10 vụ trộm tranh nổi tiếng nhất lịch sử

01/12/2010 10:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một người thợ điện ở Pháp có tên Pierre Le Guennec vừa bị bắt vì nghi ngờ đã “chôm chỉa” 271 họa phẩm của danh họa Pablo Picasso trị giá khoảng 80 triệu USD. Nếu hành động trộm cắp được xác nhận, có thể nó sẽ được đưa vào trong danh sách 10 vụ trộm tranh nổi tiếng nhất thế giới.

1. Đánh cắp Mona Lisa

Năm 1911, Vincenzo Perugia, một người nhập cư Italia và là nhân viên của bảo tàng Louvre, Pháp, đã đi vào bảo tàng, lấy đi bức tranh Mona Lisa, giấu nó dưới chiếc áo khoác rồi đường hoàng bước ra ngoài. Ban đầu Perugia có ý định lấy lại bức tranh nổi tiếng của Leona Da Vinci và mang về cho Tổ quốc. Tuy nhiên, ông ta bị bắt sau đó 2 năm khi đang cố gắng bán họa phẩm cho một bảo tàng ở Perugia. Kể từ sau vụ trộm, an ninh ở Bảo tàng Louvre đã được tăng lên đáng kể.


Có tin đồn họa phẩm “Nativity with St. Francis and St. Lawrence”
của Carvaggio đã bị hư hỏng vĩnh viễn, không thể thu hồi lại

2. Vụ trộm ở bảo tàng Gardner

Isabella Stewart Gardner là một nhà sưu tập nghệ thuật người Boston, Mỹ, đã sở hữu rất nhiều họa phẩm danh giá trong các chuyến đi vòng quanh châu Âu của bà. Khi qua đời, bà yêu cầu biến nhà riêng thành viện bảo tàng, trưng bày các bức tranh bà đã sưu tập được.

Năm 1990, 2 gã đàn ông đóng giả cảnh sát đã khống chế các bảo vệ của bảo tàng và tẩu thoát cùng nhiều họa phẩm. Chúng gồm 3 bức tranh của Rembrandts, 5 bức phác họa của Degas, 1 bức của Manet và 1 bức của Vermeer với tổng giá trị 300 triệu USD. Hai thập kỷ sau đó, bất chấp việc nhà chức trách đã treo thưởng tới 5 triệu USD cho ai cung cấp tin giúp bắt những tên trộm, chưa một bức tranh nào trong số đó được thu hồi.

3. Vụ tấn công Bảo tàng E. G. Buehrle

Năm 2008, những tên trộm có đeo mặt nạ đã “viếng thăm” Bảo tàng E. G. Buehrle ở Zurich, Thụy Sĩ và lấy đi 4 họa phẩm trị giá hơn 130 triệu USD. Chúng gồm bức “Poppies near Vetheuil” (Những cây anh túc gần Vetheuil) của Claude Monet, “Count Lepic and his Daughters” (Bá tước Lepic và các con gái) của Edgar Degas, “Blossoming Chestnut Branch” (Nhành hạt dẻ nở hoa ) của Vincent Van Gogh và “Boy in a Red Waistcoat” (Cậu bé mặc áo gi-lê đỏ) của Paul Cezanne.

4. Vụ trộm Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris

Năm nay, một tên trộm đơn lẻ bận đồ đen đã phá khóa và đột nhập vào Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật hiện đại ở Paris và biến mất cùng nhiều bức tranh của Picasso, Matisse và các nghệ sĩ lớn khác. Những họa phẩm bị đánh cắp ban đầu được cho là có giá tới 800 triệu USD trước khi được xác định chỉ khoảng 160 triệu USD. Điều tra cho thấy hệ thống báo động mới của bảo tàng đã không hoạt động trong vài tuần, giúp tên trộm dễ dàng ra tay mà không bị phát hiện.

Trong số tranh có 5 bức đáng chú ý là “Dove with Green Peas” (Chim câu và những hạt đậu xanh) của Pablo Picasso, “Pastoral” (Mục đồng) của Henri Matisse, “Olive Tree near l’Estaque” (Cây olive gần l’Estaque) của Georges Braque, “Woman with Fan” (Người đàn bà với cây quạt) của Amedeo Modigliani (1919) và “Still Life with Candlestick” (Cuộc sống bình lặng với giá nến) của Fernand Leger.


Người thợ điện Pierre Le Guennec bị nghi ngờ trộm hơn 270 họa phẩm Picasso

5. Tiếng thét cũng đã bị đánh cắp

Edvard Munch, họa sĩ nổi tiếng của Na Uy theo trường phái nghệ thuật biểu hiện đã vẽ 4 phiên bản khác nhau của họa phẩm “The Scream” (Tiếng thét) trong khoảng thời gian từ năm 1893 tới năm 1910. Kể từ đó, một nửa trong số chúng đã bị đánh cắp. Vụ gần đây nhất là vào năm 2004, khi hai tên cướp có súng đã khống chế bảo vệ và lấy đi bức The Scream cùng bức Madonna cũng của Munch, treo ở Bảo tàng Munch tại Oslo. Năm 2006, bọn cướp bị tóm nhưng các họa phẩm đã bị hư hại.

6. “Chôm” chân dung Công tước Wellington

Kempton Bunton là một tài xế xe buýt về hưu sống nhờ một khoản tiền lương nhỏ. Tuy nhiên vào năm 1961, ông ta cũng là thủ phạm đã đánh cắp bức “Portrait of the Duke of Wellington” (Chân dung Công tước Wellington) của danh họa Goya, được treo ở Nhà triển lãm Nghệ thuật quốc gia Mỹ. Bunton tẩu thoát cùng bức tranh qua cửa sổ một phòng tắm có trong bảo tàng, chỉ 3 tuần sau khi Chính phủ Mỹ bỏ tiền ra mua bức tranh. Sau này Bunton đã mang bức tranh ra đầu thú nhà chức trách và trả lại bức tranh. Ông nói rằng đã đánh cắp tranh để phản đối việc Chính phủ chi tới 392.000 USD chỉ để giữ nó ở Nhà triển lãm Nghệ thuật quốc gia.

7. Vụ trộm tại Bảo tàng Van Gogh

Năm 1991, hai tên trộm đã đột nhập vào Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan và lấy đi 20 họa phẩm, gồm bức “Sunflowers” (Hoa hướng dương) nổi tiếng toàn cầu. Giới yêu nghệ thuật đã thở phào khi các bức tranh được tìm thấy trong một chiếc xe, chỉ vài giờ sau khi bị trộm. Nhưng năm 2002, hai tên trộm khác đã viếng thăm bảo tàng và lấy đi hai bức tranh “View of the Sea at Scheveningen” (Quang cảnh biển cả tại Scheveningen) và “Congregation Leaving the Reformed Church at Nuenen” (Giáo đoàn rời nhà thờ Tin lành ở Nuenen). Cả hai tên trộm đã bị bắt và bị tuyên án hồi năm 2003. Nhưng những bức tranh đã biệt vô âm tín kể từ đó.

8. Cướp như phim ở Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển

Trong một vụ cướp mang phong cách hành động của một tập phim James Bond, vào năm 2000, 3 tên cướp đeo mặt nạ đã cầm súng tiến thẳng vào cửa chính Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. Cả bọn khiến cảnh sát bận bịu bằng hàng loạt quả bom giả giăng khắp thành phố, trong khi chúng thoải mái dạo bước qua bộ sưu tập tranh của bảo tàng để lựa chọn và biến mất cùng số tranh trị giá 30 triệu USD. Tuy nhiên, toàn bộ 8 kẻ tham gia vụ này đã bị bắt và 3 bức tranh, gồm 2 bức của Renoirs và 1 bức Rembrandt, đã được thu hồi.

9. Vụ trộm tranh Carvaggio

Năn 1969, bức “Nativity with San Lorenzo and San Francesco” (Sinh nở cùng San Lorenzo và San Francesco) của Carvaggio đã bị xé khỏi khung treo nó ở Nhà nguyện San Lorenzo, Palermo, Italy. Trong một phiên xử diễn ra hồi năm 1996, một cựu thành viên mafia thừa nhận đã đánh cắp họa phẩm này và tới nay nó vẫn chưa được thu hồi. Có tin nó đã bị chuột cắn nát trong quá trình bị người ta mang đi giấu.

10. Vụ trộm bảo tàng Whitworth

Cảnh sát nghi ngờ một vụ trộm nghệ thuật chuyên nghiệp đã diễn ra tại Bảo tàng Whitworth ở Manchester, Anh. Trong vụ này, những tên trộm đã vượt qua nhiều hệ thống báo động hiện đại, lực lượng bảo vệ dày đặc cũng như số lượng lớn các camera an ninh để mang đi một họa phẩm của Gauguin, một bức của Van Gogh và một bức của Picasso. Các bức tranh được tìm thấy tại một nhà vệ sinh công cộng nằm cách bảo tàng chưa đây một cây số, cạnh chúng là một tờ giấy có ghi: “Mục đích của chúng tôi không phải là đánh cắp tranh, chỉ muốn cảnh báo về mức độ an ninh đáng buồn của bảo tàng”. Sau vụ này, bảo tàng Whitworth đã phải siết chặt lại hoạt động an ninh.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link