Cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner bị biến thành gã hề: The Onion lừa cả thế giới

04/06/2015 05:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngày Chủ Nhật vừa qua, ông Jack Warner, nghị sĩ Quốc hội Trinidad, đã tung ra một đoạn video nhằm bào chữa bản thân trước các cáo buộc tham nhũng khi còn ngồi ghế Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

Trong đoạn video, Warner cho biết ông rất buồn trước các cáo buộc rằng, bản thân phải chịu trách nhiệm cho các sai phạm trong FIFA. Warner cũng nhận xét rằng, nếu Sepp Blatter tệ như người ta nói, tại sao ông có thể tái đắc cử ghế Chủ tịch?

Tin sái cổ vào một câu chuyện bịa

Warner ngưng lại một chút để thể hiện quan điểm mạnh nhất, rằng dư luận đang "bôi nhọ" FIFA và ban lãnh đạo tổ chức. "Tôi thấy người ta đưa tin rằng FIFA "sốt sắng" tuyên bố năm 2015, năm nay đấy, vòng chung kết World Cup sẽ bắt đầu diễn ra, từ ngày 27/5. Nếu FIFA tệ tới vậy, vì sao người Mỹ vẫn muốn tổ chức World Cup?"

Nói xong, ông đưa lên một bản in của bài báo đăng trên tờ The Onion, với tiêu đề "FIFA sốt sắng tuyên bố tổ chức World Cup 2015 ở Mỹ". Vấn đề nằm ở chỗ The Onion là một tờ báo trào phúng, chuyên đăng các bài viết với nội dung hài hước.


Năm 2012, không chỉ Nhân dân Nhật báo mà cả tờ Korea Times của Hàn Quốc cũng mắc lừa The Onion

Và như thế, bài báo mà Warner đưa ra để bào chữa cho bản thân chỉ là một câu chuyện đùa. Nước Mỹ chắc chắn không tổ chức vòng chung kết World Cup trong năm nay.

Sau khi Warner nhận ra sai lầm, đoạn video đã nhanh chóng bị gỡ xuống. Vài giờ sau ông thay một đoạn video khác lên, với mọi nội dung nhắc tới bài báo của The Onion đều bị xóa sạch. Nhưng lúc đó, chuyện đã quá muộn. Video ghi lại màn phát biểu của Warner nhanh chóng bị tung lên YouTube và các trang chia sẻ video khác, biến ông thành một gã hề.

Đó hiển nhiên là sai lầm đáng hổ thẹn của Warner. Nhưng ông không phải là người đầu tiên bị hố nặng vì The Onion. Kể từ khi thành lập vào năm 1988, trang này đã bị nhiều người nhầm tưởng là nguồn tin nghiêm túc. Và kết quả là họ vội vã đăng tải lại nội dung các bài viết trên tờ báo, không mảy may nghi ngờ về độ xác thực trong các câu chuyện.

Trường hợp "sập bẫy" The Onion sớm nhất là vào năm 2002, khi báo chính thống Beijing Evening News của Trung Quốc đã đăng bài báo dựa trên bài viết của Onion, nói rằng Quốc hội Mỹ dọa rời khỏi Washington, nếu người ta không xây tòa nhà quốc hội mới, với mái vòng có thể thu lại.

Khi độc giả phản hồi, ban đầu Beijing Evening News đã không chấp nhận thực tế rằng họ mắc lỡm The Onion. Tờ báo thậm chí còn thách thức các phóng viên phương Tây chứng minh bài viết có gì sai trái.

Tuy nhiên sau đó Beijing Evening News đã phải đăng tải đính chính xin lỗi độc giả. "Một số tờ báo nhỏ ở Mỹ chuyên phịa ra các tin tức giật gân để thu hút sự chú ý của độc giả, với mục đích kiếm tiền" - lời đính chính có ghi - "Đây chính là điều The Onion đã làm".


Bài viết trên FARS đã "đạo" tác phẩm trào phúng của The Onion

Báo chí thi nhau mắc lừa

Năm 2006, trang web của TV2 - một đài truyền hình lớn ở Đan Mạch - đã xuất bản một bài báo dựa trên một sản phẩm "chế cháo" của The Onion, nói rằng nam diễn viên Sean Penn đã viết một lá thư mở dài 1.900 chữ, gửi tới tờ Washington Post để tìm hiểu xem ai đăng ký tài khoản thư điện tử "[email protected]" trước ông.

Bài viết nói rằng Penn còn lên giọng đe dọa "gã khốn" nào đó tìm cách chiếm tên ông. "Thật khó để xác định xem ai là kẻ kỳ cục nhất" - bài viết trên trang web TV2 kết luận - "Liệu đó có phải nhân vật tin rằng anh ta sẽ thể trở thành Sean Penn trên Internet, hay chính là Sean Penn, người đang cố tìm cách tạo ra một lá thư điện tử mang tên ông?"

Năm 2009, tới lượt 2 tờ báo ở Bangladesh đưa tin rằng phi hành gia Neil Armstrong thừa nhận cuộc hạ cánh lên Mặt trăng chỉ là giả mạo. Cả 2 tờ Daily Manab ZaminNew Nation đều đã vớ lấy một bài viết đăng trên The Onion, với nội dung cho biết những người theo thuyết âm mưu tin chắc Armstrong chưa từng đặt chân xuống Mặt trăng. Họ không hề biết đây chỉ là một bài viết hư cấu, nhằm mục đích pha trò.

"Chúng tôi tưởng rằng nội dung bài viết là thật nên đã cho in mà không kiểm tra" - biên tập viên Hasanuzzuman Khan nói với hãng tin AFP, sau khi tờ báo của ông lên tiếng xin lỗi độc giả - "Chúng tôi chẳng hề biết The Onion không phải trang tin tức nghiêm túc".

Năm 2012, tới lượt một cựu nghị sĩ Singapore trở thành "nạn nhân" của The Onion. Bà viết trên trang Facebook cá nhân rằng ông Obama không muốn trở thành Tổng thống Mỹ thêm một nhiệm kỳ nữa.

Bà còn trích dẫn lên Facebook bài viết "Obama công khai hỏi đất nước rằng, vì đâu ông lại phải phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa" mà không hề biết rằng nó là sản phẩm trào phúng. "Cho dù chiến lược của Obama là gì, ông đang gặp thách thức ngày càng tăng lên từ khắp nơi" - bà viết. Sau đó cả bài viết đã bị xóa bỏ khỏi Facebook của nữ nghị sĩ.

Cùng trong năm đó, hãng thông tấn chính thức FARS của Iran đã xuất bản lại một cuộc thăm dò giả được đăng trên Onion, nói rằng người da trắng sống ở nông thôn Mỹ thích nhà lãnh đạo Mahmoud Ahmadinejad của Iran hơn ông Obama.

FARS không chỉ trích dẫn mà còn "đạo" nguyên bài viết trên The Onion. Vì điều này, The Onion về sau đã thêm một dòng chữ vào cuối bài báo của họ: "Để có thêm thông tin về câu chuyện, hãy ghé thăm chi nhánh của chúng tôi tại Iran: hãng tin FARS."

2012 dường như là năm báo chí thi nhau sập bẫy The Onion. Sau FARS, tới lượt tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng bộ ảnh dài 55 trang về ông Kim Jong Un, chỉ bởi The Onion bầu chọn nhà lãnh đạo Triều Tiên là người đàn ông quyến rũ nhất hành tinh.

Tường Linh (Theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link