27/10/2022 06:38 GMT+7 | Bóng đá Việt
Tập đoàn FPT sẽ mua bản quyền truyền hình V-League trong 4 năm đến (2023-2027) với giá trị 2,5 triệu USD/năm (hơn 60 tỷ đồng). Thông tin đó khiến người quan tâm đến giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rất phấn khởi.
Bởi đã 22 năm phát triển nhưng bản quyền truyền hình V-League luôn được định giá khá thấp. Điều đó không những mất đi nguồn thu lớn với VFF, VPF mà còn khiến các CLB không được hưởng lợi từ “con gà đẻ trứng vàng” mang tên bản quyền truyền hình.
Nhớ lại ngay từ khi V- League ra đời, tiền từ bản quyền truyền hình đã được vào danh mục các nguồn thu lớn trong mỗi mùa giải. Chỉ sau vài năm chuyển sang mô hình bóng đá chuyên nghiệp, V.League đã thu được những khoản tiền truyền hình đầu tiên ở mùa giải 2005. Tuy nhiên, có một thực tế là trong hơn 20 năm qua, nguồn thu từ bản quyền truyền hình không có đột phá đáng kể.
Thậm chí, năm 2010, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng “bán lúa non” bản quyền truyền hình V-League cho truyền hình AVG với thời hạn 20 năm. Giá trị rất khiêm tốn, 6 tỷ đồng/năm, tăng 10% sau mỗi mùa giải. Tuy nhiên, việc VFF “bán lúa non” bản quyền truyền hình có thời hạn đến 2 thập niên, trong khi nhiệm kỳ chỉ 5 năm, đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhiều thành phần đang tham gia hoạt động bóng đá. AVG sau đó phải trả lại bản quyền truyền hình V-League cho VFF.
Cho đến năm 2017, Next Media ký hợp đồng với Công ty VPF để sở hữu toàn bộ bản quyền truyền hình Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (bao gồm V-League, Giải hạng nhất, Cúp quốc gia) từ năm 2017 đến hết mùa giải 2022. Mỗi năm, Next Media trả cho VPF ngoài tiền mặt tương đương 3 tỷ đồng, là thời lượng quảng cáo trong mỗi trận đấu (trung bình khoảng 9 phút/trận đấu). Một cái giá quá hời với Next Media.
Trong khi đó, nhìn sang giải bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan để có sự so sánh. Gói bản quyền truyền hình Thai League (2021-2028) có giá hơn 400 triệu USD (hơn 9.500 tỷ đồng), con số gây choáng cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nếu đem so sánh với bản quyền truyền hình V-League thì con số này quả thật đáng để mơ ước. Thai League đang có sức hút số 1 Đông Nam Á, thứ 4 Đông Á. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là nếu đem V-League đặt bên cạnh các giải đấu trên. Nhưng phải thừa nhận rằng Thai League đã làm được những điều khiến bóng đá Việt phải bất ngờ.
Trông người mà ngẫm đến ta. Nếu tính từ mùa giải 2000, đánh dấu giải bóng đá VĐQG Việt Nam lên chuyên nghiệp, chúng ta sắp đi hết 22 mùa bóng. Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng đã đánh dấu 10 năm thành lập. Chừng đó thời gian, nếu V-League thực sự phát triển đúng hướng, chắc chắn không chỉ đột phá khâu bán bản quyền truyền hình mà nhiều giá trị gia tăng cũng được nâng tầm.
Tuy nhiên, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp vẫn phát triển theo kiểu bán chuyên. Chất lượng chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra để thu hút lượng khán giả đến sân đông đảo. Các dạng thức tiêu cực như “xin cho - nhường điểm” dàn xếp tỷ số, sai sót trọng tài để lại nhiều nhức nhối. Chính vì thế, dẫn đến mất niềm tin từ doanh nghiệp, nhà tài trợ và đặc biệt là khán giả. Đa số các CLB, dù tồn tại ở mô hình công ty CP bóng đá nhưng không có lãi, hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách của “ông bầu” và địa phương.
Chính vì thế, V- League phải thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhìn từ hình ảnh sân Lạch Tray rực đỏ khán giả trận gặp Hà Nội vừa qua, chất lượng chuyên môn cao, tổ trọng tài thuê từ Hàn Quốc sang cầm còi chuẩn mực. Điều đó phản ảnh được tất thảy những tiêu chí cần có của bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa. Ngược lại màn “khẩu chiến” giữa đội trưởng Quế Ngọc Hải với CĐV xứ Nghệ về khái niệm “cổ động viên chân chính và bóng đá chân chính” đã đưa câu chuyện nóng lên không cần thiết. Dù kết quả thế nào nhưng việc khán giả xứ Nghệ luôn nổi tiếng cả nước về sự chung tình, cuồng nhiệt, đã kêu gọi quay lưng với đội bóng là tổn thất nặng nề với CLB SLNA.
Chỉ cần 2 hình ảnh tương phản như thế để thấy rằng, việc nâng tầm thương hiệu các CLB nói riêng, giải chuyên nghiệp nói chung là sứ mệnh nặng nề, cần sự chung tay của cả hệ thống. Mùa giải 2022 đã có nhiều đột phá về chất lượng, sự hấp dẫn, lượng khán giả đến sân tăng cao. Chính sự tươi mới đó đã góp phần khiến giá trị của bản quyền truyền hình tăng vọt. Cho nên, những người làm bóng đá chuyên nghiệp cần biết nâng niu, trân trọng những thành tựu đã tạo dựng để nâng tầm V-League. Hy vọng từ V-League, thương quyền các CLB lẫn các ĐTQG cũng tăng lên.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất