Sứ mệnh khó khăn sau thượng đỉnh liên Triều

21/09/2018 20:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu coi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay là cơ hội để Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thực hiện sứ mệnh "cầu nối" hòa giải nhằm khôi phục đối thoại Mỹ-Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, thì có thể nói ông đã hoàn thành được một nửa nhiệm vụ.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lần đầu tiên vạch ra một lộ trình cụ thể hơn về phi hạt nhân hóa, trong đó đề cập khả năng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, thể hiện thiện chí của Triều Tiên, đồng thời cũng là tín hiệu tích cực cho tiến trình giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Sứ mệnh khó khăn còn lại của Tổng thống Hàn Quốc là làm sao thuyết phục chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đi tiếp con đường hòa giải và hợp tác với Triều Tiên để thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và toàn khu vực Đông Bắc Á nói chung.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm nhà khách Samjiyon, gần núi Paektu ngày 20/9/2018.   Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lần đầu tiên nhất trí về phương thức phi hạt nhân hóa và đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử tên lửa của nước này. Đây là một bước tiến dài so với thỏa thuận thượng đỉnh Singapore giữa Mỹ và Triều Tiên, bởi dù được xem là lịch sử, mở ra một lối thoát cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, song văn kiện được ký tại Singapore bị đánh giá là còn quá chung chung, chưa bao gồm một lộ trình hay thời gian biểu nào cụ thể cho việc thực hiện các mục tiêu chung về phi hạt nhân hóa và hoà bình. Qua cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm 2018, lãnh đạo hai miền đã phác thảo nhưng nét mới, cụ thể và rõ ràng hơn, về vấn đề "phi hạt nhân hoá hoàn toàn, có thể kiểm chứng và ko thể đảo ngược”. 

Bình Nhưỡng đề xuất các bước đi mới gồm đóng cửa bãi phóng thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, và quan trọng hơn, phá hủy hoàn toàn cơ sở hạt nhân chủ chốt Yongbyon nếu Mỹ cũng có các hành động thiện chí tương xứng. Bãi thử động cơ tên lửa và phóng tên lửa Dongchang-ri là cơ sở chính chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Triều Tiên, được cho là có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ. Trong khi đó, bãi thử hạt nhân Yongbyon là nơi Triều Tiên chế tạo bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H), loại bom có sức công phá lớn gấp nhiều lần bom nguyên tử (bom A).

Có thể nói các đề xuất mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã mở lối để Washington và Bình Nhưỡng cùng tái khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, vốn bế tắc trong hơn 3 tháng qua kể từ cuộc gặp Mỹ – Triều lịch sử tại Singapore ngày 12/6. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump từng tỏ rõ thái độ sẵn sàng ký một hiệp định hòa bình với Triều Tiên, song yêu cầu Bình Nhưỡng trước đó phải có bước đi “có ý nghĩa” nhằm phi hạt nhân hóa. Vì thế những cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể là động thái "chìa cành ô liu" cho Mỹ, đồng thời thông qua những tuyên bố này, Bình Nhưỡng đang giành thế chủ động và "đá quả bóng trách nhiệm" sang phần sân của Mỹ.

Phản ứng bước đầu của Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều cũng truyền đi những thông điệp tích cực. Tổng thống Trump đánh giá đây là "tin tức rất tốt lành”, còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đại diện của nước này và Triều Tiên sẽ gặp nhau tại thủ đô Vienna (Áo) để đàm phán "trong thời gian sớm nhất có thể". Đây được coi là bước đánh dấu sự khởi đầu các cuộc đàm phán nhằm thay đổi mối quan hệ Mỹ-Triều, trong bối cảnh một chuyến thăm của ông Pompeo tới Triều Tiên vào tháng 8 đã bị hủy bỏ với lý do chưa đạt tiến bộ về phi hạt nhân hóa.

Khó khăn lớn nhất lúc này thu hẹp khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên trong việc thực hiện lộ trình phi hạt nhân hóa, vốn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều. Cho tới nay, Mỹ vẫn khăng khăng đòi Triều Tiên phải giải giáp hạt nhân trước, trong khi Bình Nhưỡng yêu cầu sớm ký hiệp định hòa bình chấm dứt tình trạng chiến tranh. Cách tiếp cận khá cứng rắn của những nhân vật “diều hâu” trong chính quyền Tổng thống Trump, nhất là Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (Giôn Bôn-tơn), khiến dư luận nghi ngờ Mỹ khó có "những bước đi tương ứng" để đáp lại thiện chí của Triều Tiên. Khả năng Mỹ nhượng bộ Triều Tiên vì thế cũng rất xa vời.

Tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đang tạo ra những trở ngại nhất định, bởi cán cân quyền lực ở Mỹ sau cuộc bầu cử này hiện vẫn là ẩn số. Bất kỳ sự thay đổi nào trong cán cân quyền lực ở hai viện Quốc hội, theo hướng đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát, đều có thể làm suy yếu sức mạnh chính trị của Tổng thống Trump, ảnh hưởng tới triển vọng thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, việc Triều Tiên tuyên bố chờ đợi chính quyền Mỹ có “các bước đi đáp lại" được xem là một cách đặt điều kiện, mà trong bối cảnh giữa Washington và Bình Nhưỡng chưa tạo dựng được lòng tin, biện pháp này khó có hiệu quả. Cũng có thể hiểu đây là cách để Triều Tiên thể hiện rõ hơn lập trường của mình, rằng mọi sự nhượng bộ đều phải từ hai phía. Không ít ý kiến lo ngại Bình Nhưỡng chỉ đưa ra một số nhượng bộ để giảm sức ép quốc tế và hưởng viện trợ kinh tế. 

Trước thực tế rằng Triều Tiên lâu nay vẫn coi vũ khí hạt nhân là sự bảo đảm an ninh, thậm chí bảo đảm sự tồn vong của chế độ, nếu không có các bước đi cụ thể, trực tiếp và rõ ràng từ phía Mỹ, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể lại lâm vào tình trạng "giậm chân tại chỗ". Điều quan trọng là Mỹ và Triều Tiên phải giảm bớt những đòi hỏi của mỗi bên trên bàn đàm phán.

Việc nối lại các cuộc đối thoại Mỹ-Triều luôn có vai trò quyết định đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bởi đây là biện pháp chính để hai bên có thể xây dựng lòng tin. Tuy nhiên, bế tắc trong đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên để thực hiện các cam kết phi hạt nhân hóa cho thấy trên thực tế bất đồng giữa các bên còn quá lớn. Cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ, vì thế đang được xem là "phép thử" trong mục tiêu thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và đây sẽ là thử thách đối với ông Moon Jae-in.

Theo TTXVN

Thượng đỉnh liên Triều: Truyền thông Triều Tiên kêu gọi tái thống nhất hai miền

Thượng đỉnh liên Triều: Truyền thông Triều Tiên kêu gọi tái thống nhất hai miền

Truyền thông Triều Tiên ngày 21/9 đã có nhiều bài xã luận, nhận định tích cực về các kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời kêu gọi xem đây là "bước ngoặt dẫn tới tái thống nhất" trên Bán đảo Triều Tiên.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link