(TT&VH Online) - Như TT&VH đã đề cập đến trong các số báo trước, sau bức thư ngỏ gửi nhạc sỹ và gia đình nhạc sỹ, ngày 30/6, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có công văn gửi Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)... đề xuất việc tự chi trả tác quyền trực tiếp đến các nhạc sỹ. Như vậy có nghĩa là sẽ không thông qua VCPMC nữa.
Không nói hẳn như VTV, nhưng trong bài viết trên báo Điện tử Đài Tiếng nói VN ngày 18/6/2008, nhạc sỹ Phan Tuyết Minh- Giám đốc Hệ âm nhạc VOV3 - cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ có văn bản thỏa thuận với các nhạc sĩ về từng điều khoản cụ thể, cả về chế độ nhuận bút lẫn thời gian sử dụng tác phẩm. Mức nhuận bút sẽ theo hướng dẫn đã có của Chính phủ”. Cả hai khách hàng lớn của VCPMC đều đã bày tỏ quan điểm của mình.
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC.
* Thưa ông, liệu việc VTV đề xuất tự chi trả tác quyền có khả thi?
- Không bao giờ làm được việc đó!
* Vì sao, thưa ông?
- Cách đây độ 7-8 năm, Bộ VH-TT cùng với các chuyên gia về sở hữu trí tuệ trên thế giới và nhiều cơ quan khác có trách nhiệm liên quan đến vấn đề bản quyền đều bày tỏ lo lắng về vấn đề tác quyền tác âm nhạc ở VN. Sau gần 2 năm chuẩn bị, có ban vận động (tôi ở trong ban đó), rồi họp trù bị, cùng thảo luận và quyết định giải pháp duy nhất theo hình thức phổ biến của quốc tế là thành lập một tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc để thay mặt các nhạc sỹ kiểm soát bản quyền tác phẩm ở khắp các địa bàn mà không giới hạn biên giới quốc gia...
Tùng Dương thể hiện ca khúc của NS Phó Đức Phương
Trên thực tế, mỗi cá nhân nhạc sỹ không thể kiểm soát được tất cả việc sử dụng tác phẩm của họ ở trong nước và quốc tế. Không ai làm nổi việc mỗi ngày ngồi thống kê tác phẩm nào của mình được sử dụng ở đâu vì địa bàn rộng khắp và nhiều loại hình khác nhau sử dụng tác phẩm. Ngược lại, tổ chức và cá nhân sử dụng tác phẩm cũng không sức đâu mà liên hệ với tác giả ở khắp các địa bàn trong nước và cả các nghệ sỹ trên thế giới để xin phép bản quyền. Vì vậy, cần có một tổ chức đứng ra giúp hai phía với đội ngũ có nghiệp vụ, phương tiện máy móc… VPCMC liên tục trong 6 năm nay đã cử người đi đào tạo trong nước, nước ngoài và được các tổ chức về sở hữu trí tuệ quốc tế quan tâm hỗ trợ đào tạo và tăng cường đội ngũ thì mới làm nổi.
Mỹ Linh với ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương
* Hiện nay, một số nhạc sỹ không ủy thác VCPMC thu hộ tác quyền mà tự làm việc với các đối tác có nhu cầu sử dụng tác phẩm. Năm ngoái, một nhạc sỹ saxophone ở Hà Nội làm album đã bay vào TP.HCM gặp nhạc sỹ Đức Trí để được quyền sử dụng một ca khúc của anh và số tiền bản quyền hai bên thỏa thuận là 500.000 đồng…
- Nhạc sỹ chỉ có thể thu được tác quyền trong những trường hợp nhỏ lẻ chứ không thể với tất cả các cá nhân, đơn vị sử dụng tác phẩm…
* VTV là đơn vị có diện phủ sóng cả trong nước và nước ngoài, đồng nghĩa với tầm ảnh hưởng lớn khi tác phẩm được sử dụng. Mức tác quyền VTV đưa ra cũng khá cao. Trước đây, một số nhạc sỹ ủy quyền VCPMC thu hộ, nhưng từ năm 2008, riêng với VTV thì họ không ủy quyền nữa mà đồng ý với đề xuất của VTV thì sao, thưa ông?
- Các đối tác trong nước khi ký hợp đồng với trung tâm đã có điều khoản ràng buộc về quyền lợi và nghĩa
Nếu Đài truyền hình tự làm việc với các nhạc sỹ thì sẽ phải bỏ kinh phí rất lớn và tốn kém. Trong nước là vậy, còn toàn bộ tác phẩm nước ngoài sẽ tính thế nào? (phân tích của Giám đốc VPCMC Phó Đức Phương) |
vụ được ghi nhận theo luật pháp… Trong trường hợp có nhạc sỹ nào thỏa thuận riêng với các đối tác thì vi phạm nguyên tắc và gây rối ren. Thay vì tổ chức hay cá nhân thương thảo một lần với một đơn vị để có thể sử dụng tác phẩm của hàng nghìn nhạc sỹ thì họ sẽ phải liên hệ với từng người. Khi đã thống nhất có một đầu mối thì phải tuân thủ sao cho chặt chẽ, không thì rối tung lên. Chưa nói đến, ngoài quyền tác giả còn nhiều quyền liên quan khác: quyền của các tổ chức ghi âm, quyền phát sóng, quyền tổ chức biểu diễn… Ở một số nước, các quyền liên quan ấy được gộp vào một đầu mối để đối tác sử dụng tác phẩm đỡ phải mất nhiều thời gian làm việc với nhiều tổ chức đến đòi tiền và thương thảo về bản quyền. Các quốc gia khác đều trả tiền thông qua các tổ chức chức quản lý tập thể quyền tác giả chứ không liên hệ trực tiếp với cá nhân. Ví dụ, xin phép sử dụng tác phẩm A ở nước X thì mời anh đến làm việc với hiệp hội là nơi nhạc sỹ có tác phẩm A đã ký hợp đồng ủy thác…
Chúng tôi đang nghiên cứu các đề xuất và cho rằng, để giải quyết những vấn đề nghiêm túc và tương đối phức tạp này, các bên sẽ gặp gỡ và thảo luận chứ không phải đưa lên mặt báo, sao cho việc sử dụng tác phẩm và trả tiền tác quyền hợp lý nhất.
* Xin cảm ơn ông!
Lê Vọng