27/08/2014 21:22 GMT+7 | Italy
(Thethaovanhoa.vn) - 7 trong số 20 đội dự Serie A mùa này không có nhà tài trợ chính trên ngực áo cầu thủ. Điều đó không chỉ đồng nghĩa với việc nhiều CLB Serie A, trong đó có cả Roma, đội á quân mùa trước, không có sức hấp dẫn đối với các nhà tài trợ, mà còn vì bản thân các nhà tài trợ cũng đang trải qua những năm tháng khó khăn do khủng hoảng kinh tế kéo dài trên đất Italy. Những tifosi có lẽ đang nhìn sang các giải đấu lớn khác của Châu Âu với sự ghen tị và buồn phiền: Đã có một thời, người ta chen nhau quảng cáo trên áo đấu các CLB Italy...
Bao giờ Serie A mới lại hùng mạnh như xưa?
Một logo hoặc một dòng chữ trên áo đấu của các CLB sẽ đem đến cho họ bao nhiêu tiền trong một mùa bóng? Vài chục triệu một mùa và có thể cả trăm triệu cho mấy mùa bóng với những CLB lớn tầm cỡ thế giới. Nhưng đó không phải là những CLB Italy, những cỗ máy không còn sản xuất ra tiền cho chính họ và bản thân các nhà tài trợ. Thế nên, trong khi các tifosi cứ ngước mắt sang các giải La Liga hay Premier League, nơi ánh sáng của kim tiền lung linh trong những bản hợp đồng khổng lồ mà lần kí sau luôn lớn hơn lần kí trước, thì ở một mùa bóng mới với ngổn ngang biết bao nhiêu vấn đề lớn, trước hết với việc mất đi trong một mùa hè rất nhiều tên tuổi, từ Zanetti đến Immobile và Balotelli, người ta sẽ nhận ra cuộc khủng hoảng về tài chính và bản sắc đang khiến Serie A trả giá rất đắt. 7 CLB, từ Cesena và Palermo mới lên hạng, Genoa, Sampdoria, cho đến những CLB mạnh như hai đội bóng thủ đô Lazio và Roma cũng như đội đứng thứ 4 mùa trước Fiorentina vẫn chưa có một nhà tài trợ chính trên áo đấu nào. Nếu trái bóng lăn và ngực áo họ vẫn trống trơn, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử có đến 1/3 số đội dự giải không có tài trợ chính.
Đó là biểu tượng rõ nét nhất (và dễ nhìn thấy nhất) của một giải đấu ngày càng nghèo đi, ít hấp dẫn hơn về chất lượng, ít tên tuổi hơn vì những ngôi sao lớn đang rời bỏ nó để mà đi, trong khi bạo lực không hề có xu hướng sút giảm. Đó cũng là điều khác biệt lớn lao với những năm tháng quá khứ, khi các tập đoàn lớn tranh nhau nhảy lên ngực áo của các CLB Serie A nhằm quảng bá sản phẩm, và áo đấu của họ trở thành những tấm biển quảng cáo di động cho không chỉ nền ẩm thực Italy (kem của Motta, thịt nguội của Fiorucci, pasta của Barilla, Voiello, Buitoni hay sữa Parmalat, sốt cà chua Cirio), mà còn ngân hàng (Mediolanum, Casa di Risparmio Lazio) cho đến đồ chơi (Giochi Preziosi), tủ lạnh (Indesit), dầu mỏ (ERG) hay bình nước nóng (Ariston).
Và những thương hiệu ấy cũng như tranh nhau ảnh hưởng trên thị trường của riêng họ cũng chẳng khác gì cái thời cứ đến mùa hè, là "bảy chị em" ồ ạt mua sắm để cạnh tranh Scudetto. Bây giờ, mục tiêu của các đội bóng thời khủng hoảng khác hẳn. Đối với một nền bóng đá thâm hụt tài chính và đang nợ gần 1 tỉ euro, thì đích ngắm của nhiều đội trong mùa hè là kiếm được một nhà tài trợ. Điều này trái ngược với những giải đấu như Anh, Đức, thậm chí Pháp, khi người ta không để hở một chỗ trống nào trên ngực áo đấu (riêng Tây Ban Nha vẫn còn Valencia và Levante không có nhà tài trợ chính).
Những câu chuyện xảy ra với 7 đội bóng đang đi tìm tài trợ chính này đương nhiên là không giống nhau. Đội Roma "made in USA" đã đặt giá tài trợ chính là 15 triệu euro và không có ý định giảm vì sợ mất danh dự và tên tuổi, vì thế, họ vừa từ chối một hợp đồng tài trợ từ một tập đoàn đa quốc gia với giá "vẻn vẹn" 5 triệu euro. Lazio, đang trải qua mùa bóng thứ 8 liên tiếp không có nhà tài trợ chính, tuyên bố "không hạ thấp giá trị của đội chỉ để có được một nhà tài trợ nào đó".
Genoa thì khác. Họ không kiếm được một nhà tài trợ chính, và đội bóng xứ Liguria có lẽ sẽ đưa tên của nhà đồng tài trợ McVitie's lên áo. Những đội còn lại như Cesena và Palermo thì khác. Họ không đủ khả năng thu hút tài trợ, nhưng Sampdoria thì đã mất nhà bảo trợ chính ERG, một trong những tập đoàn hóa dầu lớn nhất Italy, vốn đã theo đội từ hơn 30 năm qua. ERG, đang thua lỗ nặng nề, không còn hứng thú đầu tư vào bóng đá nhiều nữa và việc họ bỏ rơi Sampdoria, đội bóng của Garrone, gia đình nhà chủ công ty, là điều khiến các tifosi của họ cảm thấy đau lòng.
Nguyên nhân quan trọng của quá trình "nghèo hóa" tài trợ ở Serie A là việc nhiều tập đoàn đa quốc gia ở Ý cắt giảm chi tiêu để đối phó với khủng hoảng tài chính, trong khi nhiều công ti khác từng quan tâm đến bóng đá không muốn đầu tư vào một nền bóng đá đã đánh mất linh hồn. Bất chấp việc các đội bóng Ý đã mời tài trợ ở cả lưng áo đấu với giá hạ thì các công ti cũng không mấy quan tâm đến điều này.
Cuộc khủng hoảng kinh tế là một nguyên nhân, nhưng tự thân Serie A trong khủng hoảng nghiêm trọng, với những khán đài vắng vẻ, những sân cỏ ngày càng ít ngôi sao, với các nhà làm bóng đá chỉ muốn hướng đến việc được hưởng miếng bánh to hơn nữa với thu nhập từ truyền hình mà không có những chiến lược marketing lâu dài và thuyết phục cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn nữa bản quyền hình ảnh của cầu thủ, đã tự đào mồ chôn chính nó. Những ai đầu tư đều muốn có lãi và sự chắc chắn. Những doanh nghiệp nào còn quan tâm đến bóng đá thì e ngại, rằng giá trị thương hiệu của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng và rớt giá như chính Serie A. Thế nên, họ bỏ chạy hoặc không còn hứng thú nữa. Chỉ có những đội bóng hàng đầu như Juve, Milan hay Inter là còn có sức thu hút nào đó với các nhà tài trợ. Đấy là những CLB có tiếng vang ở nước ngoài, có nhiều fan ngoài biên giới Italy, thường thi đấu ở Cúp Châu Âu, và có truyền thống. Nhưng các khoản tiền mà họ nhận được từ các tập đoàn cũng ít hơn nhiều so với những gì Real Madrid, Barca hay M.U nhận được. Trong khi đó, bản thân sức hấp dẫn của Serie A trên truyền hình nước ngoài cũng kém đi.
Juve, Milan và Inter là những trường hợp rất ngoại lệ của một nền bóng đá không còn hấp dẫn các tập đoàn nước ngoài và chỉ còn cách hướng đến các doanh nghiệp nội địa. Và những ai kiếm được tài trợ bây giờ được coi là những kẻ may mắn, như chết đuối vớ được cọc. Ngay bản thân tài trợ cho tên giải thôi cũng đã thấy vấn đề: TIM là hãng duy nhất dám bỏ ra 15,75 triệu euro để tài trợ cho Serie A và Cúp Italy, trong khi ngân hàng Barclays chơi sang với 50 triệu bảng (tương đương khoảng 64 triệu euro) mỗi mùa cho Premier League. Mọi sự khác biệt đều có những lí do...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất