03/08/2018 15:34 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 2 năm đưa không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào hoạt động, hiệu quả mang lại không thể phủ nhận.
Tuy vậy, thời gian gần đây khu vực này lại tái diễn tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng đến môi trường văn minh, lành mạnh của không gian mang tính văn hóa cao này.
Âm thanh ầm ĩ, hàng rong tràn lan
Vào buổi tối cuối tuần vừa qua, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vẫn là điểm thu hút hàng vạn người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước tới tham quan, vui chơi. Trái với sự yên bình thường thấy của hồ Hoàn Kiếm, khắp các địa điểm từ khu vực nhà Bát Giác, trước cửa Công ty Điện lực Hà Nội, đường đôi Đinh Tiên Hoàng, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… là các điểm biểu diễn nghệ thuật với âm thanh ầm ĩ.
Đặc biệt, tại khu vực nhà Bát Giác và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục diễn ra chương trình quảng bá, xúc tiến hàng không – du lịch sử dụng âm thanh công suất lớn, ảnh hưởng cả một khu vực rộng.
Ngoài hai điểm này còn rất nhiều các điểm biểu diễn đường phố khác, từ kéo loa thùng hát karaoke, mở loa khiêu vũ, nhảy dân vũ… âm thanh chát chúa, xung đột nhau. Đặc biệt, tại khu vực này còn xuất hiện các nhóm người nước ngoài biểu diễn nhạc cụ xin tiền, tổ chức hoạt náo xin tiền, thậm chí cả mời ôm để có tiền đi du lịch vòng quanh thế giới. Dọc vỉa hè phía hồ Hoàn Kiếm từ ngã ba Lê Lai – Đinh Tiên Hoàng đến cổng đền Ngọc Sơn còn xuất hiện hai trường hợp xem bói tay, thu hút một số người hiếu kỳ ngồi xem.
Bác Nguyễn Thanh Hùng, trú tại phố Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình (Hà Nội) phàn nàn: Rất lâu rồi tôi mới lên phố đi bộ nhưng giờ quá ồn ào, lộn xộn. Nhiều người muốn tìm không gian để thư giãn cuối tuần nhưng có lẽ nơi này chỉ phù hợp với một bộ phận giới trẻ, còn những người như tôi không còn phù hợp nữa.
Hiện tượng bán hàng rong xuất hiện tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm tương đối nhiều, thậm chí họ còn bày bán trên kệ đặt ở lề đường. Đáng nói, khu vực này còn xuất hiện một số hàng quạt thịt nướng, khói bay mùi mịt, mùi thức ăn đặc quánh gây khó chịu cho người đi dạo, nhất là thời tiết mùa hè nóng nực. Những hàng này thường tập trung ở khu vực ngã ba Lò Sũ – Đinh Tiên Hoàng. Nhiều hộ kinh doanh bên đường bày bán đồ uống giải khát cũng làm tuyến phố thêm lộn xộn.
Trước đó, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân khi tham quan không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm đã quy hoạch khu bán hàng tại khu vực Tượng đài Cảm tử với mặt hàng lưu niệm là chủ yếu. Ngoài ra, các điểm bán hàng tự động cũng được lắp dựng phục vụ nhu cầu giải khát của nhân dân. Nhưng với việc thu lợi từ không gian này, những người bán hàng rong vẫn ngang nhiên vào bán mặc cho quy định cấm của cơ quan quản lý. Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng chưa chặt chẽ khiến tình trạng này tồn tại, làm ảnh hưởng đến không gian văn hóa chung.
Cần nâng cao trách nhiệm quản lý
Khi không gian đi bộ bắt đầu đi vào hoạt động, quận Hoàn Kiếm cùng các ngành liên quan đã phân công rõ ràng trách nhiệm và công tác phối hợp nhằm đảm bảo môi trường văn minh, trật tự. Trong đó, các phòng ban quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm chính trong việc giữ trật tự đô thị, an ninh an toàn, vệ sinh môi trường… Ông Phạm Tùng Lâm - Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm cho biết, Ban có trách nhiệm phối hợp cùng các lực lượng khác để giữ gìn trật tự, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường ở không gian đi bộ, bố trí lực trực, lịch kiểm tra thường xuyên.
Thừa nhận hàng rong là vấn đề khá phức tạp tại đây, ông Phạm Tùng Lâm cũng cho hay, lực lượng chức năng đã giải quyết nhiều tụ điểm, nhất là tại khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng song hiện tượng này vẫn còn tồn tại. Nhiều người xách tay hàng rong bán lưu động, khi lực lượng chức năng kiểm tra chỗ này họ chạy sang chỗ khác. Thậm chí có cả người tàn tật cũng tham gia bán hàng rong, nếu lực lượng kiểm tra không xử lý khéo léo dễ gây ra nhiều chuyện phiền toái. Tại khu vực vỉa hè sát nhà dân, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm phối hợp với các phường Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc và Hàng Trống xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè bán hàng hoặc bày bán hàng rong. Tuy vậy, đây cũng là vấn đề nan giải bởi liên quan trực tiếp đến nhiều hộ dân.
Còn đối với những trường hợp kéo loa mở công suất lớn cho thuê hát dạo, khiêu vũ, biểu diễn nhạc cụ xin tiền, mặc quần áo lạ đứng cho người khác chụp ảnh rồi lấy tiền..., lực lượng giữ trật tự đã có những xử lý, yêu cầu các trường hợp này ra ngoài không gian đi bộ. Nhiều trường hợp tái phạm đã bị lập biên bản, tạm giữ loa máy; mỗi buổi tối cuối tuần lực lượng giữ trật tự xử lý tới vài ba trường hợp. Riêng với những trường hợp người nước ngoài biểu diễn xin tiền, có những người tái phạm nhiều lần vì họ coi là một nghề. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội, Cục Quản lý xuất nhập cảnh để tìm hiểu nơi lưu trú, quá trình nhập cảnh để có hướng giải quyết phù hợp.
Ông Phạm Tùng Lâm cho rằng, lực lượng chức năng đã rất cố gắng kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm song do lực lượng quá mỏng, mỗi ca (8 tiếng) chỉ có 20 người kiểm tra khu vực đường quanh hồ rộng gần 2 km và bố trí tại 9 chốt trực nên việc kiểm tra, kiểm soát chưa triệt để. Mặc dù việc kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm cùng một số lực lượng khác nhưng nhân lực vẫn còn thiếu. Tới đây, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ bổ sung khoảng 10 người cho Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm để thuận lợi hơn trong hoạt động quản lý không gian đi bộ.
Một mặt, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm sẽ phối hợp chặt chẽ với các phường lân cận để giữ gìn tốt không gian văn hóa lõi và cả những vùng giáp ranh, yêu cầu các phường thực hiện cam kết quản lý người dân ra vào, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè để bày bán hàng hóa; những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý. Thục tế, dù lực lượng mỏng nhưng nếu quyết liệt xử lý và kiểm tra thường xuyên sẽ tạo ra tính nghiêm minh, răn đe được những người bán hàng rong, biểu diễn nghệ thuật lộn xộn tại đây. Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm cần trả lại sự văn minh, an toàn, lành mạnh như đúng bản chất của nó.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất