01/02/2012 14:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Trong số báo ra ngày hôm qua của TT&VH, HLV Nguyễn Hữu Thắng của SLNA đã nêu lên 1 ý kiến rất đáng chú ý về mối quan hệ hiện tại giữa VFF và VPF. HLV Hữu Thắng nói: “Hiện tại, điều tôi cảm thấy lăn tăn và lo lắng nhất chính là sự phối hợp giữa VFF và VPF. VFF là cơ quan cao nhất và quản lý VPF, nhưng gần như tôi đang cảm thấy có sự bất đồng với nhau ở nhiều khía cạnh. Có thể mấu chốt của vấn đề chính là bản quyền truyền hình bóng đá VN, nếu các bên liên quan xử lý được việc này, tôi nghĩ mọi thứ sẽ tiến triển rất tốt và bóng đá VN sẽ phát triển”.
Thực ra không phải chờ tới khi HLV Hữu Thắng lên tiếng thì người ta mới nhận được sự lệch pha trông thấy giữa VFF và VPF, và dám chắc rằng sự lộn xộn và có phần hỗn loạn của bức tranh bóng đá VN hiện tại có phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ sự “cơm không lành canh không ngọt” nói trên. Tuy nhiên, nhận ra là 1 chuyện, còn làm sao để giải quyết vấn đề lại là bài toán chẳng hề đơn giản.
Hôm qua, trao đổi với TT&VH, một lãnh đạo VFF đề nghị giấu tên cho biết thông tin về “cuộc đấu” công văn quyết liệt giữa VFF và VPF cách đây chưa lâu liên quan tới vấn đề bản quyền truyền hình đã vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ VN, và khi lãnh đạo VFF được “bên ngoài” hỏi khéo về chuyện này thì VFF đã phải hết sức thanh minh rằng VFF và tổ chức thành viên của mình là VPF không hề xảy ra bất cứ vấn đề gì. Cũng theo vị lãnh đạo VFF này, nếu VPF cứ giữ nguyên cách hành xử như trên trong mỗi lần bất đồng quan điểm với VFF thì không loại trừ nguy cơ trong thời gian sắp tới bóng đá VN sẽ bị FIFA hoặc AFC hỏi thăm, thậm chí nghiêm trọng hơn là bị cấm tham dự các giải quốc tế.
Nói thế để thấy bây giờ giữa VFF và VPF là 1 khoảng cách không nhỏ, và làm sao để hàn gắn quan hệ 2 bên vì mục tiêu chung là bóng đá VN thực sự là chuyện cực kỳ không dễ dàng. Nếu không có cuộc tranh chấp xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình thì có lẽ VFF và VPF sẽ không ở thế “mặt trăng mặt trời” như hiện nay, bởi lãnh đạo VFF đã nhiều lần thừa nhận, sự ra đời của VPF là 1 xu thế phát triển tất yếu mà cả FIFA cũng như AFC đều đã khuyến cáo VFF “khai sinh” VPF từ cách đây 4, 5 năm.
Trong số 45 thành viên của AFC hiện nay, VN là nền bóng đá thứ 11 có 1 tổ chức như VPF, còn 34 thành viên khác của AFC vẫn sử dụng lực lượng của LĐBĐ QG để điều hành các giải đấu quốc nội của mình. Điều đó cho thấy việc VPF xuất hiện trên sân khấu bóng đá VN là việc rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của nền bóng đá nước nhà, nhưng có lẽ quỹ thời gian chuẩn bị quá ngắn ngủi và cũng do VPF quá hao tổn công sức cho cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình với VFF và AVG nên công việc chính của VPF là quản lý và điều hành giải VĐQG, giải hạng Nhất và Cúp QG đã không đạt được kết quả như ý muốn.
Tất nhiên, sẽ là không công bằng nếu như quy toàn bộ trách nhiệm cho VPF vì những vấn đề nổi cộm của các giải bóng đá VN hiện tại, bởi VPF chỉ là tổ chức kế thừa công việc do VFF để lại, bao gồm cả mặt tốt lẫn mặt xấu, và bản thân VPF cũng mới đang chập chững những bước đi đầu tiên. Thế nhưng, nếu VPF thực sự toàn tâm toàn ý với công việc chính của mình và nhận được sự ủng hộ và nhất trí toàn diện từ VFF thì chưa chắc bóng đá VN đã phải đối mặt với vô số vấn đề nan giải như trong thời gian vừa qua.
Sẽ không bên nào có lợi, cho dù là VFF hay VPF, nếu như tình trạng hiện tại tiếp tục kéo dài, bởi một khi đã xảy ra chuyện nhà tài trợ cho Super League là Eximbank lên tiếng đòi xem xét lại hợp đồng tài trợ cho giải đấu này vì lo ngại uy tín bị ảnh hưởng vì cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình thì cũng không loại trừ khả năng sẽ có thêm yêu cầu thứ 2, thứ 3 như vậy nữa từ 1 hay nhiều nhà tài trợ của VFF. Bởi thế, đã đến lúc các bên cần bày tỏ thiện chí thực sự của mình, thực sự vì bóng đá VN như tuyên bố bấy lâu nay của tất cả.
Hoàng Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất