13/10/2015 13:26 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Anh chàng diễn viên múa người Mông sinh năm 1993 ở một ngôi làng xa xôi hẻo lánh thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, vừa qua đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả khi xem vở múa Mái nhà trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa Thu của Nhà hát Giao hưởng TP.HCM. Ấn tượng không chỉ Sùng A Lùng, cùng với các bạn diễn, đã đẩy cảm xúc của khán giả đến tận cùng với sự thể hiện xuất sắc từ động tác đến tâm hồn mà còn bởi giọng hát truyền cảm đặc biệt của anh.
Không ít người thắc mắc sao Sùng A Lùng không đi thi…Vietnam Idol hay The Voice để được nổi tiếng như Yasuy (anh chàng người dân tộc Chu Ru, quán quân Vietnam Idol 2013). Đáp lại, Lùng chỉ cười bẽn lẽn. Anh không e ngại đám đông, bởi bản thân còn là người mẫu chụp ảnh thời trang.
Thậm chí chàng trai người Mông này còn không ngại bộc lộ mình là người đồng tính khi đã từng xuất hiện trên bộ ảnh chụp người đồng tính Daydreamers - Những gã mộng mơ của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi và lên báo chia sẻ về bản thân với tư cách một người đồng tính. Nhưng, có tin được không khi một nghệ sĩ biểu diễn lại không muốn mình nổi tiếng và được chú ý? Hãy trò chuyện với Sùng A Lùng, bạn sẽ hiểu vì sao.
* Tôi cũng thắc mắc như nhiều người, tại sao anh không thi một cuộc nào đó về tài năng trên truyền hình? Vietnam Idol, Giọng hát Việt hay một cuộc thi gần với khả năng của anh hơn như Thử thách cùng bước nhảy chẳng hạn? Như vậy sẽ nhanh nổi tiếng hơn, được nhiều người biết tới…
- Nếu có đi thi, tôi chỉ thi Tài năng trẻ, một cuộc thi của Hội Nghệ sĩ múa chứ không thích những cuộc thi trên truyền hình. Tôi không quan tâm, không muốn nổi tiếng quá. Mọi người trong nghề biết tôi rồi, tôi không giỏi hơn ai nên nếu bị loại sớm thì… nhục.
Tôi muốn sống một cuộc sống bình thường như mọi người khác. Làm người nổi tiếng mà ra đường phải bịt khẩu trang, không thể đi lại bình thường, không thể ngồi quán vỉa hè ăn uống thoải mái thì tôi không muốn. Tôi không muốn có bất cứ lý do nào ngăn cản những ý thích của mình. Nổi tiếng thì tốt thôi nhưng nổi tiếng vừa vừa thì dễ sống hơn.
* Tôi từng nghe nói đã có một công ty đào tạo nghệ sĩ giải trí tìm đến mời anh hợp tác, anh đã đến gặp họ rồi nhưng sau rồi lại không vào đó làm. Anh có thể chia sẻ thêm về chuyện này được không?
- Tôi đến gặp họ với mong muốn có một công việc. Nhưng vừa nói chuyện thì một ông già hơn cả bố tôi đã vồ lấy tay tôi và đặt thẳng vấn đề: “Nếu ngủ với anh thì em sẽ nổi tiếng”. Tôi không chấp nhận được việc đó. Dù có phải ăn mày ngoài đường tôi cũng không thể đánh đổi như vậy được.
* Điều gì đưa một người Mông ở một vùng núi xa xôi hẻo lánh đến với múa?
- Hồi bé tôi có sinh hoạt trong đội văn nghệ của trường, cũng hát múa nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ mình sẽ là diễn viên múa. Nghỉ Hè năm lớp 8, ông ngoại đưa ra một tờ giấy kêu gọi tuyển sinh vào trung cấp múa của Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội và hỏi tôi có muốn đi học không. Tôi nói: “Con không biết đâu”. Ông động viên tôi cứ thi tuyển vì nếu trúng sẽ được đi học ở Hà Nội không mất tiền học lại được bao cả ăn ở. Và tôi thi. Chẳng biết múa là gì nên thầy cô bảo xoạc thì xoạc, ép thì ép. Tôi qua vòng sơ tuyển, được luyện thi ở tỉnh một thời gian ngắn rồi đi Hà Nội thi tiếp 2 vòng nữa. Thế là tự nhiên đỗ. Tôi nhớ là năm đó người ta tuyển từ 400 thí sinh để lấy 20 thí sinh cho một lớp.
* Rời một nơi hẻo lánh đến thành phố sôi động, anh có bị sốc?
- Tôi đã trải qua những tháng ngày khó nhọc. Ở quê tôi vẫn đi bộ 12km để đến trường, đường đi là đường núi cheo leo hiểm trở nhưng rất đơn giản để nhớ. Xuống Hà Nội, tôi không dám ra đường vì các ngã tư rất giống nhau, tôi không thể phân biệt được chỗ nào với chỗ nào.
Ở trong trường thì tôi, đúng hơn là cả lớp tôi, bị bọn học khóa trên đánh đập suốt ngày. Đấy là trò bắt nạt ma mới bất thành văn ở một ngôi trường nội trú. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng bị ăn đòn mà không biết lý do. Họ còn quy định cả buổi đánh cuối cùng lúc chúng tôi học gần hết năm thứ nhất. Họ dồn cả lớp vào một cái phòng, rồi cứ thế đánh đấm túi bụi. Giờ nghĩ lại thì thấy buồn cười với trò nhảm nhí trẻ con đó nhưng hồi ấy tôi đã rất khổ sở, ức chế vì không làm được gì ngoài chịu trận.
Lúc ấy tôi nghĩ cố mà chịu vì ông bà đã gửi mình đi học rồi, vừa chịu đánh đau vừa tự nhủ “hôm nay mày đánh tao mai mày sẽ phải ngưỡng mộ tao”. Ngẫm ra thì chuyện này cũng tạo động lực cho mình phải cố gắng.
* Anh không dám ra đường vì sợ bị lạc, tại sao đang là diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc đương đại Việt Nam, anh lại quyết định vào sống ở TP.HCM - nơi cuộc sống còn nhộn nhịp hơn ở Hà Nội - và làm anh phải đi xa quê hơn, với mức thu nhập chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng?
- Cuộc sống của tôi từ nhỏ vốn chỉ biết hôm nay ăn gì, ngày mai làm gì chứ chưa tính được đến ngày kia. Thế nên vào đây sống cũng chẳng phải kế hoạch gì to tát. Chỉ là một ngày sau Tết năm 2014, tôi xem báo thấy TP HCM có gì đó thật hay, tôi nghĩ Sài Gòn thích quá hay là vào Sài Gòn nhỉ.
Chat với một chị bạn trên Facebook, chị ấy sống ở Sài Gòn, chị động viên tôi hay vào đây đi. Thế là tôi đi mà cũng không biết mình sẽ làm gì ở Sài Gòn. Lúc đó là sau Tết. Sau gần hai tháng lang thang không việc làm, ở nhờ nhà người quen, tôi được anh Phúc Hùng - Phúc Hải nhận vào đoàn múa của HBSO. Sống ở đây tôi thấy cũng vui, tôi có thêm bạn bè, hòa nhập khá nhanh.
* Không thích nổi tiếng, từ chối múa để quay truyền hình vì chê cát-sê thấp và cũng không ngại từ chối các show múa ở ngoài nếu không được trả đúng mức - xem ra anh cũng “chẳng phải dạng vừa đâu” nhỉ. Vậy điều anh muốn trong nghề múa này thực sự là gì?
- Tôi từ chối những chương trình trả thù lao quá thấp, không đúng với những gì chúng tôi lao động, vì tôi nghĩ làm gì cũng có giá của nó. Tôi không thể nhận 100.000 đồng cho một bài múa và trong một đêm tập hết cả 12 bài để quay hình trong ngày hôm sau.
Điều đó chẳng có gì đảm bảo về mặt nghề nghiệp. Giờ nhiều đoàn múa mọc lên như nấm, họ nhận show theo kiểu phá giá. Tôi không cần kiếm quá nhiều tiền, chỉ cần đủ để sống và đôi khi gửi về nhà cho gia đình nên tôi không nhận những show như vậy. Mặt khác truyền hình họ thường mời theo kiểu “tiền ít lắm nhưng em sẽ được nổi tiếng”. Tôi không cần nổi tiếng, đúng giá thì tôi làm thôi.
* Anh hát trong vở múa Mái nhà cho tôi cảm giác cuộc sống, con người anh không thể tách rời với những bài dân ca. Anh hát như người ta thường lẩm nhẩm những bài thân thuộc khi đang làm một việc gì đó. Anh thuộc nhiều dân ca không?
- Bài hát đó là dân ca của người Mông đỏ mà bố dạy cho tôi từ nhỏ. Những bài dân ca của người Mông đơn giản lắm, chỉ có một giai điệu và người ta cứ thế thêm hết lời này đến lời khác vào. Có khi 1 bài có tới 10 lời. Vì thế mà tôi thuộc nhiều. Nếu thuộc thế hệ trước, chắc tôi sẽ thi hát giao duyên. Bố tôi hát rất giỏi, thuộc nhiều bài và bố thường thắng trong các cuộc thi hát giao duyên.
Những bài dân ca như một phần trong tôi. Tôi vừa về nhà mươi ngày. Trên đường về tôi thấy lại hình ảnh của mình từ những em bé đi bộ 3-4km để học mẫu giáo. 6h sáng dậy ăn cơm rồi một tay xách hộp cơm, tay kia xách chai nước lon ton đến lớp đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Nhưng dù sao giờ chúng cũng có áo rét để mặc. Tôi và các bạn của tôi ngày trước mùa Đông chỉ có một chiếc áo sơ-mi là đã như áo rét rồi, da dẻ nứt nẻ. Chỉ khi nào trời nắng thì mới tắm, lạnh lắm. Giờ người dân quê tôi đã có xe máy để đi, có người còn có cả laptop, nhưng đời sống vẫn quanh quẩn với việc ăn, học, làm rẫy…
* Anh thường chia sẻ những dòng status buồn bã, cô đơn trên Facebook, anh chưa hòa nhập được với cuộc sống ở thành phố?
- Nỗi buồn và sự cô đơn thì như đã có sẵn trong tôi. Tôi có nhiều bạn, chơi thân với mọi người, sống rất hòa đồng nhưng từ trong sâu thẳm, thôi luôn thấy mình lạc ra một góc riêng không ai có thể chạm đến. Tôi dễ yêu nhưng yêu rồi thì lại khó tính, xét nét từ hành động đến lời nói nên dễ làm mất lòng người yêu. Tôi cũng hay phân vân không biết có nên yêu hay không, hoặc toàn thích người mình không nên thích.
* Dự định của anh trong tương lai là gì?
- Có lẽ tôi sẽ học thêm biên đạo. Mà tôi đã nói rồi, tôi không có kế hoạch gì dài hạn đâu, chỉ có những dự định rất ngắn hạn. Tôi ngủ dậy chỉ nghĩ hôm nay sẽ làm gì, mai cần phải hoàn thành việc gì chứ chưa nghĩ gì đến tuần sau, tháng sau, năm sau. Dài hạn nhất chỉ là việc của ngày mai thôi.
* Cảm ơn anh.
Truyền hình họ thường mời theo kiểu “tiền ít lắm nhưng em sẽ được nổi tiếng”. Tôi không cần nổi tiếng, đúng giá thì tôi làm thôi - Sùng A Lùng. |
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất