09/05/2016 17:24 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm tạo bước chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản về an toàn thực phẩm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được đồng bộ, đảm bảo quản lý an toàn thực phẩm giữa các Bộ, ngành, địa phương để tránh bỏ sót cũng như chồng chéo.
Song trên thực tế, việc triển khai những văn bản, chính sách này lại đang gặp phải một số hạn chế mà lý do chính là sự thiếu quyết tâm, thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.
Theo tổng hợp của Bộ Y tế, nâng cao vai trò trong đảm bảo an toàn thực phẩm, những năm gần đây, công tác thanh, kiểm tra đã được thực hiện thường niên theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương, trong đó tập trung nhiều vào các dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu với sự tham gia của liên ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ…
Nhờ đó, trong giai đoạn 2012-2014, trung bình mỗi năm các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 470.042 cơ sở và phát hiện 99.356 cơ sở vi phạm (21,1%), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Ngay trong quý I/2016, công tác thanh, kiểm tra tập trung chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán, theo đó cả nước đã thành lập được 9.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do ngành y tế chủ trì tiến hành kiểm tra tại 109.195 cơ sở, phát hiện 20.572 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8% (quý I/2015 là 20,4%).
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dù được quan tâm nhưng khó tránh được những rủi ro, dẫn đến hàng năm trên địa bàn toàn quốc vẫn để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ.
Hệ thống tổ chức công tác an toàn thực phẩm tại xã phường chưa có hoặc cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế...Thêm vào đó, sự vào cuộc của chính quyền chưa quyết liệt (nhiều cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng vẫn hoạt động), chưa đầu tư nhiều cho công tác an toàn thực phẩm ngoài nguồn ngân sách từ Trung ương.
Đặc biệt, Luật an toàn thực phẩm, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn triển khai đều phân công trách nhiệm rõ ràng cho chính quyền địa phương, tuy nhiên trên thực tế nhiều địa phương khoán trắng công tác an toàn thực phẩm cho các Sở chuyên ngành nên hiệu quả triển khai không cao…
Thủ đoạn tinh vi
Đấu tranh với thực trạng trên, góp phần thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vận chuyển, sử dụng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc.
Theo Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng 2 thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an), hòng qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng rất nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, ngụy trang dưới nhiều hình thức.
Kể lại trường hợp bắt vụ vận chuyển trái phép 1,2 tấn ba ba sống và rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào chiều 13/4, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết, số hàng hóa này được cất giấu tinh vi trên một chiếc xe khách đã được hoán cải, đang trên đường vận chuyển về thành phố Hà Nội để tiêu thụ.
Phát hiện dấu hiệu khả nghi, lực lượng của Phòng 2, C49 phối hợp với Công an quận Đống Đa đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ được giấu rất tinh vi trên xe khách, lẫn trong nhiều đồ gia dụng như ấm đun nước bằng điện, phụ tùng xe đạp...
Cũng qua kiểm tra chiếc xe ô tô chở khách 45 chỗ mang biển kiểm soát 15B – 019.01 dừng đỗ có nhiều dấu hiệu khả nghi, Tổ công tác Phòng 2, C49 phối hợp cùng Đội Cảnh sát môi trường thuộc Công an Quận Đống Đa (Công an Thành phố Hà Nội) đã bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc với số lượng lớn vào ngày 16/4, tại khu vực đường Láng (Đống Đa, Hà Nội). Lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 10.000 gói kẹo trẻ em các loại cùng 1,3 tấn phụ gia thực phẩm gồm bột trà sữa, bột sốt me, trà, cà phê... không rõ nguồn gốc đang trên đường đi tiêu thụ.
Đoàn thể cùng vào cuộc
Nhận diện được vấn nạn thực phẩm bẩn, các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã vào cuộc, có nhiều giải pháp, hành động góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng hóa chất trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế sử dụng các loại phân bón vô cơ, tuyên truyền cho người dân, người sản xuất về tính độc hại của những loại hóa chất này đối với sức khỏe con người và môi trường nông thôn. Đồng thời phối hợp cùng các địa phương vận động và hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sinh thái hữu cơ.
Theo ông Thao Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum, vấn đề quan trọng nhất là phải quản lý được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất trong chăm nuôi. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng "thực phẩm bẩn" đang tràn lan trên thị trường. Để giải quyết được triệt để tình trạng này, ông Sơn nhấn mạnh phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết triệt để thì mới có được kết quả tốt.
Trong thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng nhiều bộ, ngành đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực, riêng trong năm 2015 đã phối hợp triển khai các đợt giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp (phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thủy sản và chất xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản) tại nhiều địa phương.
Đồng thời, Hội Nông dân phối hợp với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp cho cán bộ Hội ở các cấp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở và người sản xuất, kinh doanh; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các mô hình chăn nuôi đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khuyến khích tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm mang tính bền vững, cũng như lấy lại lòng tin từ người dân, Bộ Y tế khuyến khích người tiêu dùng tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, chúng ta phải thay đổi quan niệm về đấu tranh với hành vi vi phạm.
Bên cạnh việc cơ quan chức năng phải có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, thì sự tham gia của người tiêu dùng nhằm tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Nhất là trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm quy mô rất lớn như hiện nay, rất cần sự cộng tác của người tiêu dùng để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Mọi người dân, đặc biệt là người tiêu dùng cần chủ động, mạnh dạn hơn nữa trong việc phát hiện và tố giác các nguồn thực phẩm bẩn để dần dần đẩy lùi và bài trừ thực phẩm không đảm bảo an toàn ra khỏi đời sống hằng ngày.
Bài 5: Chính quyền địa phương - chủ công trong “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn
TTXVN/Quốc Trị - Xuân Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất