02/12/2014 16:55 GMT+7 | Trong nước
Hôm đó là ngày 16/11/1974, ở Puerto Rico, vùng quốc hải Hoa Kỳ phía Đông Bắc vùng biển Caribbean, diễn ra một sự kiện quan trọng. Giữa rừng mưa nhiệt đới, 250 người tụ tập quanh Đài quan sát Arecibo, họ tìm cách nén sự hồi hộp bằng Champagne ướp lạnh trong khi đợi đến đúng 13 giờ theo múi giờ chuẩn Đại Tây Dương. Đó là thời điểm loài người trên hành tinh xanh gửi vào vũ trụ bao la một lá thư mà không một ai trong họ sẽ nhận được lời phúc đáp.
Từ 1.679 số 0 và 1
Để hiểu phần nào tâm trạng phấn khích của nhóm nhà khoa học ấy, ta nên thử tư duy ngược lại vài chục năm để đắm mình vào kỷ nguyên thám hiểm vũ trụ bồng bềnh lãng mạn, 13 năm sau cú lượn vòng quanh Trái đất của Yuri Gagarin và 5 năm sau bước chân của Neil Armstrong lên Mặt trăng. Dường như trên thế giới không còn mối lo ngại nào khác về đói kém dịch bệnh, chiến tranh cũng tạm dừng tiếng súng, và các cường quốc chỉ cắm cúi trong phòng thí nghiệm để thiết kế con tàu không gian thế hệ tiếp theo...
Khi hồi còi vang lên, tất cả mọi cặp mắt nhìn đăm đăm như bị thôi miên lên hướng cánh tay sắt ở độ cao 168 mét lơ lửng bên trên chảo nhôm 305 mét của Đài quan sát Arecibo. Tất cả nín thở, lắng nghe những tiếng động từ loa phóng thanh. Thông điệp âm nhạc là âm thanh hai bè từ một chiếc đại phong cầm, như nhà vật lý thiên văn học Frank Drake kể lại: “Âm hưởng độc nhất vô nhị ấy chứa đầy khát vọng và làm chúng tôi lặng đi vì xúc động. Tôi nhìn gương mặt các nhà khoa học, ngày thường vốn khô khan và duy lý, nay rưng rưng nước mắt“.
Chảo ăng-ten khổng lồ gửi bức thư của Trái đất về phía đám mây sao “Messier 13“ hay còn gọi là M13, vào thời điểm đó đang ở vị trí lý tưởng. Bức thư được mã hóa bởi 1.679 số 0 và 1. Những dữ kiện theo sóng radio bay lên không trung chẳng khác gì lá thư trong chai thủy tinh của một thủy thủ lênh đênh trên biển, và thực tế thì người gửi cũng không nhiều hy vọng là sẽ có người nhận. Thông điệp gói gọn một lượng lớn thông số về Trái đất và những con người sống trên đó, với hy vọng là một sinh vật “thông minh“ sẽ giải được mã khóa tương đối đơn giản ấy. Và nếu họ nhận được 1.679 bit thông tin ấy thì cũng dễ hiểu ra 1.679 chỉ có thể chia hết cho 73 và 23. Đơn giản là nếu họ xếp các ký tự 0 và 1 thành 73 dòng, mỗi dòng 23 ký tự, thì một bức tranh sẽ hiện ra.
Những sinh vật trong vũ trụ được phỏng đoán là “thông minh“, hay ít ra là giàu trí tưởng tượng, sẽ thấy các chấm và vạch thể hiện một hình người và một chữ M tượng trưng cho Đài quan sát Arecibo, dòng trên đó là 10 chấm to nhỏ minh họa cho Thái dương hệ cùng các hành tinh. Bức thư từ Trái đất còn có tham vọng đưa thêm nhiều thông tin nữa: các nguyên tố hóa học quan trọng nhất đối với sự sống, cấu trúc phân tử acid nucleic (ADN) mang thông tin di truyền cho hoạt động sinh trưởng và phát triển của các vật chất hữu cơ, cho đến con số cụ thể như chiều cao trung bình của người Trái đất (176,4 cm) hay dân số ngày ấy (hơn 4 tỷ người)...
Đến cuộc chờ đợi miên viễn
Dĩ nhiên vẫn có nhiều người hoài nghi, và họ có lý do sắt đá. Giả sử cư dân của M13 muốn nhận được bức thư Trái đất thì họ phải có một bộ ăng-ten cực mạnh để đón sóng điện từ, và ăng-ten đó phải tình cờ hướng về phía Trái đất trong đúng 169 giây (thời gian phát tin), và cuối cùng phải có sự trùng hợp về bước sóng, tương tự như ta dò đài phát thanh vậy. Quá nhiều ngẫu nhiên để tin vào thành công?
Dự án Arecibo thực ra chỉ là một cú tiếp thị thú vị, không hơn không kém. Ngày 16/11/1974, thời điểm được coi là mang tính lịch sử trọng đại ấy, thực ra là ngày trạm quan sát trở lại hoạt động sau 3 năm tu sửa. Để sự kiện thêm phần long trọng, Giám đốc Frank Drake đã cùng nhà vật lý Carl Sagan và cộng sự sáng tác ra bức thư Arecibo nói trên. Cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực dò tìm các nền văn minh ngoài Trái đất, thuộc SETI (Search For Extraterrestrial Intelligence). Và bên cạnh những cộng tác viên đồng cảm, họ phải chấp nhận cả đôi chút dè bỉu trong giới nghiên cứu.
Anh Sir Martin Ryle, nhà thiên văn học từng đoạt giải Nobel Vật lý 1974, thảo hẳn một công văn phẫn nộ gửi đến Hiệp hội Thiên văn Quốc tế. Ông nêu lý do: “Ta không thể biết được, liệu ngoài vũ trụ xa xăm kia có tồn tại những sinh vật thù nghịch hoặc khát máu, và nếu chúng biết đến hành tinh của chúng ta, liệu chúng sẽ đến tấn công hay ăn thịt chúng ta?“.
Trong các thập niên tiếp theo, những vụ gửi thư tương tự đã thành mốt, ví dụ như năm 1999 một trạm phát sóng radio ở Ukraine gửi thư dạng comic do các bạn trẻ sáng tác, bức thư năm 2003 không chỉ đơn thuần chứa dữ liệu khoa học, mà còn tải hình vẽ và nhạc... Nhân dịp 40 năm bản thu âm bài Across The Universe của The Beatles, một trạm phát của Tây Ban Nha đã gửi ca khúc đó lên chốn thinh không mịt mù.
Từ đó trở đi người ta đợi, đợi và đợi. Nhiều trạm thu sóng cực mạnh khắp thế giới vận hành ngày đêm để chờ hồi âm hay giải mã tia xạ từ những tinh vân lạ, với hy vọng trong đó xen lẫn lời phúc đáp nào đó! Tuy nhiên, cả Frank Drake lẫn những người có mặt ở Arecibo ngày đó sẽ không có diễm phúc nhận được thư trả lời. Lời chào của họ, nếu muốn rơi vào tay các sinh vật văn minh nào đó, sẽ phải vượt qua chừng 22.800 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng = 9.460.730.472.580.800 mét), và thư trả lời, nếu có, cũng cần chừng ấy thời gian nữa...
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất