Góc Hồng Ngọc: Man United sa sút là lỗi của… Ferguson!

05/10/2013 18:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sự nghi ngờ của giới hâm mộ về khả năng tân HLV David Moyes tiếp nối thành công của nhà cầm quân vĩ đại Alex Ferguson đã hiện thực hóa một bước dài. Nhưng nhà báo Hồng Ngọc lại không cho rằng lỗi ở vị HLV đến từ Everton mà là từ Ferguson.



Cựu HLV Alex Ferguson và người kế nhiệm David Moyes


Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Anh có ngạc nhiên về sự sa sút của Manchester United (M.U), khi thua tới 3/6 trận đầu mùa của giải Ngoại hạng, và hiện chỉ xếp thứ 12?

Hồng Ngọc: Tôi ngạc nhiên một chút. Nói “một chút”, vì như đã trao đổi với anh trong bài “Alex Ferguson và quản trị người hùng”, tôi hình dung được những khó khăn mà David Moyes phải đối mặt. Xin phép được nhắc lại một đoạn trong bài viết đó  : “Như hầu hết các CLB Anh, M.U của Ferguson theo mô hình quản trị người hùng. Một người kiệt xuất được trao mọi quyền hành, từ dẫn dắt đội 1, quản lý đội bóng, mua bán cầu thủ, và kiến tạo lứa kế cận. Sự xuất sắc của cá nhân làm thay cho sự vận hành và phối hợp tập thể, vốn hợp tác với nhau qua quy trình hay thể chế. Khi cá nhân đó kết thúc vai trò, thể chế chưa định hình, và mọi thứ dần trở thành một mớ hỗn độn. Chỉ có một thiên tài khác mới tái lập được trật tự và gặt hái thành tựu. Thiên tài không mấy khi xuất hiện, và chúng ta chắc dễ thống nhất với nhau rằng David Moyes không phải là thiên tài”.

Khi Moyes mới tới, chúng ta đã chứng kiến một sự hỗn độn, với việc đi hay ở của Rooney. Rồi việc tuyển cầu thủ mới thất bại suốt cả mùa Hè, cho đến ngày cuối cùng mới tuyển được một cầu thủ là… học trò cũ của Moyes tại Everton. Trước đây cả hệ thống trông chờ vào ý kiến của Ferguson để hành động với một sự tin tưởng, dù ông ấy cũng có đầy rẫy sai lầm tệ hại khó chấp nhận, kiểu như vụ tuyển mộ Bebe, một cầu thủ mới đưa lên từ hạng gần như nghiệp dư mà không cần xem thi đấu hay thậm chí xem video! Còn giờ đây, tất cả mọi người theo thói quen vẫn chờ đợi ý kiến của người ở vị trí đó để hành động, nhưng với một sự nghi ngờ.

David Moyes xứng đáng bị nghi ngờ?

Cuộc sống không có điều gì chắc chắn cả. Thế giới hiện có bao nhiêu HLV kiệt xuất? Chắc chỉ có ba người: Guardiola, Ancelotti, và Mourinho. Là tôi nói qua thành tựu mà họ đạt được, chứ không đánh giá quan điểm bóng đá hay quan điểm sống của mỗi người. Có ai không bị nghi ngờ với chính những công việc mà họ mới tiếp nhận mùa giải này?

Mourinho trở lại chính nơi mà ông thành công và được tôn vinh, nhưng đang xếp thứ 5 ở giải Ngoại hạng, thua trận ra quân Champions’ League ngay trên sân nhà. Real của Ancelotti đang chơi chệch choạc, xếp thứ 3 ở Liga, kém hai đội đầu bảng 5 điểm. Chỉ có Guardiola đang dẫn dắt Bayern nắm giữ ngôi đầu bảng, nhưng cũng đã bị nhìn với con mắt đầy ngờ vực khi thua Dortmund tại Siêu Cúp Đức.

Đó là cuộc sống. Người ta vẫn phải ra quyết định, vẫn phải lựa chọn ngay cả khi không chắc chắn. Và phải trả giá khi hành động sai lầm, bằng tiền lương, tiền phạt hủy hợp đồng, và nhất là những tổn thất thương mại và hình ảnh do thất bại về thể thao mang lại.

Ông chủ và ban lãnh đạo của M.U hẳn nhiên hiểu điều đó. Và họ thành công hơn chúng ta rất nhiều, lại là sự nghiệp của họ nên cơ sở cho việc ra quyết định của họ chắc chắn là đầy đủ và rõ ràng hơn chúng ta, những người chỉ ngồi đây và phán mà không phải chịu trách nhiệm gì với lời phán của mình, cũng không phải ra quyết định như họ (cười).

Anh có cho rằng có thể Moyes đã có sai lầm nào đó trong chính sách nhân sự kể từ khi nắm M.U?


Có thể là có. Một phần là những khó khăn khách quan. M.U có người đeo băng đội trưởng đủ để Moyes tin cậy là Vidic lại phải vật lộn với những vấn đề về chấn thương và phong độ. Khi đó thì Evra sẽ kế tục đeo băng đội trưởng. Nhưng Moyes đã công khai cố gắng tuyển dụng Baines, học trò cũ của ông đá cùng vị trí với Evra. Sau hai người đó là Carrick hoặc Rooney, một người thiếu cá tính, một người thì ích kỷ. Không có ai thật sự xứng đáng là đội trưởng nữa. Thật ra đó là vấn đề do Ferguson để lại. Kể từ sau Roy Keane, M.U không còn một đội trưởng đúng nghĩa nữa.

Với Ferguson thì không sao cả, vì ảnh hưởng của ông bao trùm đội bóng. Nhưng với vị HLV mới thì đó là vấn đề, vì ông không biết phải bắt đầu “nắm gáy” đội bóng về mặt nhân sự ở đâu.

Từ góc nhìn của anh, HLV David Moyes phải làm gì để vượt qua tình huống mà anh ngụ ý là bùng nhùng hiện tại?

Anh lại muốn tôi phán rồi! Tôi cho rằng vấn đề là mô hình quản trị. Hoặc là lãnh đạo M.U phải xây dựng lại mô hình quản trị đội bóng, kiểu như Barca, Bayern, hay mới đây là Manchester City vừa kiến tạo. Nhưng hình như điều này xa lạ với văn hóa bóng đá Anh. Vậy thì Moyes phải làm người hùng. Khi chưa có thành công để có ảnh hưởng bao trùm, ông phải biết dùng quyền lực cá nhân mà CLB trao cho để đặt đội bóng vào tầm kiểm soát của mình. Hãy trở lại với lối chơi mà ông từng làm tốt nhất ở Everton, với chút điều chỉnh phù hợp. Và cần phải dẹp bỏ nạn công thần, cất nhắc vai trò mới cho những nhân sự thuộc thế hệ kế tiếp. Tôi cho rằng cần phải thải loại Ferdinand, Giggs, và có thể cả Vidic, Evra, cũng như những tiềm năng mãi không lớn như Anderson, Nani khỏi đội bóng.

Hãy kiến tạo một đội bóng mới, dựa trên khá nhiều cầu thủ trẻ tài năng mà Ferguson đã tuyển về nhưng chưa được trọng dụng, chỉ giữ lại những cầu thủ xuất sắc của thời Ferguson có chung ý định xây dựng lại M.U thời kỳ mới, với sự lãnh đạo của David Moyes. Nếu vậy, coi như nửa đầu mùa giải này là “vứt đi”, chỉ có thể bắt đầu tái thiết M.U ở nửa sau, và nhất là từ năm tới. Kế hoạch đó rất cần sự kiên nhẫn của ban lãnh đạo M.U.

Chúng ta cùng chờ xem những “lời phán” của anh linh nghiệm ra sao!


Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link