24/05/2022 20:24 GMT+7 | Champions League
(Thethaovanhoa.vn) - Việc Kylian Mbappe khước từ viễn cảnh chơi bóng ở Real Madrid để tiếp tục gắn bó với PSG là một chỉ dấu cho thấy những cầu thủ mới là người quyết định cuộc chơi sự nghiệp, chứ không phải cuộc chơi của các CLB.
Nếu ai đó không phải là người theo dõi kỹ càng thương vụ Mbappe đổi ý ở lại PSG, họ sẽ thắc mắc tại sao tiền đạo 22 tuổi lại khước từ cơ hội khoác áo một CLB đã sở hữu đến 13 chức vô địch Champions League so với con số không tròn trĩnh của đội chủ sân Parc des Princes.
Mbappe không để các CLB dắt mũi mình
Câu trả lời cho những khúc mắc nằm ở điểm đến của Mbappe tuần trước, ngay trước khi anh đá trận đấu cuối cùng mùa này của PSG với Metz. Không phải là một chuyến bay đến Tây Ban Nha để thống nhất các điều khoản cá nhân và tiến hành thủ tục kiểm tra y tế để hoàn tất bom tấn được kỳ vọng nhất mùa Hè này. Mbappe lại đến Qatar, quê hương của vị chủ tịch PSG hiện thời Nasser Al-Khelaifi. Những lời hứa hẹn đầy thuyết phục cùng mức lương thưởng hậu hĩnh được cho là lý do để tiền đạo người Pháp quay ngoắt 180 độ ý định rời nước Pháp.
Real Madrid và cả La Liga tất nhiên không giấu được sự tức tối. Cả hai đều đã nộp đơn kiện lên UEFA và EU hòng ngăn chặn việc hợp thức hóa hợp đồng mới của Mbappe với PSG. Khoan đã, Real Madrid đang ở vị thế bất lợi hơn trước đây. Năm ngoái, đội chủ sân Bernabeu là một thành tố quan trọng trong kế hoạch tạo ra European Super League, giải đấu đối trọng với Champions League của UEFA. Họ cũng là một trong 4 CLB Tây Ban Nha bị tòa án tối cao EU yêu cầu hoàn trả lại số tiền lên tới hàng triệu euro thu lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước. PSG tất nhiên cũng chẳng phải dạng vừa khi lên tiếng khẳng định khoản thua lỗ 224 triệu euro của họ diễn ra trong thời điểm Luật công bằng tài chính được nới lỏng vì tình hình dịch bệnh Covid-19. Tất cả chi phí thua lỗ của PSG đã được tính toán kỹ càng, kể cả trường hợp thương vụ bom tấn Lionel Messi vừa qua. Việc giữ chân Mbappe bằng một bản hợp đồng hậu hĩnh có thể coi là một quyết định điên rồ, nhưng PSG hoàn toàn đủ tự tin về khả năng sớm thu lại khoản tiền bỏ ra để giữ chân anh thêm ba năm nữa nhằm đáp ứng yêu cầu về Luật công bằng tài chính mới của UEFA sẽ có hiệu lực từ năm 2025.
Trên tất cả, Mbappe chính là người nắm lấy quyền quyết định số phận của bản thân, thay vì để những lời đường mật hấp dẫn từ Real Madrid hay những nỗ lực năn nỉ của PSG thuyết phục mình. Anh đã bắt cả hai đội bóng này chờ đợi mình đưa ra quyết định về tương lai đến tận tháng Năm này, khi các giải châu Âu chuẩn bị đến hồi hạ màn. Tất nhiên, tiền đạo 22 tuổi này không tự mình quyết định một vấn đề hệ trọng đến sự nghiệp. Anh đã tham vấn ý kiến của người mẹ Fayza, ông bố Wilfried, tham vấn luật sư cá nhân Delphine Verheyden và thậm chí còn gọi điện cho cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chính lời thuyết phục của Tổng thống Macron cùng một số nhân vật có quyền lực ở Pháp đã khiến Mbappe phần nào xiêu lòng với ý định ở lại Paris. Trong những ngày cận kề thời điểm Mbappe quyết định gia hạn hợp đồng với PSG, tiền đạo người Pháp bay đến Madrid, trong khi mẹ anh lại di chuyển đến Qatar. Điều này mang đến những khó đoán về lựa chọn của tiền đạo 22 tuổi này. Real Madrid đã nỗ lực chiêu mộ Mbappe khi anh mới là cậu nhóc 11 tuổi, trong khi các ông chủ Qatar Sports Investment (QSI) không muốn mất mặt khi chứng kiến Mbappe chia tay PSG vào thời điểm World Cup 2022 sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Đó là lý do PSG buộc phải phá vỡ thông lệ để cho Mbappe đặc ân trở thành ông hoàng ở Paris, nơi anh có quyền quyết định HLV, đội ngũ nhân sự của đội bóng. Anh chính là biểu tượng mới trong mọi dự án và tham vọng sắp tới của đội chủ sân Parc des Princes. Tài chính chẳng là vấn đề gì hết, kể cả khi cái giá phải trả cho lòng trung thành của Mbappe với PSG nằm ở con số 57 triệu euro mỗi mùa, chưa kể con số này có thể vọt lên thành 300 triệu euro nếu tính thêm các khoản thưởng khác nhau trong ba năm hợp đồng sắp tới.
PSG, hơn cả một CLB hàng đầu nước Pháp
Nếu chỉ là một CLB thuần túy, rất khó để bạn so đọ với Real Madrid, một bến đỗ vừa hấp dẫn về phương diện chuyên môn lẫn cơ hội quảng bá hình ảnh cá nhân, bởi đội chủ sân Bernabeu là nơi giúp bất cứ cầu thủ nào tiến gần tới những danh hiệu cá nhân, cụ thể là Ballon d’Or, đỉnh cao trong sự nghiệp của bất cứ cầu thủ nào. Vậy điều gì giúp PSG, một đội bóng không có bề dày danh hiệu châu lục, có thể thắng thế trong cuộc đua giữ chân Mbappe khỏi tầm săn mồi của con cáo già Real Madrid?
Cần phải khẳng định bóng đá lúc này không còn chiều chuộng những đội bóng có bề dày truyền thống nữa. Họ không hề yếu kém về tài chính, nhưng vẫn thua sút những đội bóng siêu quyền lực như PSG, một sản phẩm bỗng chốc lớn mạnh từ bàn tay của những ông chủ Qatar. Những ngôi sao tiếp nối Cristiano Ronaldo và Lionel Messi như Mbappe hay Erling Haaland thay vì tìm đến các thế lực truyền thống lại chấp nhận những dự án sặc mùi kim tiền, như việc Mbappe ở lại PSG hay Haaland không đợi chờ Real Madrid thêm một mùa giải mà chuyển đến Man City theo tiếng gọi của Pep Guardiola.
Thật ra, những dấu hiệu về sự chuyển dịch quyền lực trên thị trường chuyển nhượng đã bắt đầu nhìn thấy từ thương vụ đắt giá nhất thế giới cách đây 5 năm, khi PSG “vui vẻ” phá két chi đến 222 triệu euro để mang Neymar về từ Barcelona. Chúng ta bắt đầu hình dung dần về một thế giới khi những đội bóng có sự hậu thuẫn của cả một quốc gia như PSG hay những thế lực tiêu tiền không phải lo nghĩ như Man City sẽ là những người nắm giữ quyền chủ động trong các thương vụ quan trọng. Những thế lực như Real Madrid hay Barcelona giờ chỉ biết thở dài cùng giới hạn chi tiêu, trong khi lời phàn nàn của chủ tịch La Liga Javier Tebas chỉ đơn giản tô điểm thêm cho sự bất lực nhìn các thế lực mới nổi vung tiền ở mọi mục tiêu muốn chiêu mộ.
Việc chủ tịch PSG Al-Khelaifi có tiếng nói ở UEFA càng khiến những hình dung về sự cân bằng trong thế giới bóng đá chẳng còn bất cứ tác dụng nào. Thuật ngữ tái cân bằng cuộc chơi hóa ra chỉ là một trò cười không hơn không kém, khi nó hoàn toàn có thể trở thành một thứ bình phong cho những thế lực mới như PSG “tác oai, tác quái”.
Hiệu ứng Mbappe: Tchouameni, Dembele muốn đến PSG Việc Kylian Mbappe đồng ý ký vào bản hợp đồng mới với PSG có thể sẽ tạo ra hiệu ứng domino cho các thương vụ chuyển nhượng mùa Hè này. Những mục tiêu tiếp theo của đội chủ sân Parc des Princes có thể là Aurelien Tchouameni và Ousmane Dembele. Các cầu thủ Pháp đang trở thành món hàng được săn lùng trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè sắp tới. Tchouameni, người đã khẳng định được mình trong màu áo Monaco, đang trở thành nhân vật được Real Madrid và các CLB Premier League săn đón gắt gao, đặc biệt là MU và Chelsea. Còn Dembele cũng chẳng phải quá lo lắng nếu anh cảm thấy cuộc sống ở Camp Nou dưới thời Xavi không đem đến niềm hạnh phúc cho mình. Ở tuổi 25 cùng những màn trình diễn ấn tượng cuối mùa, anh hoàn toàn đủ sức thu hút những lời đề nghị từ khắp châu lục khi hợp đồng của mình với Barcelona đáo hạn vào mùa Hè này. Nhưng việc PSG giữ chân Mbappe thành công mang đến cơ hội để đội chủ sân Parc des Princes trở thành bến đỗ chung cho cả Tchouameni lẫn Dembele. Đội chủ sân Parc des Princes không hề giấu giếm ý định cải tổ đội ngũ bằng những cầu thủ hay nhất xứ lục lăng, chi tiết gợi đến hình ảnh của Juventus tại Serie A hay Bayern Munich ở Bundesliga, những đội bóng luôn có truyền thống hút máu tài năng bản địa. |
Diệp Hạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất