30/08/2014 10:04 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) – Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, bài hát in sâu trong trái tim nhiều thế hệ qua tiếng hát của những cặp đôi như: Thu Hiền – Trung Đức... bỗng được cặp đôi Tạ Quang Thắng – Thùy Chi, những “người lính” rất trẻ thể hiện trong chương trình Giai điệu tự hào phát sóng tối qua (29/8) trên VTV1 - Đài TH VN, mang lại những cảm giác khác lạ, nhẹ nhàng mà tinh tế...
Clip ca khúc Trường Sơn đông, Trường Sơn tây:
Tuy nhiên trong phần bình luận, ca khúc này và màn trình diễn của cặp đôi đã khiến 2 hội đồng khách mời bình luận tranh cãi dài hơi, không dứt.
Nếu nhà báo Hữu Việt cho rằng: “Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn vì nhà thơ được công tác trong ngành vận tải, do vậy ông có những câu thơ rất hay thời bom đạn ác liệt” và “dù Hoàng Hiệp là nhạc sĩ nổi tiếng nhưng trong trường hợp này ông được lợi khi gặp được một bài thơ quá hay, bởi có những câu thơ của Phạm Tiến Duật đã trở thành những khẩu hiệu tiễn các chiến sĩ lên đường như: Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”; thì Giám đốc âm nhạc Quốc Trung lại có suy nghĩ cực đoan, ông cho rằng “Khi nhạc sĩ phổ thơ, thì công thuộc về bài thơ nhiều hơn, nhưng trong trường hợp này lại là một trường hợp khác, vì bài hát này là một trong những đỉnh cao của nhạc sĩ Hoàng Hiệp về phổ thơ”.
Đồng ý kiến với nhà báo Hữu Việt, TS Nguyễn Thị Minh Thái lập tức bác lại Quốc Trung: “Tôi không tin như thế, không có ca từ của Phạm Tiến Duật, không bao giờ có bài hát hay như thế. Vì cũng như sân khấu, không có kịch bản hay không bao giờ có vở diễn hay cả. Dù có rất nhiều ca khúc phổ thơ, nhưng cũng có nhiều ca khúc thất bại... Tôi thà đọc thơ còn hơn nghe những bài hát “ất ơ” như thế vang lên, mất hết cả chất thơ...”
Ngoài ra, khi NSND Thanh Hoa cho rằng bà "hai bạn trẻ hát chỉ dừng lại ở hai chữ dễ thương thôi chứ chưa thể tải cả nét đẹp tình yêu, lý tưởng sống, quê hương đất nước" và bà "không muốn tranh luận,chứng tỏ thời của tôi hát hay hơn các bạn trẻ", nhạc sĩ Quốc Trung lập tức đòi lại “sự công bằng” cho lớp trẻ, bởi “Những người đi trước dường như không hiểu, không chấp nhận tiếng nói của lớp trẻ, hơi bất công với lớp trẻ...”, đạo diễn Lê Hoàng bác lại ngay rằng: "Một bộ phim cũng như một bài thơ cần phải gắn liền với cái "thần". "Thần" của ca khúc này là chất tự hào, nhưng bị biến thành 2 bên yêu nhau nói đi nói lại...”, bởi theo Lê Hoàng “Chúng tôi không bao giờ hát được như Sơn Tùng, nhưng chúng tôi cũng không dễ dàng chấp nhận, vì chúng tôi có quyền không chấp nhận, nhưng nó khác với ghét bỏ.... Tôi rất tiếc, bởi không chỉ trong âm nhạc, mà là trong "cái thần"...”
Thấy vậy, nhạc sĩ Quốc Trung liền thắc mắc: “Lê Hoàng có làm phim chiến tranh mà tôi vinh dự được viết nhạc là bộ phim Chìa khóa vàng. Anh có làm phim chiến tranh giống các bác ngày trước hay không?” – Lê Hoàng lập tức trả lời ngay là: “Không giống, nhưng "cái thần" vẫn giống...”
Clip phần đối thoại sau ca khúc Trường Sơn đông, Trường Sơn tây:
Tranh luận còn tiếp tục đi xa khi các khách mời trẻ nói về vở kịch Romeo và Juliet được dựng thành phim chinh phục giới trẻ, đạt thành công về danh thu, nhưng đạo diễn Lê Hoàng bác lại rằng: "Phim này được dàn dựng hiện đại, nhưng bản chất vẫn thế, không hề có ngôn ngữ mới mẻ gì”.
Phần bình luận "đi quá xa" khiến họa sĩ Trần Nhật Thăng phải lên tiếng cho rằng đã “Choáng váng, ngấn nước mắt khi nghe hát bài hát quá hay quá đẹp, và không thể tiếp thu những tranh cãi...”; còn thiếu tá quân đội Nguyễn Minh Cường thì bức xúc vì “Tại sao không hỏi tôi vì tôi là người lính và bài hát này thể hiện tâm hồn của người lính cơ mà".
Tiếp đó, phần bình luận: "Một người lính dịu dàng nhất, tinh tế nhất, khi chiến đấu có thể anh hùng nhất, kiên cường nhất, dũng cảm nhất. Hình ảnh anh lính trong bài hát Trường Sơn đông, Trường Sơn tây là một anh linh vô cùng hào hoa, biết quan tâm đến người yêu từ cái nhỏ nhặt nhất, đó là tình yêu rất lính và tôi thấy tôi ở đó. Rất nhiều người lính trẻ hôm nay yêu bằng tình yêu này, như 2 bạn trẻ hát thì không chỉ người lính hôm qua mà cả hôm nay nữa ...” của thiếu tá Nguyễn Minh Cường đã được đại đa số người trẻ hưởng ứng
Giai điệu tự hào có lẽ chương trình đầu tiên ở Việt Nam không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả để họ có quyền bộc lộ quan điểm của mình. Họ thích hay không thích, sự liên hệ của ca khúc với bối cảnh lịch sử, văn hoá, chính trị của thời xưa cũ khiến họ nghĩ gì về cuộc sống và những vấn đề của hôm nay...
Hoa Chanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất