04/11/2016 07:17 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình Solo cùng bolero mùa 3 vừa mở màn lại tiếp tục gây chú ý như 2 mùa trước. Mà không chỉ chương trình này, một loạt những chương trình khác hay những sản phẩm âm nhạc mang hơi hướng bolero cũng đều được đông đảo khán giả chú ý.
Bolero trong vài năm qua đã thắng thế trở lại và trào lưu này chưa biết bao giờ sẽ thoái trào.Chuyện cũ mà vẫn mới
3 năm qua chương trình Solo cùng bolero vẫn mang một màu cũ, 70% nội dung bài hát vẫn là những bài bolero xưa cũ. Chỉ có điều, khán giả không ngán mà vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ.
Ngay khi tập 1 vòng bán kết vừa được phát vào tuần trước thì nhiều diễn đàn âm nhạc đã bàn tán sôi nổi y như những mùa trước. Người thì đánh giá giọng hát của chàng kẹo kéo Nguyễn Trang Công Toại ngọt như Tuấn Vũ, người lại bảo Vạn Âu Thiên Dzũ xuất sắc hơn bởi có nhiều nét giống Duy Khánh…
Bao năm nay, các cuộc thi hát bolero trên truyền hình bao giờ cũng gây ra những tranh luận. Bởi bản chất của bolero là tiếng lòng và bất cứ ai cũng thấy mình ở trong đấy và họ luôn “dựng” lên những giọng ca riêng xem như là tượng đài không ai qua được. Nên bolero vẫn luôn bị so sánh và luôn được chăm chú theo dõi sát sao, là vì vậy.
Chàng bán kẹo kéo Công Toại (thứ hai từ trái sang) trong khoảnh khắc xúc động vì được vào chung kết “Solo cùng bolero 2016”
Bên cạnh đó, một phần quan trọng làm nên chiến thắng của những chương trình bolero là nó luôn có những câu chuyện lấy được nước mắt khán giả. Hai năm trước Solo cùng bolero chứng kiến cuộc đổ bộ của những giọng ca miệt vườn lần đầu tiên lên sóng truyền hình.
Từ bác nông dân, anh xe ôm cho đến chị gái buôn thúng bán bưng ngoài chợ, giới sinh viên, cả người chăn bò đến chị thợ may… Tất cả đều vì “muốn tìm vận may” hay “nghèo quá nên đến với cuộc thi để kiếm tiền ăn học”.
Ở họ, có một điểm chung, là có câu chuyện hấp dẫn người xem truyền hình.
Năm nay tình hình cũng vẫn vậy. Đó là câu chuyện cô dược sĩ phải từ bỏ ước mơ ca hát suốt 15 năm vì lý do gia đình cấm cản và nói “đó là nghề của những người đàn bà hư hỏng”. Đó là anh thợ làm vườn miền Tây đã ở tuổi trung niên, sở hữu bộ dáng của những tài tử xi-nê xưa với hàng râu kẽm, anh có chất giọng mà danh ca Lệ Thu gọi là một viên ngọc quý.
Hay anh chàng bán kẹo kéo luôn đội sụp cái nón lưỡi trai khi đi hát ở những quán nhậu miền Trung với đôi mắt nhắm nghiền vì sợ khi mở ra anh sẽ thấy những chén đĩa ê hề, tiếng cụng ly say sưa... Hoặc như anh thợ sửa khóa nghèo cô đơn giữa Sài Gòn hoa lệ không bao giờ mỉm cười vì cuộc đời quá cay đắng.
Hoặc như hai người xe tải và xe khách với hơn 20 năm rong ruổi trên mọi nẻo đường và hát bolero đầy mê mải như tụng ca những gió bụi nhân gian. Đó còn là anh chàng bỏ mối quần áo với vẻ ngoài lãng tử, phong trần và tha thiết yêu dòng nhạc bolero được kế thừa từ chính bố mình…
Những câu chuyện đời luôn là chất xúc tác tuyệt vời cho belero cất cánh và khán giả một khi đã bị “ngấm” vào những câu chuyện lại càng gắn chặt mình nhiều hơn với bolero.
Bolero không có gì mới nhưng những câu chuyện thân phận đã giúp dòng nhạc này âm ỉ chảy không ngừng và giờ thì đã trở thành một trào lưu mới nhờ truyền hình.
Bolero đến đâu là vừa?
Nữ danh ca Ý Lan chia sẻ rằng chị “cảm thấy tổn thương khi mọi người gọi bolero là nhạc sến, bởi trong âm nhạc chỉ có 1 điều duy nhất đó là tình yêu, không có sang hay sến”. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều bolero sẽ dễ làm công chúng bị bội thực.
Trong vòng vài tháng qua, một loạt các chương trình về bolero được lên sóng. Hết Khán giả cùng bolero lại đến Thần tượng bolero, hết Tuyệt phẩm bolero lại đến Tình bolero, Người hát tình ca... Và giờ là Solo cùng bolero mùa 3 trở lại. Sắp tới đây nghe nói đài truyền hình Vĩnh Long sẽ làm thêm nhiều chương trình bolero khác theo… 4 mùa trong năm.
Ngay như ca sĩ nhạc pop Hồ Quỳnh Hương, mới đây cũng đã tung ra album mới nhất mang tên Hương xưa 1 với những tình khúc bolero mà cô bảo rằng “đó là một tình yêu mới của tôi”. Và dự án này, theo kế hoạch, sẽ kéo dài 4 album, chỉ toàn bolero.
Việc một ca sĩ pop tên tuổi như Hồ Quỳnh Hương “ngả” sang bolero không phải là một điều bất ngờ. Trước đó đã có những Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng… đã khai phá dòng nhạc này không mệt mỏi. Chỉ có điều, xu hướng này không dừng lại mà thậm chí còn biến tướng.
Một loạt những ca sĩ trẻ hiện nay, nhận ra bolero đang là thịnh hành nhất, đã quyết định “đổi dòng” và gắn thêm nhạc điện tử cho thời thượng. Kết quả là một loạt các bài bolero remix của Quách Tuấn Du, Bá Thắng… đã được nghe trọn vẹn từ ngõ hẻm đến cả các quán bar sôi động.
Và chất bolero kiểu ấy đã làm nhiều người nhăn mặt bởi chất tình đã bay hết, tinh thần của dòng nhạc xưa cũ bị xáo trộn. Người có thâm niên bảo rằng họ không biết hát bolero nên phải gắn “điện tử” để lấp liếm. Còn người trong cuộc thì cho rằng họ làm thế để bolero có sức sống hơn và bản thân người hát cũng được xem là có… sáng tạo.
Và trong bối cảnh “nhà nhà bolero” thì bỗng dưng bolero trở thành một dòng nhạc mà không ai biết thật sự nó sẽ biến tướng như thế nào.
Bolero quay trở lại là một việc đáng mừng bởi những giá trị của nó là không thể phủ nhận. Nhưng việc tràn lan bolero đến nỗi bị “bóp méo” tinh thần nguyên sơ của nó sẽ dễ gây ra những ngộ nhận. Và quan trọng hơn, nếu cứ quay đầu về giá trị cũ thì những giá trị mới rất dễ bị bỏ quên.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất