Cuộc tìm kiếm MH370: Đắt đỏ nhất lịch sử?

10/04/2014 09:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang đi dần tới chỗ gây tốn kém hàng trăm triệu đô la, qua đó trở thành cuộc tìm kiếm đắt nhất lịch sử ngành hàng không.

Một tháng sau khi hoạt động tìm kiếm diễn ra, số liệu ước tính do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy ít nhất 44 triệu USD đã được Australia, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam chi vào việc triển khai tìm kiếm ở Ấn Độ Dương cùng Biển Đông.

"Tốn rất nhiều tiền"

Con số trên được giới phân tích quốc phòng tính toán, dựa vào dữ liệu thống kê chi phí sử dụng các loại tài sản quân sự sau mỗi giờ. Reuters cũng dùng thông số chi phí do Lầu Năm Góc báo lại.

Chi phí ước tính này chưa bao gồm tài sản quân sự được các nước như Anh, Pháp, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng. Người ta cũng chưa tính các chi phí khác như máy bay dân dụng và chỗ ở dành cho hàng trăm nhân lực tham gia hoạt động tìm kiếm, bên cạnh chi phí phân tích quốc phòng trên toàn cầu.

Nhưng con số thu được đã gần bằng mức chi phí chính thức 32 triệu euro (44 triệu USD) mà người ta đổ vào hoạt động tìm xác chuyến bay số AF447 của hãng Air France hồi năm 2009. Do các chuyên gia đánh giá chi phí thực của hoạt động tìm và vớt xác AF447 cao hơn gấp 3-4 lần số liệu chính thức, dự báo chi phí cho hoạt động tìm kiếm MH370 hiện nay sẽ tăng lên hàng trăm triệu USD một cách nhanh chóng.

Angus Houston, quan chức phụ trách hoạt động tìm kiếm quốc tế MH370 do Australia lãnh đạo, nói hôm thứ Sáu tuần trước rằng ông sẽ đưa ra con số chi phí ước tính. "Tốn rất nhiều tiền đấy" - ông nói.


2 chiếc Il-76 của Trung Quốc tốn kém 10.000 USD mỗi giờ hoạt động, chỉ tính riêng tiền xăng

Chi phí không thành vấn đề

Thủ tướng Australia Tony Abbott và người đồng cấp Malaysia Najib Razak đều khẳng định rằng chi phí tìm kiếm không phải là vấn đề. Tuy nhiên ông Abbott cũng nói rằng Australia, nơi đang chịu gánh nặng chi phí lớn do cuộc tìm kiếm đã tập trung vào vùng biển Nam Ấn Độ Dương và nằm cách nước này không xa, có thể sẽ gửi hóa đơn đi vào một thời điểm nào đó.

"Chúng tôi nhận lấy gánh nặng chi phí vì đây là một hành động thể hiện vai trò công dân quốc tế" - ông Abbott nói vào tuần trước - "Tới một thời điểm nào đó, sẽ phải tính toán lại và cần có một dạng tính phí nào đó. Nhưng hiện nay chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ tất cả các nước có liên quan trong chuyện này".

Một nguồn tin giấu danh từ chính quyền Malaysia cho biết toàn bộ hoạt động tìm kiếm và thu hồi MH370 có thể gây tốn kém gấp đôi việc thu hồi hộp đen của AF447.

Australia hiện đã gánh nửa chi phí, do tàu và máy bay của nước này đã làm nhiệm vụ trong 3 tuần liên tiếp. Chỉ riêng hoạt động của tàu HMAS Success đã tốn khoảng 511.000 USD mỗi ngày hoạt động, theo con số của Lực lượng phòng vệ Australia (ADF).

"Nỗ lực tìm kiếm MH370 đang khiến ADF tốn ít nhất 800.000 AUD (khoảng 800.000 USD) mỗi ngày và có thể còn lớn hơn" - Kym Bergmann, Tổng Biên tập tờ Asia-Pacific Defence Reporter và là cựu cố vấn quốc phòng của chính quyền, cho biết.

Con số này có thể không lớn so với ngân sách thường niên khoảng 5 tỷ AUD của Australia, nhưng Bergmann đánh giá, nếu hoạt động tìm kiếm còn kéo dài thì các chương trình khác của ADF sẽ bị ảnh hưởng.


Lính Mỹ chuẩn bị hạ xuồng kéo thiết bị dò tìm tín hiệu hộp đen TPL

Áp lực tìm kiếm lớn hơn chi phí

Ngoài Australia, những nước chi tiêu lớn khác là Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc, nước có đông người đi trên MH370, đã gửi đi tổng cộng 18 tàu, 8 máy bay trực thăng và 3 máy bay cánh cố định tới nhiều địa điểm khác nhau.

Bắc Kinh từ chối tiết lộ về việc đã chi bao nhiêu tiền cho hoạt động tìm kiếm bằng máy bay, và nói rằng sẽ tiếp tục cho tìm kiếm chừng nào vẫn còn hy vọng. Trung Quốc đã gửi đi 2 chiếc Ilyushin Il-76 và chúng bay nhiều chuyến trong vòng 3 tuần qua. Thời báo Hoàn cầu ước tính mỗi chiếc máy bay này có chi phí hoạt động tốn cỡ 10.000 USD cho mỗi giờ bay. Đây mới chỉ là phí nhiên liệu, chưa bao gồm tiền bảo trì và thuê chỗ ở cho phi hành đoàn.

Tờ báo nói rằng các tàu chiến Trung Quốc tốn ít nhất 100.000 USD cho mỗi ngày hoạt động và có thể hơn. Tuy nhiên theo một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh, Trung Quốc hiện đang đối diện với áp lực lớn trong việc tìm thấy chiếc máy bay và chi phí sẽ chẳng là vấn đề gì với nước này.

Về phần mình, Mỹ thông báo hồi tuần trước rằng đã tiêu hơn 3,3 triệu USD cho cuộc tìm kiếm và đã có kế hoạch tăng gần gấp đôi ngân sách tìm kiếm ban đầu là 4 triệu USD. Ngoài việc đưa máy bay giám sát biển P-8 tới Perth, Hải quân Mỹ còn đóng vai trò rất quan trọng khi cung cấp thiết bị phát hiện hộp đen TPL và tàu ngầm tự hành Bluefin-21, phương tiện buộc phải có để trục vớt các hộp đen của MH370.

Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link