06/06/2015 09:00 GMT+7 | Trong nước
Rahim, kẻ được cảnh sát Mỹ cho là đã trở nên cực đoan dưới ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, dùng nhiều mật mã để nói về kế hoạch của gã. Ví dụ, gã nói rằng sẽ "đi nghỉ" khi nhắc tới kế hoạch nổ súng vào cảnh sát.
Những kế hoạch tàn độc
Rất tiếc, chuyến "đi nghỉ" của gã thanh niên 26 tuổi này đã kết thúc trong một cơn mưa đạn vào ngày thứ Ba tuần này. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và cảnh sát Boston, sau khi bám theo Rahim, đã quyết định ra tay trước để loại trừ mối nguy.
Họ tin rằng trước khi bị giết, Rahim đang chuẩn bị tiến hành khủng bố. Đồng bọn của gã là David Wright, 25 tuổi, cũng bị bắt và khởi tố vì cản trở cơ quan thi hành pháp luật.
Cuộc điều tra vào mạng lưới của Rahim diễn ra vào thời điểm giới chức Mỹ lo ngại về việc nhiều kẻ có cảm tình với IS sẽ tiến hành tấn công khủng bố Mỹ trong tương lai.
Sử dụng mạng xã hội và mã hóa mọi tin nhắn liên lạc qua Internet, những kẻ này dễ dàng tránh khỏi rađa kiểm soát của lực lượng an ninh. Thông qua các phương tiện này, IS đã vươn tới ngày càng nhiều những kẻ đồng cảm với chúng ở Mỹ, khuyến khích việc gây ra những vụ khủng bố như vừa bị ngăn chặn ở Boston.
"Khủng bố nước ngoài giờ đã có thể kết nối trực tiếp tới Mỹ, điều chưa từng xảy ra trước đây" - Michael Steinbach, Trợ lý giám đốc FBI, phụ trách đơn vị chống khủng bố, đã nói như thế trước Ủy ban An ninh Nội địa Mỹ vào tuần này.
Được biết, ít nhất một gã dính líu tới kế hoạch chặt đầu blogger theo phe bảo thủ Pamela Geller và giết các viên cảnh sát ở Massachusetts, đã nhận sự động viên, khuyến khích từ những kẻ ở nước ngoài, có liên quan tới IS. Tuy nhiên mối quan hệ giữa đôi bên lớn tới đâu thì người ta chưa thể làm rõ.
Hàng ngàn tin nhắn chiêu mộ gửi lên mạng
Thượng nghị sĩ Michael McCaul của đảng Cộng hòa, người là Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa ở Quốc hội Mỹ, cho biết chính các hoạt động liên lạc với IS đã khiến nhà chức trách để ý tới Rahim.
"Gã đó đã bị lực lượng chống khủng bố hỗn hợp của Boston đưa vào tầm ngắm, do tìm cách bắt liên lạc và phát tán thông tin tuyên truyền của IS trên mạng" - ông nói.
Ước tính có 3.400 người phương Tây đã gia nhập IS, hưởng ứng lời kêu gọi thành lập vương quốc Hồi giáo tại Iraq và Syria, do lực lượng này đưa ra. Giới chức chống khủng bố Mỹ nói rằng ít nhất 200 người Mỹ đã rời đi hoặc tìm cách tới Syria. Nhưng chẳng ai biết có bao nhiêu kẻ đồng cảm với IS vẫn ở lại quê nhà.
"Có hàng ngàn tin nhắn chiêu mộ được đưa lên không gian mạng và những kẻ gửi đi (IS) hy vọng chúng sẽ đáp xuống nhà một người nào đó cảm thấy hợp với các thông điệp có trong tin nhắn" - John Carlin, phụ trách đơn vị an ninh quốc gia ở Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết - "Chúng chỉ cần câu được người phù hợp để tiến hành khủng bố trong đất Mỹ".
Có thể nói, IS hiện đang sở hữu trong tay cỗ máy tuyên truyền phức tạp nhất so với các tổ chức khủng bố khác. Chúng cũng có chiến lược liên lạc toàn cầu, vừa thách thức các quan chức chống khủng bố, vừa thoải mái xâm nhập rất sâu vào Mỹ.
Đầu tuần này, Steinbach ước tính ở Mỹ đang có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn kẻ ủng hộ IS, đang lặng lẽ nằm chờ thời cơ. Ông cũng nói rằng việc phải tìm hiểu xem có bao nhiêu tên trong số này đang lặng lẽ hành động đã mang tới thách thức không hề nhỏ.
Kêu gọi cầm vũ khí
Trở lại vụ Rahim, trong khi gã này tích cực liên lạc với IS, giới chức Mỹ không có bằng chứng nào cho thấy các chiến binh IS đã trực tiếp tham gia lên kế hoạch hoặc chỉ đạo thực hiện kế hoạch khủng bố.
Nhà chức trách cũng tin rằng một vụ tấn công giống kiểu Rahim định tiến hành đã diễn ra trong tháng trước ở Garland, Texas, tại một sự kiện có các hình biếm họa Nhà tiên tri Mohammed được tín đồ Hồi giáo tôn thờ. Lần ấy, 2 kẻ tấn công đã bị một viên cảnh sát rút súng bắn chết. Một gã được cho là đã liên lạc với IS.
Theo Steinbach, vụ tấn công sự kiện ở Texas đã cho thấy khả năng phát tán thông điệp tuyên truyền cực mạnh của IS, qua đó thu hút nhiều kẻ xấu có chung tư tưởng. Đây là lợi thế mà lực lượng này sẽ không thể có được, nếu Internet không phổ biến như hiện nay.
Trong bối cảnh ấy, ngăn chặn IS là điều rất khó khăn, do lực lượng này thường xuyên mã hóa các thông điệp tuyên truyền và liên lạc. "Chúng ta đang gặp vấn đề trong việc hiểu rõ chúng (IS) đang nói gì trong các thông điệp được mã hóa đó" - Steinbach cảnh báo.
Với John Mulligan, Phó Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, chắc chắn trong các thông điệp ấy có chứa những lời kêu gọi cầm vũ khí, bên cạnh "các hướng dẫn chi tiết để một kẻ cảm tình với IS chuẩn bị đầy đủ và tiến hành khủng bố thành công".
Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất