Bóng đá Trung Quốc: Quyền lực mới nổi ?

07/07/2012 12:39 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Didier Drogba, ngôi sao đã thực hiện quả sút luân lưu quyết định mang về chức vô địch Champions League đầu tiên cho Chelsea, vừa rời bỏ Premier League để gia nhập Thân Hoa Thượng Hải, một đội bóng hạng trung trong bảng xếp hạng giải Ngoại hạng Trung Quốc mùa bóng trước. Và Drogba không phải ngôi sao quốc tế đầu tiên gia nhập làng túc cầu của đất nước đông dân nhất thế giới này. Dấu hiệu của một quyền lực mới nổi trong làng banh thế giới ?



Hai ngôi sao ngoại quốc của Thân Hoa Thượng Hải, Giovanni Moreno (phải) và Nicolas Anelka

Tiền, tiền và hơn cả tiền

Bóng đá Trung Quốc vẫn là một nền bóng đá kém phát triển. Giải vô địch quốc gia của họ bị hủy hoại bởi nạn tham nhũng và đa phần dân chúng thờ ơ với môn thể thao này. Nền bóng đá nước này đã rúng động bởi vụ bê bối nhận hối lộ khiến hai quan chức cấp cao của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc nhận án tù 10 năm rưỡi và 4 cựu tuyển thủ quốc gia nhận những án tù nhẹ hơn.

Vậy thì tại sao Didier Drogba lại rời bỏ Premier League để gia nhập Thân Hoa Thượng Hải, đội bóng chỉ kết thúc ở giữa bảng xếp hạng mùa trước ở Giải ngoại hạng Trung Quốc (CSL)? Thoạt nghe thì điều này thật kì lạ. Nhưng siêu sao người Bờ Biển Ngà không phải là cái tên nổi tiếng đầu tiên đến với Trung Quốc bởi mức lương hấp dẫn. Drogba sẽ nhận tới 315.000 USD một tuần, trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất ở CSL.

Rob Shields, một người đại diện cầu thủ, trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN đã bình luận về vấn đề này như sau : “Những cầu thủ này gia nhập giải đấu khi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp và đến đây chỉ vì mức lương kếch xù mà họ nhận được. Mức lương đó đủ để họ sống tiếp cuộc sống không bóng đá sau này. Rõ ràng tiền là nguyên nhân chính”.

Đồng đội cũ của Drogba ở Chelsea là Nicolas Anelka cũng đã tới Thân Hoa vào tháng 1 theo một hợp đồng kéo dài hai năm. Huấn luyện viên đã đưa Ý đến với chức vô địch World Cup 2006, Marcelo Lippi cũng vừa mới được bổ nhiệm dẫn dắt Quảng Châu Evergrande, một câu lạc bộ giàu tham vọng mới đây đã có được chữ kí của hai cầu thủ Nam Mỹ nổi danh: tiền vệ người Argentina Dario Conca và tiền đạo người Paraguay Lucas Barrios.

Những thương vụ đắt giá này được thực hiện nhờ sự hỗ trợ tài chính của các cá nhân giàu có, chủ sở hữu của hai câu lạc bộ này. Theo giáo sư về chiến lược kinh doanh trong thể thao của trường Đại học Coventry, Simon Chadwick, họ nhìn nhận bóng đá là cơ hội tốt để dành ảnh hưởng về chính trị.

Quảng Châu Evergrande thuộc quyền sở hữu của Xu Jiayin (Hứa Gia Ấn), Chủ tịch tập đoàn bất động sản Evergrande trong khi chủ tịch của Thân Hoa Thượng Hải là Zhu Jun (Chu Tuấn), Chủ tịch công ty trò chơi điện tử trực tuyến The Nine City. Chadwick tin rằng, lí do mà họ mang những cầu thủ nổi tiếng đến với CSL là nhằm mục đích khác ngoài bóng đá.

“Ở Trung Quốc muốn làm gì cũng phải có quan hệ”, Chadwick phân tích. “Mua một câu lạc bộ bóng đá sẽ giúp các ông chủ giàu có thiết lập mối quan hệ tốt với các nhà chính trị và các doanh nhân khác. Ngoài ra còn có vấn đề hình ảnh và lòng tự hào quốc gia rất lớn ở đó. Nếu bóng đá Trung Quốc nổi tiếng trên toàn thế giới, điều đó sẽ giúp Trung Quốc nhận được những cái nhìn thiện cảm và các nhà chính trị cũng vậy. Việc mua một câu lạc bộ bóng đá sẽ giúp những ông chủ có được ảnh hưởng về chính trị”.

Mặc dù đã lôi kéo được các ngôi sao như Drogba và Anelka rời khỏi giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu, CSL vẫn chưa thu hút được sự chú ý của công chúng. Điều này là do tiếng xấu của nền bóng đá Trung Quốc.

Tiếng xấu bao giờ hết ?

Vụ bê bối mới đây đã khiến Nan Yong (Nam Dũng) và Xie Yalong (Tạ Nhã Lung), hai cựu lãnh đạo của Trung tâm điều hành Bóng đá Trung Quốc phải ngồi bóc lịch hơn 10 năm sau khi bị buộc tội nhận hối lộ.

Cựu tiền vệ Shen Si (Thân Tứ), từng thi đấu 39 trận cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc từ 1995 đến 2002, nhận án tù sáu năm, trong khi các cựu cầu thủ khác là Qi Hong (Kỳ Hoành), Jiang Jin (Giang Tân) và Li Ming (Lý Minh) nhận án tù năm năm rưỡi.

“Có rất nhiều cáo buộc về hối lộ, dàn xếp tỉ số và tham nhũng. Những điều đó tác động mạnh đến công chúng, khiến họ lo sợ rằng thứ bóng đá mà mình đang xem là không trong sạch. Các cổ động viên không muốn theo dõi thứ bóng đá dàn xếp. Các bậc cha mẹ cũng không muốn con cái mình ủng hộ các đội bóng với thành tích nghèo nàn nhưng lại tích cực tham nhũng”, Chadwick nói thêm. “Người dân ở đây có thể theo dõi La Liga, Premier League và Seria A hàng tuần. Manchester United và Real Madrid coi Trung Quốc là một thị trường tiềm năng. Nhưng trên thực tế, ở Trung Quốc, bóng đá không phải là môn thể thao được quan tâm hàng đầu”.

Dù những đầu tư từ các ông chủ giàu có đã thu hút được những cầu thủ nổi tiếng, nhưng điều đó chẳng giúp ích gì cho công tác đào tạo trẻ của bóng đá Trung Quốc và cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc, hiện đứng thứ 73 trên bảng xếp hạng của FIFA.

Bóng đá Trung Quốc đang vật lộn để đi tìm vị thế của mình. Và số tiền để mời những cầu thủ ngoại quốc về đây đáng ra nên dùng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm giúp đào tạo ra những cầu thủ trẻ tài năng.

“Hãy nhìn Conca, rõ ràng anh ta nổi bật giữa đám đông. Trình độ của anh ta vượt trội so với những cầu thủ bản địa. Các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc không quan tâm đến việc phát triển từ gốc. Những sự đầu tư không giúp bóng đá nơi đây phát triển hơn”, Chadwick nói. “Tiền bạc chủ yếu tập trung để đánh bóng tên tuổi và có rất ít tiền đầu tư cho bóng đá ở cấp cơ sở”.

Việc các cầu thủ đã có tuổi như Drogba, 34 tuổi và Anelka, 33 tuổi đến các giải đấu ở các nước kém phát triển hơn như CSL ở buổi hoàng hôn của sự nghiệp cầu thủ đang trở thành một xu thế.

Shields cho rằng không có lí do gì để xu hướng này không tiếp tục, tức là sẽ còn nhiều cầu thủ theo bước Drogba và Anelka. Tiền đạo người Nigeria, Yakubu, năm nay 29 tuổi, là cầu thủ mới nhất có liên hệ để chuyển sang thi đấu tại Trung Quốc sau gần một thập kỉ chơi bóng tại Anh.

Nhưng theo giáo sư Chadwick, lớp trẻ của Trung Quốc hiện nay sẽ không thích thú với những cầu thủ đã qua thời kì đỉnh cao. Chỉ có những siêu sao đương thời mới có thể thu hút được sự chú ý của công chúng.

“Những người Trung Quốc không chấp nhận những cầu thủ đã hết thời đến đây chỉ để đếm tiền. Họ không muốn Anelka và Drogba. Họ thích những cầu thủ như Barrios và Conca hơn, và đang mơ về những Bastian Schweinsteiger, Wayne Rooney và Sergio Aguero. Những cầu thủ đang ở giữa độ tuổi 20 và ở độ chín của sự nghiệp đó mới là những người họ muốn nhìn thấy”.

    THANH HOÀI

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link