01/06/2022 12:03 GMT+7 | Tin tức 24h
Trao đổi với báo giới, Tiến sỹ Rosamund Lewis, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã thống kê được hơn 550 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở 30 quốc gia trên 4 trong 6 khu vực của WHO".
Bà nhận định bệnh đậu mùa khỉ đang cùng một lúc bùng phát ở nhiều nơi, trong thời gian tương đối ngắn. Chỉ trong vài ngày và vài tuần, số ca mắc đã tăng vọt lên hơn 500 ca và đây là điều chưa từng được ghi nhận trước đây.
WHO đang xem xét liệu xu hướng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.
Cùng ngày, Văn phòng WHO tại châu Phi cho biết từ đầu năm tới nay, có 7 quốc gia trong khu vực đã ghi nhận 44 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1.392 ca nghi mắc.
Các ca bệnh được báo cáo từ Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo và Sierra Leone. Tổng số ca mắc và nghi mắc trong 5 tháng đầu năm nay thấp hơn khoảng 50% so với năm 2021.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti đã nhấn mạnh rằng cần phải tránh đưa ra 2 phản ứng khác nhau trong việc đối phó với bệnh đậu mùa khỉ - một là ở các nước phương Tây hiện bệnh này đang lây lan và một là ở châu Phi.
Ông cho rằng các nước trên thế giới cần hợp tác và tham gia các nỗ lực toàn cầu bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và nhu cầu của châu Phi. Đây là cách duy nhất để đảm bảo thế giới tăng cường giám sát và hiểu rõ hơn về diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn căn bệnh này lây lan.
Cũng theo bà Moeti, châu Phi đã thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.
Điều quan trọng là châu lục này cần được tiếp cận bình đẳng với các loại vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả, cũng như cần đảm bảo các chế phẩm này đến tay mọi cộng đồng có nhu cầu.
Trong nhiều thập niên, chỉ có một số trường hợp được báo cáo lẻ tẻ. Sau đó, vào năm 2017, đã có một sự gia tăng đột biến với hơn 2.800 ca nghi mắc được ghi nhận ở 5 quốc gia. Sự gia tăng này tiếp tục đạt đỉnh vào năm 2020 với hơn 6.300 ca nghi mắc, trong đó CHDC Congo chiếm 95% số ca. Con số này sau đó đã giảm vào năm 2021 xuống còn khoảng 3.200 ca nghi mắc.
Phương Oanh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất