Rugby không có lỗi

15/01/2011 11:44 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH)- Người Arsenal lại dùng khái niệm "rugby" (bóng bầu dục) để chỉ trích lối chơi của các đối thủ. Lần này là thủ quân Cesc Fabregas, sau thất bại trước Ipswich Town ở lượt đi bán kết Cúp Carling.

Là thủ quân, Fabregas đương nhiên tỏ ra thất vọng trước mỗi thất bại của Arsenal. Nhưng anh không nên chỉ trích phong cách chơi bóng của đối thủ: "Tôi không biết đó là bóng dài hay cú đá trong môn rugby. Ở Anh, nhiều đội bóng chơi theo cách này và nó đã mang lại hiệu quả cho họ. Arsenal đá bóng. Còn họ thì không. Và họ đã may mắn khi ghi bàn từ bóng dài".

Fabregas không phải là người Arsenal đầu tiên sử dụng khái niệm "rugby". Người thầy của anh, Arsene Wenger, đã từng gây xôn xao dư luận khi chỉ trích đích danh Stoke City và Blackburn đá theo kiểu "rugby". Phong cách rugby thường được hiểu là bóng dài kết hợp với sức mạnh cơ bắp. HLV Tony Pulis của Stoke City và HLV Blackburn lúc bấy giờ là Sam Allardyce đã tức giận đến mức đâm đơn lên BTC Premier League và FA, đề nghị họ phải phạt Wenger vì tội "xúc phạm". FA quyết định không phạt Wenger. Nhưng sự vụ này không hề chìm đi.

Cesc Fabregas chỉ trích lối chơi của Ipswich- Ảnh Getty

Chứng kiến Stoke City, Blackburn dưới thời Sam Allardyce hay Ipswich Town thi đấu thì phong cách, chiến thuật của họ đúng là có nhiều điểm giống với bộ môn rugby. Nhưng họ chẳng làm gì sai, họ đá rất đúng luật. Mỗi đội bóng có phong cách, chiến thuật riêng. Fabregas không thể đòi hỏi các đối thủ phải đá đẹp, đá bóng ngắn, đá cống hiến khi gặp Arsenal. Với lực lượng kém hơn, tầm cỡ CLB nhỏ hơn, đá như thế trước Arsenal thì chẳng khác gì tự sát. Những Stoke, Blackburn hay Ipswich rõ ràng "biết mình, biết ta". Họ tận dụng điểm mạnh của mình. Họ tấn công vào điểm yếu của đối thủ. Và họ đạt được kết quả như ý.

Fabregas chuyển từ Barcelona sang Arsenal vào tháng 9/2003. Một tháng sau, anh có trận ra mắt khi chỉ mới 16 tuổi. Như vậy, Fabregas đã chơi bóng ở Anh gần 7 năm rưỡi. Bản thân Wenger đã có hơn 14 năm gắn bó với Arsenal. Wenger và Fabregas rõ ràng chẳng lạ gì bóng đá Anh. Trước đây, bóng dài và thể lực thậm chí là đặc trưng của Premier League. Không chỉ các đội bóng nhỏ mà ngay cả các đội bóng lớn cũng sử dụng phong cách này. Nhưng tại sao Fabregas và Wenger cứ chỉ trích phong cách này? Phải chăng họ không thể thích nghi với phong cách rugby hay đó là lời biện minh cho thất bại? Nên nhớ rằng, M.U, Chelsea, Liverpool, Tottenham, Man City hay phần còn lại của Premier League chưa bao giờ chỉ trích phong cách này. Đó là phần tất yếu của cuộc chơi. Mỗi đội bóng một phong cách, bóng đá thế mới có tính đa dạng. Chẳng lẽ Stoke, Blackburn, Ipswich quay sang chỉ trích phong cách bóng ngắn, lối chơi thiên về kỹ thuật của Arsenal?

Thực ra, bóng dài và lối chơi cơ bắp hiện tại bị xem là "thiếu tính cống hiến". Nhưng đó là chuyện riêng của Stoke, Blackburn hay Ipswich. Họ chịu trách nhiệm về phong cách trước khán giả nhà, trước những ông chủ chứ không phải trước Arsenal. Như trường hợp của Blackburn, đã quyết định sa thải Sam Allardyce vì phong cách "buồn ngủ, nhàm chán" ấy.

Những năm gần đây, Wenger và các học trò còn lên án lối chơi bạo lực của đối phương, khiến các cầu thủ của họ dính chấn thương khủng khiếp, hủy hoại cả sự nghiệp, như trường hợp của Eduardo, Ramsey. Lời lên án ấy nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Thứ bóng đá "bẩn", "ác ý", "không fair-play" xứng đáng đón nhận những lời chỉ trích cay nghiệt. Nhưng tiếc thay, Arsenal lại đang bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Premier League mùa này, họ đã nhận đến 5 thẻ đỏ, kém mỗi West Brom (6) và hơn 18 đội còn lại. So với Stoke City, Arsenal nhận nhiều thẻ đỏ hơn (5 so với 1), phạm nhiều lỗi hơn (263 so với 246). 

Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link