Vẻ đẹp Mộc Bản

01/06/2009 19:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Triển lãm đồ họa của Hoàng Minh Phúc sẽ khai mạc vào ngày mai (1/6) tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Cô là một trong số rất ít họa sĩ bền bỉ theo đuổi vẽ và in khắc tranh đen trắng.

Nếu người ta trải qua một cuộc sống đầy khó khăn, bất trắc mà vẫn giữ được bình an, thì có thể làm được nghệ thuật. Nghệ thuật có thể là một hoạt động sáng tạo đặc biệt, không phải lúc nào cũng có, cũng làm được, bất kể là có tài, có điều kiện; cũng có thể là rất bình thường như ta ngâm vịnh vài câu thơ, nguệch ngoạc lên tờ giấy, làm cái gì đó có tính thẩm mỹ theo cảm hứng riêng của mình. Những thiền sư nói rằng: Con chim bay trên trời không cố ý soi bóng xuống nước. Mặt nước cũng không hữu ý giữ bóng chim bay. Sự vật, sự việc trong cuộc sống dường như là hàng loạt chuỗi vô tình, vô tâm, không liên quan chút nào đến suy tư của con người.

Vẽ là sự dụng tâm, dụng chí, nên cái đó thể hiện tâm trí của người vẽ. Nhưng ai mà chẳng muốn mình vẽ hay, vẽ đẹp, bất kể cái tâm trí ra sao. Khi thể hiện ra bức tranh, do đó có phần như ý, có phần chẳng ra sao, có phần của mình, có phần của người khác. Họa sĩ, trong quá trình vẽ là những người tự thanh lọc mình. Cuộc sống là như thế, bức tranh cũng có thể là như thế, nhưng cũng là như thế này, không nhất thiết lặp lại cuộc sống.

Những bức họa của họa sĩ là những suy tư miên man về số phận. Số phận ấy nhỏ bé, không đáng kể, nhưng cũng đáng vẽ lại cho mình. Một vài khuôn mặt người lặp đi lặp lại, ẩn ẩn hiện hiện trong bụi cây, hoa sen, trong cách xử lý tương phản đen trắng rõ ràng của lối in khắc đồ họa. Đôi lúc đường nét được giản lược, nhường chỗ cho những mảng đen trắng lớn, đôi lúc đường nét tràn ngập và rối vào nhau, và xoắn vào các hướng. Tranh khắc gỗ đen trắng có sự cô đọng của sự giản lược màu sắc tận cùng, có sự thích thú biểu diễn đường nét chiều này, chiều kia, không chỉ sự tinh khéo, mà ngay cả sự thô vụng cũng là một phần của vẻ đẹp mộc bản.


Ván khắc tranh của Hoàng Minh Phúc trưng bày trong triển lãm.
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Nghệ thuật này từng có một truyền thống lâu dài ở phương Đông, dùng in khắc kinh sách và tranh dân gian. Khi nghề in hiện đại hình thành, in khắc gỗ chỉ còn lui về với họa sĩ yêu đồ họa, nhưng rồi ngày một ít người màng đến nó, vì làm thì vất vả, hiệu quả lại không trực tiếp mạnh mẽ như tranh sơn dầu, sơn mài, nên người ta cũng chỉ làm in khắc gỗ không chuyên mà thôi. Một vài họa sĩ lớn tuổi, như Trần Nguyên Đán, Lưu Thế Hân còn in khắc thường xuyên, vài họa sĩ trẻ như Phạm Anh Dũng, Lê Quốc Việt khai thác khắc gỗ cho những bố cục hiện đại. Những người làm đồ họa khắc gỗ có thể đếm trên đầu ngón tay, dù các phương tiện in khắc ngày nay rất phong phú. Hoàng Minh Phúc là một trong số ít nữ họa sĩ làm khắc gỗ đen trắng. Cô kết hợp lối in lăn của tranh khắc kim loại và lối khắc dao truyền thống, lấy đen trắng làm cơ sở, đồng thời chơi cả mộc bản như một bức tranh độc lập. Ngập ngừng giữa lối vẽ hai chiều, mảng bẹt, diễn hình dàn trải không có khối, với lối không gian ba chiều và bố cục có chiều sâu, học từ nhà trường, họa sĩ đang xác định một bút riêng có thể vẽ và in khắc từ giản đơn đến phức tạp, thể hiện ý tưởng bằng các motif và kết cấu phân khoảng đen trắng có nhịp. Và họa sĩ, cũng mắc phải lỗi chung như nhiều họa sĩ đồ họa khác là kiểm soát quá kỹ các đường nét và phân bố đen trắng, làm tính ngẫu hứng của bức họa giảm đi, vì thế cái đẹp tượng trưng đã thay cho cảm giác biểu hiện.


Ván khắc tranh của Hoàng Minh Phúc trưng bày trong triển lãm.
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Mặc dầu vậy, những sáng tác đồ họa đen trắng của các họa sĩ trẻ hiện nay cho thấy con đường nối từ truyền thống vẫn có thể tiếp tục và kéo dài ra mãi. Ngôn ngữ đồ họa trong tranh in khắc gỗ chưa bao giờ cạn kiệt, dù chỉ là hai sắc đen trắng, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống không được thể hiện phong phú. Con đường cũ và nhỏ trong mỹ thuật này thực ra được rất nhiều họa sĩ lớn làm nền tảng nghiên cứu ban đầu cho những tác phẩm hội họa lớn và có chiều sâu. Người xưa cho rằng tranh khắc gỗ có tinh thần của mộc vị (ý vị của gỗ) và đao vị (ý vị của dao khắc). Chất thô mộc của gỗ vốn gần gũi với con người như người ta hàng ngày sống với cây cỏ. Chất sắc nhọn của dao đục kim loại theo bàn tay đi vào thớ gỗ cũng hàm chứa trong đường nét của bức tranh. Sự kết hợp của hai kỹ thuật này là tinh thần của một bức tranh khắc gỗ, mà mỗi họa sĩ đồ họa vươn đến, có thể biểu hiện ngay ở bản khắc và những bản in khác nhau.


Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link