SLNA sa sút: 'Trục vớt' một huyền thoại

05/04/2024 09:21 GMT+7 | Bóng đá Việt

SLNA lại thua, lần này là trên sân Hàng Đẫy, trước nhà đương kim vô địch CAHN. Việc này ngẫm cũng bình thường. Chỉ là thấy thương các CĐV xứ Nghệ đã cất công phủ vàng nửa khán đài B sân Hàng Đẫy.

"Giận thì giận, mà thương thì thương", đấy là câu hò xứ Nghệ thường được các CĐV SLNA nhắc ở cửa miệng mỗi lần nhắc tới đội bóng.

Thực tế ngoại trừ mùa giải 2011 vô địch V-League, với rất nhiều sự hậu thuẫn, chạy tiếp sức và nguồn tài nguyên vốn dồi dào như dòng nước sông Lam, kể từ khi V-League ra đời, với chức vô địch đầu tiên (mùa 2000-2001), cho đến nay, SLNA (và thậm chí cả người láng giềng Thanh Hóa) vẫn chưa thể duy trì phong độ ổn định ở giai đoạn lượt về V-League hoặc hạng Nhất QG.

SLNA: 'Trục vớt' một huyền thoại - Ảnh 2.

SLNA bây giờ không còn bóng dáng nào của một thế lực từng thống trị bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB. Ảnh: Hoàng Linh

Rất nhiều mùa giải, SLNA và Thanh Hóa chơi cực bốc ở lượt đi, nhưng lại bất ngờ sa sút ở lượt về, qua đó đánh mất cơ hội lớn cạnh tranh chức vô địch. Ví như các trận hòa và thua khó hiểu, kiểu trước HAGL chẳng hạn, ngay cả HLV Popov cũng không thể giải thích được. Hay chuyện "xin thẻ" của 2 trụ cột Lê Văn Thắng và Lê Quốc Phương vì lỗi và phản ứng trọng tài thái quá, thì ông Popov đứng hình luôn.

Trở lại với phong độ kém cỏi của SLNA mùa này, khiến CĐV sân Vinh quay lưng, đến từ nhiều lý do. Quân yếu, tướng thiếu, cùng một định hướng thiếu rõ ràng, đội bóng xứ Nghệ thậm chí vẫn phải dùng một tiền đạo như Raphael Success ở giai đoạn 2, dù anh này không ghi nổi một bàn thắng suốt 13 trận lượt đi. Sân Vinh trở nên vắng như "chùa Bà Đanh" trong mấy năm gần đây, là có lý do. CĐV tinh lắm chứ chẳng khờ như nhiều người nghĩ đâu.

Xứ Nghệ và SLNA là một huyền thoại của bóng đá Việt Nam. Trong lịch sử giải VĐQG, đây là đội bóng chưa từng phải rớt hạng, điều mà ngay cả các thương hiệu cũ nổi tiếng như Cảng Sài Gòn hay Thể Công cũng không làm được. Nhưng lịch sử hoàn toàn có thể đổi khác, nếu đội bóng xứ Nghệ tiếp tục mạch phong độ kém cỏi như thời gian dài qua.

Có cách nào đó trục vớt một con tàu không nhỉ, đây lại là một huyền thoại, một thương hiệu lớn. Có, nhưng lãnh đạo, BHL và cầu thủ SLNA liệu có chịu quyết liệt thực hiện hay không mà thôi.

Hãy lắng nghe ý kiến của người hâm mộ SLNA. Họ là những người trung thành nhất, với tình yêu vô bờ bến. Có đội bóng nào ở Việt Nam từng được vinh dự được hội CĐV góp tiền để trả lương và giữ chân cho trụ cột chưa?! Có CLB nào từng bao lần khiến người hâm mộ thất vọng, nhưng "giận thì giận, mà thương thì thương" chưa?! Chỉ có thể là SLNA.

Người quan sát thấy thương Như Thuật, bị chín ép và bị dí chiếc ghế HLV trưởng SLNA bất đắc dĩ. Các trụ cột đều đã được bán đi hết, rất được giá, các tài năng chớm nở của "công xưởng xuất khẩu cầu thủ" lớn nhất Việt Nam trong 30 năm qua, cũng được bán. Sân Vinh còn lại những gì, để Như Thuật, Văn Quyến... có thể níu lại?! Gần như là không gì cả.

Tiền chính là máu. Tuyên bố không tiền thưởng, không có bất cứ khoản thu nhập thêm nào của người đứng đầu đội bóng thật tai hại. Nó không những không kích thích bất cứ yếu tố tinh thần hay niềm tự hào bản địa nào, ngược lại, gần như làm suy kiệt mọi nguồn cảm hứng. Cầu thủ xứ Nghệ lúc này ra sân mà không thể cháy hết mình, còn người hâm mộ thì cảm thấy không được tôn trọng.

Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam vẫn thế, vẫn như mấy mươi năm nay, khi khán giả, người hâm mộ vẫn đứng ngoài cuộc chơi, vẫn chưa từng được xác thực vai trò nào cả. Ngó lên khán đài sân Hòa Xuân, trong các trận đấu của Quảng Nam mùa này, thật ngán ngẩm. Trống vắng đến độ..., à mà thôi. Đơn giản, bởi Quảng Nam cũng chỉ ăn nhờ ở đậu, chỉ là vay mượn.

Biết rồi, khổ lắm, nhưng vẫn phải nói.



CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link