SEA Games, phép thử hay mục tiêu?

28/04/2023 05:39 GMT+7 | SEA Games 32

Hội đồng Thể thao Đông Nam Á vừa thống nhất kế hoạch nâng cao các tiêu chuẩn cho SEA Games trên tinh thần ổn định các môn thi đấu Olympic, ASIAD và giảm bớt đặc quyền của các nước chủ nhà. Đó là một mục tiêu đầy thách thức bởi ngay môn thể thao dễ tiêu chuẩn hóa nhất là bóng đá mà vẫn còn lúc này, lúc khác.

1. Nâng cao tiêu chuẩn cho SEA Games là mục tiêu mà Hội đồng Thể thao Đông Nam Á từng đề cập trong nhiều năm trước đây, nhưng vẫn chưa thể thực hiện, mà tiêu biểu là tại SEA Games 32 lần này, nước chủ nhà Campuchia đã tận dụng đặc quyền để đưa vào nhiều môn nặng tính địa phương cũng như các nội dung thi đấu có lợi thế mà vẫn hoàn toàn.... đúng luật!

Vì sao có quyết tâm nhưng thể thao Đông Nam Á vẫn chưa thể thực hiện được việc nâng chuẩn cho SEA Games? Để trả lời câu hỏi này thì cần nhiều yếu tố, góc nhìn và đôi khi là "sản phẩm lịch sử" từ nguyện vọng phát triển thể thao khu vực. Thế nên, câu hỏi thiết thực nhất là sắp đến SEA Games có thực sự tạo ra được tiêu chuẩn mới cho mình không? Hay lại "đâu vào đấy"?

Hỏi cũng có lý do. Vì nước đăng cai SEA Games 33 là Thái Lan, một quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về thể thao nên việc họ sẵn sàng tuân thủ các quy chuẩn mới cũng không quá khó. Áp dụng tiêu chuẩn cao, lại còn đem đến cho Thái Lan lợi thế lớn hơn khi không cần phải bổ sung đầu tư cơ sở vật chất, cũng không mất chi phí để tập luyện các môn thể thao mới. 

Nhưng sau Thái Lan thì sao? Ví dụ như khi SEA Games do các nước có nền thể thao kém phát triển hơn đăng cai chẳng hạn. Singapore từng đăng cai SEA Games 2015 với cách tiếp cận khá gần với tiêu chuẩn thế giới, nhưng sang đến kỳ SEA Games 2019 do Philippines tổ chức thì mọi thứ thay đổi rất lớn để qua đó đoàn chủ nhà vươn lên đứng nhất toàn đoàn.

Việc nâng cao tiêu chuẩn SEA Games chắc chắn tác động lớn đến công tác đăng cai. Một số quốc gia luôn muốn tận dụng cơ hội tổ chức để tạo bước đột phá thành tích, từ chỗ đang đứng hạng 5-6 vươn lên thứ 3, thứ 2 thậm chí là thứ nhất thông qua việc tăng số môn, nội dung lợi thế và bớt các môn thế mạnh của các đoàn khác. Khi đề cao tiêu chuẩn thì ham muốn đăng cai cũng sẽ không còn nhiều do tổ chức SEA Games cũng tốn kém không ít, mà tiêu chuẩn càng cao thi chi phí bỏ ra càng lớn.

Tất nhiên cái lợi từ chuyện nâng cao tiêu chuẩn thì ai cũng thấy. Sự hấp dẫn của một sự kiện thể thao nói cho cùng vẫn đến từ chất lượng của các cuộc tranh tài, qua đó mới có thể bán được bản quyền truyền hình và nâng cao vị thế quốc gia. 

Việc nâng tiêu chuẩn có thể gây khó cho một số quốc gia chưa có nền thể thao  mạnh, nhưng bù lại, khi đăng cai họ sẽ tập trung nhiều hơn cho công tác quảng bá tiếp thị, kiểu như không được cái này thì phải được cái khác. Đằng nào cũng không thể đạt thành tích vượt trội, thì nước chủ nhà sẽ hướng đến thành công ở những khía cạnh như hình ảnh, du lịch.

2. Nhưng cũng khoan vội mừng. Không phải vô cớ mà đôi khi người ta vẫn dùng từ "hội làng" cho SEA Games. Thật ra, nói một cách chính thức, thì SEA Games có đặc thù riêng do chịu sự chi phối của các yếu tố như tầm nhìn, lợi ích hoặc chỉ đơn giản là cách tiếp cận của mỗi nền thể thao không giống nhau.

SEA Games - Phép thử hay mục tiêu? - Ảnh 1.

Dù đã vô địch Asian Cup hay từng dẫn quân tham dự World Cup thì HLV Troussier cũng vẫn cảm thấy áp lực ở một sân chơi chỉ dành cho lứa tuổi U22 như SEA Games. Ảnh: Minh Quyết

Tiêu biểu như môn bóng đá. Năm 1996, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á ra đời với cái tên Tiger Cup. Nhưng phải đến 5 năm sau thì SEA Games mới chính thức chuyển sang độ tuổi U23 thay vì dành cho đội tuyển quốc gia như trước. Sự chậm trễ này xuất phát từ việc không có gì bảo đảm Tiger Cup sẽ được duy trì thường xuyên nên môn bóng đá SEA Games chậm chuyển đổi để bảo đảm sân chơi ổn định cho các nền bóng đá Đông Nam Á trong bối cảnh bóng đá khu vực không có nhiều cơ hội để cọ xát quốc tế.

Điều tương tự cũng xảy ra khi SEA Games được chuyển thành sân chơi của U22 sau khi bóng đá Đông Nam Á khôi phục lại giải U23 thường niên. Năm 2017, là U22 hoàn toàn, sang đến các kỳ SEA Games 2019, 2021 thì lại là U22+3, bây giờ quay lại U22. Nói chung là cứ.. tùy hứng.

Vấn đề nằm ở chỗ có sự chênh lệch về trình độ giữa các làng cầu mà qua thời gian thì chẳng có thay đổi gì nhiều. Từ năm 1993 đến nay, chiếc HCV SEA Games chỉ là cuộc chơi riêng của Thái Lan, Việt Nam và Malaysia nhưng trong đó Thái Lan đã chiếm phần lớn. Ngay cả khi đổi sang U23 thì tình hình không khác gì hơn.

Việc chuyển môn bóng đá nam sang tuổi U22 khiến cho nội dung thi đấu này không liên quan gì đến thể thức U23+3 của Olympic hay ASIAD, có lẽ nó được thiết kế nhằm giảm đi việc thống trị của Thái Lan là chính chứ chẳng phải phục vụ cho chiến lược bóng đá trẻ của khu vực. Thực tế là ở 2 kỳ có thể thức U22+3 thì Việt Nam đoạt liên tiếp 2 HCV khi đưa những cầu thủ tốt nhất đến với sân chơi này.

Thế nên, ở SEA Games 32 thì là U22 nhưng chưa ai biết SEA Games 33 ở Thái Lan sẽ đổi thể thức hay không vì có thể còn tùy vào việc năm nay U22 Thái Lan sẽ đi đến với chiếc HCV ra sao.

3. Vậy nên nâng cao tiêu chuẩn cho SEA Games hay cố định lứa tuổi thi đấu môn bóng đá, dù chỉ là một biện pháp kỹ thuật đơn giản, nhưng không phải muốn làm là được.

Vẫn là chuyện môn bóng đá. Đưa xuống độ tuổi U22 nghĩa là SEA Games chỉ là đấu trường dành cho bóng đá trẻ, cũng có nghĩa là không có nhiều áp lực thành tích. Nhưng thực tế như với U22 Việt Nam thì chúng ta thấy rõ ràng là SEA Games vô cùng quan trọng.

Thậm chí, một thất bại ở SEA Games có thể khiến cho nhà cầm quân lão làng có đẳng cấp World Cup như ông Philippe Troussier mất ghế như chơi nếu bản thân HLV này hay các nhà lãnh đạo VFF không giữ được sự kiên định. Nghe thật vô lý nhưng đôi khi điều tồi tệ ấy vẫn xảy ra.

Điều này cũng giống như các quốc gia khi đăng cai SEA Games luôn cố gắng để đưa thành tích mình vượt trội, kể cả việc đang từ vị trí thứ 5 ở kỳ Đại hội trước vọt lên đứng đầu. Đó là một thói quen xấu nhưng mãi vẫn chưa bỏ được. Hi vọng là mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn SEA Games sẽ được thực hiện, và cũng hi vọng là những nền bóng đá mạnh như Việt Nam, sau 2 chiếc HCV liên tiếp thì có thể không cần phải dùng đến SEA Games như một phép thử tài năng của HLV trình độ như Troussier. 

Trả lời truyền thông ngay khi đặt chân tới Campuchia, HLV Troussier nói: "Chúng tôi gặp áp lực khá lớn về mục tiêu tại giải đấu này. U22 Việt Nam với tư cách ĐKVĐ phải chơi thứ bóng đá tốt nhất của mình và đó cũng phải là thứ bóng đá đẹp. Tôi hy vọng rằng những áp lực này sẽ giúp cho các cầu thủ chơi với tinh thần cao nhất". |Nhà cầm quân người Pháp chia sẻ thêm: "Chúng tôi biết rằng để hoàn thành mục tiêu, U22 Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 1, 2, 3, thậm chí là 4 đối thủ khác. Đó là lý do tại sao thử thách lần này với U22 Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng để đối đầu với thử thách này. Đội đang tập luyện với sự tập trung cao độ. Xin nhắc lại, chúng tôi đến SEA Games 32 với tinh thần cao nhất, để giành được kết quả tốt nhất".


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link