Sofia Coppola thay cha làm “trùm"

22/09/2010 06:50 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Hollywood vốn không ưa thích lắm cảnh đàn bà ngồi ghế chỉ đạo, nhất là trong công việc đạo diễn. Số lượng nữ đạo diễn trong vương quốc ấy khá eo hẹp và nếu có được nể trọng thì chắc chỉ còn vài người. Trong số ấy có Sofia. Tạm gọi tên cô là thế bởi nếu không lại làm liên tưởng đến bố cô, ông trùm Francis Ford Coppola. Cha là cha và con là con. Sofia không giống cha. Năm nay Sofia chỉ vừa 39 tuổi.

Quyền lực tuổi 39


Sofia Coppola nhận giải Sư tử vàng

Sofia vừa nhận giải Sư tử vàng tại LHP Venice với bộ phim mới nhất, Somewhere. Trao giải cho cô là đạo diễn được xem là đầu-óc-có-vấn-đề, Quentin Tarantino. Sofia Coppola cũng được xem là đạo diễn có-vấn-đề, tức là phim của cô luôn có vấn đề. Giống y chang người cha - đạo diễn huyền thoại, nhưng phim của Sofia luôn khác màu sắc và cả ý tưởng. Trong lời cảm ơn, Sofia phát biểu rằng cô cảm ơn cha cô chân thành bởi những gì ông đã dạy dỗ cô, chính xác là đã dạy cô đừng bao giờ giống ông. Và Coppola The Great cũng rất tự hào mà tin tưởng rằng cô con gái rượu chẳng giống mình tí nào. Francis Ford Coppola là một đạo diễn có đủ mọi hào quang, danh dự cao nhất tại thế giới Hollywood, và con gái ông, tên đầy đủ là Sofia Carmina Coppola, nghệ danh thường gọi là Domino, với giải thưởng điện ảnh mới nhất, dường như đang bắt đầu một con đường vinh quang còn đẫm màu cổ tích hơn cả cha của mình. Gia tộc Coppola, gia tộc thứ hai trong lịch sử Hollywood có đủ tượng vàng Oscar cho cả 3 thế hệ.

Sofia đi theo cha từ bé và điều đó biến cô thành một kẻ không nhà. Không nhà có nghĩa là không có nhà để ở. Tuổi thơ của cô đi từ khách sạn này đến khách sạn khác, trở thành một khách trọ hạng sang và điều ấy cho cô một nhãn quan nhìn cuộc sống khá trầm, ngay từ khi còn bé. Bạn có thể nhận thấy điều này trong nhiều phim của cô, từ Lost in Translation (2003) đến Somewhere mới nhất, rất nhiều cảnh hành động được quay có bối cảnh là phòng khách sạn. Có gì đó gần giống cuộc đời Sofia, nhỏ gọn và tù túng, luôn muốn thoát ra những định kiến, những chiếc bóng to lớn như cha cô để khẳng định mình. 39 tuổi, Sofia Coppola đang có tất cả, giải thưởng, những đứa con, danh vọng… nhưng như cô từng nói “Như một bộ phim mafia, bạn chẳng thể nào biết cuộc sống sau này thế nào. Tôi sống bằng niềm tin rằng, cuộc đời mình không bao giờ cạn cảm hứng để sống và nuôi những cảm hứng của mình”.

Trong Somewhere vừa giành giải Sư tư vàng, người ta thấy hiện ra một bộ mặt Los Angeles đương đại vừa trần trụi, buồn tẻ vừa chậm chạp và lặp đi lặp lại như chiếc kim đồng hồ không bao giờ đi hết vòng tròn cuộc đời mình. Như tuổi thơ của Sofia, cuộc đời là những chuyến đi, đi từ khách sạn này tới khách sạn khác, những ánh đèn flash, cuộc sống hai mặt của đời diễn viên, những ánh hào quang giả tạo, vòng quay cuộc sống đủ tẻ nhạt để cô hiểu ra rằng, mọi thứ phải thay đổi. Không như cha cô vốn đối xử với tác phẩm của mình như những người đàn ông, Sofia xử lý phim của mình bao giờ cũng gai góc và đàn bà hơn, thậm chí đôi lúc tông màu quá lố cũng chỉ đơn giản làm rõ thêm thông điệp nữ quyền luôn cần phải được tôn trọng.


Sống để làm phim

Ông trùm Coppola kể rằng ngày nhỏ khi Sofia mới 3 tuổi lúc nhìn thấy cảnh bố mẹ cãi nhau cô đã hét lên “Cắt!!!”, khi đó ông tin con mình sau này sẽ là đạo diễn như cha.

Sofia Coppola làm nhiều nghề trong thế giới lắm đèn Hollywood trước khi được công nhận là người nổi tiếng. Cô làm diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, người viết kịch bản, thiết kế thời trang…, mỗi công việc gắn bó với một giai đoạn, hoặc xen kẽ nhau hoặc sự thất bại của việc này kéo theo ý định mới, tuy nhiên mọi thứ đều không nằm ngoài vùng Hollywood phủ sóng.


Sofia Coppola (giữa) cùng 2 diễn viên Stephen Dorff và
Elle Fanning khi ra bộ phim Somewhere tại LHP Venice
Ngay từ khi còn bé Sofia đã được rửa tội… trên phim. Chính xác là phim Bố già phần 1. Đó là phim làm nên cuộc đời huyền thoại của cha cô, Coppola vĩ đại. Hệ quả của việc rửa tội ấy giống như một nghi lễ xác tín rằng cuộc đời này, Sofia dành trọn mình cho điện ảnh, cho dù điện ảnh đôi lúc “đánh đập” cô tời bời. Sofia làm diễn viên và là một diễn viên rất dở. Thậm chí thời năm 90 thế kỉ trước có tờ báo nhận xét cô là một diễn viên… vô học, sống được nhờ vào hào quang của cha. Thời điểm ấy Sofia được nhận vai Mary Corleone, con gái của ông trùm trong Bố già phần 3. Vai diễn nhạt thếch của cô (đi cùng với phần tiếp theo của Bố già cũng chẳng đậm hơn được tí gì) đã “khiến” Sofia nhận 2 giải Mâm xôi vàng. Một sự mở đầu khô khốc với cô gái chỉ mới 19 tuổi và vẫn còn nhìn đời khá trong trẻo. Bỏ nghiệp diễn, Sofia đi thiết kế trang phục cho phim. Sofia đã thiết kế cho các nhân vật của mình những bộ trang phục rườm rà đầy dây nhợ và trang sức, người lớn bảo đây là trẻ con còn trẻ con lại khẳng định những bộ trang phục ấy không dành cho chúng và điều ấy khiến những bộ phim mà cô thiết kế trang phục bị đánh giá là nửa vời.

Cần phải nhấn mạnh rằng Sofia chưa bao giờ gục ngã bởi điều gì. Người ta chê cô đóng dở, cô gật đồng công nhận. Người ta bảo cô chỉ sống bằng hào quang của cha, cô chỉ cười. Người ta bảo cô đi làm thời trang vì chẳng còn biết làm nghề gì ở Hollywood nữa, Sofia gật gật. Mọi thứ cứ thế khoảng 5 năm cho đến khi Sofia ra mắt bộ phim Lick the Star (1998) ở vai trò đạo diễn, một sự thách thức nghiêm trọng với những ánh nhìn khinh miệt ở Hollywood khi cô con gái lại đi theo chân người cha anh hùng. Làm đạo diễn có nghĩa là mức độ bị so sánh đến nghẹt thở, đến “muốn buông tất cả mà biến mất” (lời Sofia), nhưng cô gái 28 tuổi ấy không buông tha dư luận, cô viết kịch bản phim, đạo diễn và lao vào học như điên. Lick the Star không thành công lắm nhưng nó cho thấy Sofia làm hay hơn là diễn. Một năm sau, khi đọc xong The Virgin Suicides, Sofia viết lại kịch bản chuyển thể lên phim về 5 cô gái trẻ đi tìm cái chết, với khá nhiều pha nóng và bạo lực. Phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo giới năm 1999 tại LHP Cannes. Báo chí bắt đầu nhìn nhận một Sofia tách biệt hẳn người cha của mình. Phim cô gai góc hơn và âm thanh của cô là tiếng nói của những nghẹn ngào không thoát hết ra được, nó hoàn toàn không giống với những tiếng súng hay tiếng thét trào hết ra lồng ngực của cha cô. Phim của Sofia cũng không cách tân với những chiêu thức mới mẻ, mà luôn đi vào thẳng vấn đề: xã hội, gia đình, phụ nữ, nhàm chán, những đô thị buồn tẻ…

Ở tuổi 39, Sofia Coppola đã có giải Oscar cho Kịch bản xuất sắc nhất (Lost in Translation), bên cạnh đó có thêm 41 giải thưởng và 33 đề cử điện ảnh lớn nhỏ.

Ông trùm đã đi qua thời của mình và lúc này con gái ông đang trở thành một quyền lực mới ở Hollywood. Nhưng cô rất nhẹ nhàng và khiêm tốn. Anthony Breznican của tờ Newsweek mô tả rằng “cô ấy luôn lịch sự, né tránh và chẳng cần tô vẽ gì. Chẳng giống một quý bà quyền lực của Hollywood và dường như cô ấy cũng chẳng mong chờ điều ấy”. Có người ở tuổi 39 mới bắt đầu cuộc đời của mình, với Sofia Coppola ở tuổi 39 “đời là một thời để đi, tôi vẫn chưa bao giờ đi hết con đường mà mình đã định”.

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link