26/10/2014 13:01 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - HLV Toshiya Miura đang xây dựng ĐTQG với những nhân tố trẻ, bằng chứng là 11 cầu thủ tuổi U23 lên đội tuyển Việt Nam để không chỉ đá AFF Cup 2014 gần kề, mà còn dự được SEA Games năm sau.
Trong khi đó, nhìn quanh sự chuẩn bị cho mùa bóng mới, gần như các đội đều đôn lứa trẻ của mình lên tập luyện ráo riết.
Vẫn có câu “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Nhưng thời điểm này, người trẻ đang gặp thời trong bối cảnh quan điểm nhìn nhận cùng tư duy làm bóng đá đã có những đổi thay, không chỉ ở ĐTQG còn xuống cấp độ CLB.
Sự cạnh tranh để có mặt trong danh sách cuối cùng trong lòng ĐTQG, chắc hẳn sẽ dữ dội, đấy là sự cạnh tranh lành mạnh, giữa dòng máu trẻ cùng các cựu binh. Với quan điểm ưu tiên cho phong độ cùng sức khỏe của ông thầy người Nhật, hẳn nhiên những cầu thủ U23 không chỉ lên đội tuyển để cho đủ quân số tập luyện.
Ưu điểm của họ là sức trẻ, lòng nhiệt huyết, khát khao vượt ngưỡng, còn khả năng chuyên môn đã khẳng định khi đá tốt tại ASIAD 17 vừa rồi. Vì thế, đáng để chờ đợi những đột biến từ họ, cũng đáng để yên tâm cho cuộc cách mạng nhân sự từ ĐTQG, cho cả hôm nay, và tương lai gần.
Mạch chuyển hướng tích cực ở khía cạnh nào đấy không chỉ ở cấp độ đội tuyển, vì xu thế ấy cũng đang thấy ở tầm CLB. SHB.Đà Nẵng tập trung hơn 1 tháng qua với trên 10 cầu thủ sinh từ 1992 về sau. B.Bình Dương ra Đà Nẵng rèn thể lực trên biển, cũng có lứa trẻ đôn lên. Sanna Khánh Hòa đang dựa vào lứa U21 vừa đá VCK U21 QG trở về để làm nòng cốt.
Khi được hỏi về những chuyển biến nhân sự của đội bóng, HLV Lê Huỳnh Đức chia sẻ: “Như những năm gần đây, chúng tôi chủ yếu dựa vào nội binh, vào nhân tố trẻ, được ươm mầm, xen canh lâu nay thôi. Không ham hố vào những cuộc đua chuyển nhượng bằng mọi giá. Kinh phí không quá dư thừa, hơn thế cái gì mình tự nuôi dưỡng, thì phải sử dụng để xem chất lượng ra sao chứ”.
Không chỉ riêng SHB.Đà Nẵng, mà cả V-League thời gian qua không tìm đâu ra ngoại binh có chất. Vẫn những tên tuổi cũ, chuyển từ đội này sang đội khác. Cứ nhìn SHB.Đà Nẵng năm ngoái thì thấy, hơn chục ngoại binh đến thử việc, nhưng chẳng có ai khẳng định được mình, mà không phải BHL không có con mắt nhìn người. Cơ bản vẫn là chi phí, cầu thủ chịu nhận lương tháng 3.000-4.000USD thì đương nhiên không ở đẳng cấp của Merlo (hơn 10.000USD/tháng). Trong bối cảnh không phải dư dả quá về tài chính, đương nhiên đội bóng cũng đâu nhiều tiền nuôi ngoại binh như vậy.
Lướt qua sự chuẩn bị của các đội khác thì thấy nhiều nơi cũng đang đưa người trẻ lên làm nòng cốt. SLNA, Sanna Khánh Hòa là minh chứng. Còn HA.GL, như lời bầu Đức khẳng định, lứa U19 sẽ đá V-League mùa 2015.
Bóng đá trẻ đang được mùa, cầu thủ lên hương, đó là niềm vui. Rõ ràng hiệu ứng tươi mới của đội U19 QG, từ các giải đấu trẻ, từ thành công của đội Olympic vừa rồi đang để lại hướng đi tích cực hơn. Ngoài trường hợp Công Vinh, cho đến lúc này, ít thấy những vụ chuyển nhượng đình đám.
Sau rất nhiều cuộc tranh đua - tranh thủ nhập tịch, lấy Tây “đè” người hay mua bán hớt ngọn, đã đến lúc những người làm bóng đá biết xây cái móng của mình. Vẫn biết để gặt hái quả ngọt từ cách làm bóng đá tận gốc thì phải chờ, nhưng ít ra khi các đội bóng biết tự vun trồng, chăm bẵm thì cũng là tín hiệu đáng mừng.
Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất