Malaysia Airlines lãnh đòn chí mạng vì vụ mất tích máy bay

08/03/2014 21:39 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Malaysia Airlines, hãng hàng không đứng sau vụ mất tích chiếc Boeing 777 trên biển Đông, lâu nay đã là một cái tên được nể trọng trong ngành hàng không khu vực, với thành tích an toàn cao tới mức đáng ghen tỵ. Chuyến bay mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur tới Beijing đã biến mất vào sáng sớm ngày 8/3, khiến các nước quanh biển Đông phải hợp sức tổ chức tìm kiếm, đồng thời làm dấy lên những lo ngại cho tính mạng của 239 người trên máy bay.

Vụ tai nạn được đánh giá sẽ là đòn chí mạng nhằm vào Malaysia Airlines, vốn đang vật lộn để duy trì lợi nhuận trước nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là sự trỗi dậy của các hãng hàng không giá rẻ.

Mỗi ngày Malaysian Airlines chở khoảng 37.000 hành khách tới 80 điểm đến nằm dọc theo châu Á và cả châu Âu, Mỹ. Hãng điều hành hơn 250 chuyến bay mỗi ngày.

Trong lịch sử, hãng hàng không đã có vài sự cố, nhưng vẫn duy trì thành tích an toàn tốt. Tai nạn tồi tệ nhất của Malaysia Airlines xảy ra năm 1977, khi một chuyến bay của hãng bị đánh cướp và cuối cùng rơi xuống phái Nam đất nước, làm 93 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Được thành lập vào năm 1947 với tên Malayan Airways, hãng hàng không này đã trải qua nhiều lần thay đổi về mặt tổ chức và trong năm 1972 đã đi vào hoạt động với cái tên hiện nay. Hãng từ từ mở rộng quy mô nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh trong nước. Đội máy bay của hãng cũng theo đó mà tăng lên.

Hãng hiện có 88 chiếc máy bay, gồm các mẫu Boeing 747-400, Boeing 777-200 và Airbus A380-800. Chiếc máy bay biến mất ở biển Đông là Boeing 777-200, một trong những mẫu máy bay an toàn nhất của ngành hàng không.

Máy bay Boeing 777-200 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur sau khi thực hiện chuyến bay thẳng từ Seattle (Mỹ) ngày 2/4/1997. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997 đã đẩy Malaysia Airlines tới bờ vực phá sản, buộc hãng phải triển khai hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí, cắt bỏ các tuyến bay không lãi. Tuy nhiên công ty hiện vẫn đang chênh vênh giữa lãi và lỗ, với cán cân thu chi vẫn không ổn định.

Công ty lỗ triền miên trong mấy năm gần đây, khi phải chống lại sự cạnh tranh của các đối thủ kinh doanh như hãng hàng không giá rẻ AirAsia.

"Sự kiện này diễn ra trong thời khắc kém may mắn nhất cho hãng hàng không, hiện đang trải qua quá trình biến đổi để trở lại có lãi" - Shukor Yusof, một nhà phân tích hàng không ở công ty Standard & Poor's Equity Research tại Singapore đánh giá.

Các kế hoạch "phục hồi" của Malaysia Airlines hiện đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nhà quan sát và phân tích. Không một kế hoạch nào thành công và các nhà phê bình cáo buộc chính quyền đang cố cứu hãng thông qua việc bơm tiền thuế của dân, thay vì tiến hành cải cách mạnh tay.

Họ cũng chỉ ra rằng sự quản lý tồi, sự can thiệp của chính quyền, lực lượng lao động quá lớn và công đoàn mạnh, ngại thay đổi đã khiến hãng hàng không trở nên kém cạnh tranh.

Năm 2011, hãng đã lỗ tổng cộng 2,5 tỷ ringgit (767 triệu USD), do chi phí nhiên liệu tăng. Các quản lý thừa nhận hồi năm 2012 rằng hãng đang trong "khủng hoảng" khi triển khai chiến dịch cắt giảm chi phí mới. Nhưng trong năm 2013, Malaysia Airlines vẫn tiếp tục lỗ triền miên và hãng đã cảnh báo trước về một năm "đầy thách thức" do sự cạnh tranh khốc liệt.

Tuy nhiên bất chấp khó khăn đó, Malaysia Airlines vẫn được ca ngợi vì chất lượng dịch vụ. Năm ngoái, hãng trở thành thành viên đầy đủ của Oneworld, một trong những liên minh hàng không lớn nhất thế giới, kết nối tới 850 điểm đến ở 150 nước.

V.L

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link