không nên đòi hỏi thái quá hay khắt khe với VPF ở năm đầu tiên họ tiếp quản tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp VN.
Nỗi buồn rớt hạng 2 năm rồi lỡ quyền thăng hạng ai thấu nhất ngoài các cầu thủ Nam Định. Ảnh: bongdaplus
Trở lại với bi kịch của bóng đá Nam Định lúc này, câu hỏi đặt ra là tại sao và như thế nào, một địa phương có truyền thống đào tạo, từng là một thế lực cỡ bự, có thể điều khiển cuộc chơi ở V-League theo ý mình, lại trượt dài và trượt thê thảm như thế?! Nó phải bắt đầu từ cung cách làm bóng đá vốn rất dị biệt của lãnh đạo nơi đây. Nam Định đã không theo kịp thời đại và sự đi xuống chỉ là vấn đề thời gian.
“Các cháu cứ đá đi, gái có công thì chồng chẳng phụ. Chỉ cần lên hạng, sẽ có tiền, có hợp đồng và có cả một sự đảm bảo cho tương lai”, đấy là lời lãnh đạo bóng đá Nam Định, qua lời kể của các cầu thủ trẻ trước khi giải hạng Nhì mùa bóng 2012 khai cuộc. Người ta không lạ với những lời hứa kiểu đó ở thành Nam, với riêng địa hạt bóng đá. Nhưng bọn trẻ bây giờ cũng quái lắm, đừng đùa!
Tài chính luôn là vấn đề muôn thuở với bóng đá Nam Định. Người ta tính rằng, tất cả những gói tài trợ từng “kết hôn” thành Nam từ trước đến nay, chỉ là “chút lòng thành” của những người con xa xứ, đối với quê hương. Từ Sông Đà và Tập đoàn Tài chính Dầu khí trước đây, đến Gạch men Mikado, rồi Đạm Phú Mỹ và gần nhất là Megastar…, đều phải bỏ của chạy lấy người.
Lãnh đạo bóng đá thành Nam chưa (và có lẽ là không) bao giờ đưa ra được các chiến lược phát triển dài hơi với các đối tác kinh tế, khi mô hình “bóng đá doanh nghiệp” được biết đến như một điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu. Bởi thế, thành Nam trở thành ốc đảo trong các hoạt động kinh doanh, quảng bá doanh nghiệp thông qua kênh bóng đá. Và bóng đá Nam Định đi xuống, rồi mất tích cũng dễ hiểu thôi.
TRẦN HẢI
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất