22/04/2021 12:49 GMT+7 | Champions League
(Thethaovanhoa.vn) - Super League đã sụp đổ. Câu hỏi bây giờ là liệu những CLB “nổi loạn” có được chào đón trở lại cúp C1 không? Liệu họ có bị trừng phạt không? Và liệu các đội lập ra Super League có phải là chiến thuật để đàm phán với UEFA không?
UEFA cần 12 CLB “nổi loạn”
Có một sự thật không thể phủ nhận là dù thế nào UEFA cũng cần sự tham gia của 12 CLB sáng lập viên của Super League và muốn chào đón tất cả những đội này trở lại một khi họ rút khỏi Super League.
UEFA biết rằng Champions League mà không có sự hiện diện của nhóm “nổi loạn” này thì sẽ suy yếu và giảm giá trị rất nhiều. Đơn giản, nhóm “nổi loạn” quy tự hầu hết các CLB hàng đầu của bóng đá Châu Âu.
Ngay sau khi 6 CLB Anh thông báo rút khỏi Super League, Chủ tịch UEFA Ceferin thừa nhận “rất tuyệt vì họ đã nhận ra sai lầm. Tôi hiểu họ có thể đóng góp rất nhiều không chỉ cho các giải đấu của UEFA mà cho cả nền bóng đá Châu Âu. Quan trọng là giờ chúng tôi ngồi lại với nhau để bàn bạc, khôi phục tình đoàn kết và cùng nhau tiến lên”.
Thông điệp của ông Ceferin đã rất rõ ràng. “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. UEFA cần nhóm “nổi loạn” để tồn tại và phát triển. Cũng phải nhấn mạnh là nhiều trong số các CLB “nổi loạn” sẽ tiếp tục giành vé dự cúp C1 mùa tới nên trong khi ông Ceferin tỏ rõ mong muốn tha thứ và chào đón họ trở lại thì ông cũng không cần lo lắng nhiều về một Champions League vắng bóng những đại diện này ở mùa tới.
Nhóm “nổi loạn” có bị trừng phạt?
Sau khi 12 CLB sáng lập viên thông báo kế hoạch lập ra Super League, UEFA và FIFA lập tức đe dọa loại tất cả họ khỏi các giải đấu do hai tổ chức này quản lí cũng như loại các đội trên khỏi các giải đấu nội địa ở quốc gia của họ. UEFA và FIFA cũng đe dọa cấm tất cả những cầu thủ dự Super League được tham gia World Cup và EURO.
Nhưng giờ khi Super League đã sụp đổ, gần như tất cả các đội trong nhóm “nổi loạn” đã thông báo rút khỏi giải đấu li khai này thì UEFA và FIFA có trừng phạt họ không?
Trả lời: Khó có chuyện UEFA và FIFA áp dụng các biện pháp trừng phạt như loại các CLB “nổi loạn” khỏi các giải đấu, trừ điểm của họ hay phạt tiền vì nếu phạt họ cũng có nghĩa là làm ảnh hưởng tới các CĐV phản đối Super League. Các CĐV không muốn các đội tham gia Super League nhưng vẫn luôn cần các đội này tham gia các giải đấu truyền thống trước nay.
Thế nên, sẽ không có chuyện nhóm CLB “nổi loạn” bị trừng phạt sau khi họ từ bỏ kế hoạch tham gia Super League. Vẫn là tinh thần “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” của UEFA và FIFA.
Super League có phải chiến thuật đàm phán với UEFA của nhóm "nổi loạn"?
Hoàn toàn không phải. Các CLB “nổi loạn” lập Super League không phải là nước đi nhằm đòi UEFA phải cải tổ Champions League theo hướng có lợi cho họ nhiều hơn. Đây là kế hoạch có tính toán rõ ràng dù nó sụp đổ chưa sau 48 giờ.
Bằng chứng là 15 CLB sáng lập viên của Super League được hứa hẹn sẽ nhận ngay 310 triệu bảng/đội. Ngoài ra, khi đồng ý gia nhập Super League, các CLB đã kí thỏa thuận mang tính ràng buộc. Theo đó, không đội nào được phép rời giải đấu trong 3 năm đầu tiên. Nếu làm khác đi sẽ bị phạt tiền rất nặng.
Như vậy, đủ thấy Super League là dự án có tính toán trước và nhóm CLB “nổi loạn” thực sự đã muốn tham gia giải này, chứ không coi đây là chiến thuật kéo UEFA vào bàn đàm phán để đặt điều kiện với họ.
Champions League sẽ thay đổi thế nào?
UEFA đã thông qua kế hoạch cải tổ Champions League sau khi ấp ủ thực hiện những thay đổi này nhiều năm qua.
Theo đó, dự kiến từ mùa giải 2024-25, tổng số đội dự cúp C1 sẽ tăng từ 32 lên 36 đội. Các đội sẽ không chia bảng đá theo kiểu truyền thống nữa mà gộp chung vào một bảng trong đó mỗi đội được đảm bảo đá 10 trận, gồm 5 trận sân nhà và 5 trận sân khách.
8 đội dẫn đầu giai đoạn “vòng bảng” kiểu mới này mặc định giành quyền vào vòng 1/8. Các đội còn lại sẽ đá với nhau theo thể thức lượt đi và lượt về để chọn ra 8 đội chiến thắng cùng vào vòng 1/8.
Từ 2024, sẽ có 2 suất dự cúp C1 được dành cho những đội có hệ số xếp hạng cao nhất nhưng không đủ điều kiện tham dự qua các giải đấu trong nước.
Kế hoạch của UEFA nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của ban chấp hành Hiệp hội CLB Châu Âu (ECA) và Ủy ban tổ chức các giải đấu của UEFA.
Liệu thể thức thi đấu mới của UEFA có một lần nữa phải điều chỉnh một khi UEFA chào đón trở lại nhóm CLB “nổi loạn”?
Câu trả lời là “không” bởi thực tế thì trong vòng đàm phán mới nhất với UEFA về việc cải tổ cúp C1 trước khi thể thức thi đấu mới của cúp C1 được thống nhất, ECA đã được đáp ứng tất cả những gì họ đòi hỏi mà ECA lại quy tụ tất cả những CLB thuộc nhóm “nổi loạn” đòi lập Super League.
Cựu Chủ tịch ECA là Andrea Agnelli cũng là Chủ tịch Juventus. Ngoài ra, ban điều hành của ECA gồm các thành viên đến từ Manchester United, Arsenal, Real Madrid, Barcelona, Inter Milan và AC Milan.
Các CLB “nổi loạn” vừa bị chỉ trích dữ dội và vừa thông báo rút khỏi Super League nên giờ khi được UEFA chào đón trở lại, khó có chuyện họ dám yêu sách gì thêm với UEFA.
HT
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất