'Siêu to khổng lồ'

16/09/2020 06:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - "Siêu to khổng lồ", tổ hợp 4 chữ này vừa lạ về cấu trúc và cũng lạ về ngữ nghĩa. Phải chẳng đó chỉ là một kết hợp ngẫu nhiên, không có trong giao tiếp tiếng Việt?

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Hẳn là nhiều người chúng ta còn nhớ mấy câu thơ này trong bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính (đã in trong tập Hương cốm, NXB Kim Đồng, 1975 và đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002)...

Ấy vậy mà nó lại đang tồn tại với tần số không phải ít. Dư luận trên mạng đang bị kéo theo "hội chứng Bà Tân Vlog", bắt nguồn từ 2 mẹ con (bà Nguyễn Thị Tân cùng cậu con trai Nguyễn Văn Hưng) ở tỉnh Bắc Giang, cùng là V-logger rất nổi tiếng hiện nay.

Họ nổi tiếng thế nào? Đó là chuyện họ đang "sáng tạo" ra không biết bao nhiêu sản vật (thường là đồ ăn, vật dụng) và ngay lập tức đưa lên mạng (dưới hình thức video clip). Tất cả đều được gắn thêm định ngữ "siêu to khổng lồ".

Mọi người cứ vào trang YouTube của 2 mẹ con bà Tân sẽ đọc được không biết bao nhiêu bài: Bà Tân Vlog làm nia xúc xích siêu to khổng lồ; Bà Tân Vlog làm chiếc pizza mì tôm siêu to khổng lồ; Bà Tân Vlog làm đĩa bánh xèo siêu to khổng lồ; Bà Tân Vlog làm kem siêu to khổng lồ; Bà Tân Vlog làm chiếc bánh bao siêu to khổng lồ… Và cứ "mỗi ngày một chuyện lạ lẫm khác người", không biết bao nhiêu thứ đều thuộc loại quá khủng, nhất thế giới được ra lò từ "Bà Tân Vlog". "Siêu to khổng lồ" nghiễm nhiên trở thành thương hiệu, làm nên tên tuổi của 2 mẹ con bà Tân mà tiếng vang của sự kiện này lan truyền khắp cả nước.

Chú thích ảnh
"Khổng lồ" nghĩa là vượt lên, hơn hẳn (ảnh minh họa)

Tổ hợp "siêu to khổng lồ" là một kết hợp nửa Hán Việt, nửa Việt. Siêu (超) có nghĩa là "vượt lên, hơn hẳn", như siêu âm (có tốc độ lớn hơn tốc độ âm thanh), siêu đẳng (thuộc loại đặc biệt, vượt qua những thứ cùng loại), siêu phàm (có khả năng, tính chất vượt lên trên người thường), siêu tốc (có tốc độ rất cao, vượt lên trên tốc độ bình thường)... Trong số chúng ta, ai được coi là siêu nhân thì thật đáng kính nể, vì đó là người "có khả năng vào loại đặc biệt, vượt lên hẳn những khả năng vốn có của người thường". Nói chung, nói đến "siêu", chúng ta hình dung ra một đối tượng nào đó "khác thường", "khác đời", "khác người" v.v… (mà không phải cứ muốn là được).

Ấy vậy mà vẫn chưa hết. Bởi còn tới ít nhất 2 tính từ tham gia bổ trợ nữa. "To" là "có kích thước, số lượng đáng kể hoặc hơn hẳn với bình thường hay so với số lớn những cái cùng loại" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). To là từ trái nghĩa với "bé". Những gì được coi là to thì hiển nhiên đứng hàng cao hơn (với cái cùng loại).

Còn "khổng lồ" mới thực là vượt lên tất cả. "Khổng lồ" có nghĩa "có kích thước, quy mô, khối lượng lớn gấp nhiều lần với bình thường" (Từ điển đã dẫn). Máy bay khổng lồ, gốc cây khổng lồ, nguồn lợi khổng lồ... đều thuộc loại quá cỡ so với những thứ cùng loại mà ta biết. Những nhân vật "Gigant" (người khổng lồ) trong truyện của Jonathan Swift hay của Roald Dahl đã hấp dẫn trí tưởng tượng của không biết bao em nhỏ trên hành tinh chúng ta bởi ngoại hình quá cỡ và các khả năng siêu phàm.

Chỉ cần 1 trong 3 tính từ trên (siêu, to, khổng lồ) trong kết hợp là ta đã có một hình dung ra một cái gì đó "vượt mức" đạt đến độ "kịch mức" về cấp độ và mức độ. Vậy mà cả "3 anh" này lại chung lưng đứng cùng nhau thì mức độ hẳn là đạt tới "đẳng cấp" mà bất cứ một người Việt bình thường nào cũng không dám dùng.

Không dám dùng vì không mấy ai lại đặt cả 3 tính từ chỉ cùng một mức độ đứng liên tiếp trong kết hợp. Chúng không hề cần thiết để "bổ túc nghĩa" cho nhau. Giống như ta chỉ có thể chọn 1 trang 3 phó từ chỉ mức độ "rất", "quá", "lắm" đi với một tính từ để có một cấu trúc thích hợp: rất đẹp, đẹp quá, đẹp lắm. Không người Việt nào lại nói “rất đẹp lắm”, “rất đẹp quá”, “rất đẹp lắm quá”... để mang tiếng là mình nói tiếng Việt "chưa sạch nước cản" (vì xảy ra hiện tượng trùng ngữ (pleonasm) không cần thiết).

Sự phi logic này rõ ràng là bất hợp lý vì phá vỡ các nguyên tắc ngữ pháp, không theo một quy tắc cấu tạo từ nào trong tiếng Việt (từ cổ chí kim). Chúng ta đã từng thấy nhiều người lên tiếng phản đối lối nói, như "tối ưu nhất", "tuyệt vời nhất", "siêu tuyệt" đó sao?

Ấy vậy mà bà Tân Vlog vẫn sử dụng vô tư trong các phát ngôn "gây bão" của mình. Điều lạ là cộng đồng mạng lại không hề nhận ra cái bất bình thường trong "sự kiện ngôn từ" (cũng như những cái ngược đời, trái khoáy mà mẹ con bà Tân đem lại). Vlog của bà đã có tới gần 4 triệu lượt đăng ký và có hơn 650 triệu lượt người xem trong năm 2019. Nó không chỉ là một sự kiện thông thường nữa mà trở thành một "siêu sự kiện".

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link