Sử dụng bẫy hình nộm CSGT trên thế giới: Kẻ vỗ tay, người 'ném đá'

25/07/2015 05:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện công an quận Thốt Nốt (Cần Thơ) dựng nhiều hình nộm cảnh sát giao thông (CSGT) bắn tốc độ để quản lý giao thông đã gây xôn xao dư luận nước ta trong tuần này. Đây thực ra là phương thức đã được thế giới áp dụng từ lâu, với lời khen có, chê có và cả tai tiếng cũng xuất hiện.

Năm 2013, cảnh sát thành phố Bangalore của Ấn Độ đã sử dụng nhiều hình nộm CSGT, làm từ giấy bồi và mang kích cỡ người thật, để ngăn chặn các vụ vi phạm luật giao thông.


Hình nộm CSGT ở Cần Thơ

"Chi phí rẻ, răn đe tốt"

Các viên cảnh sát "giả" này được đặt ở một số quận trung tâm của Bangalore, trước khi mở rộng quanh thành phố. Động thái nhằm kiểm soát hoạt động giao thông tại thành phố có 4,2 triệu chiếc xe này.

"Đây không phải là một trò chơi trội nhằm thu hút sự chú ý. Bất cứ nơi nào chúng tôi đặt các hình nộm đó, hoạt động vi phạm giao thông đều giảm hẳn" - Giám đốc lực lượng cảnh sát giao thông thành phố, ông MA Saleem, cho hãng tin BBC biết.


Cảnh sát Hong Kong đã phải rút bỏ 2 cảnh sát hình nộm đưa vào sử dụng thí điểm vì không hiệu quả

Khi ấy, ông Saleem có nói thêm rằng việc đặt các hình nộm là giải pháp đương đầu với việc thành phố thiếu khoảng 500 viên cảnh sát giao thông. Tuy nhiên lập tức đã có ý kiến nghi ngờ sự hiệu quả của biện pháp này. Thậm chí sự nghi ngờ xuất hiện ngay từ trong lực lượng cảnh sát.

"Hình nộm không có tác dụng. Tình hình cần tới những viên cảnh sát thực sự. Chính quyền cần tuyển mộ thêm cảnh sát" - một viên CSGT đề nghị giấu tên nói với BBC.

"Dựng hình nộm là một ý tưởng xuẩn ngốc. Các vị nghĩ rằng chúng tôi có thể bị lừa sao?" - Rahul, một sinh viên đại học, tuyên bố.

Các nhà quan sát nói rằng với việc đặt hình nộm, Bangalore chỉ đang cố tìm ra biện pháp hiệu quả nhất để giảm tình trạng vi phạm giao thông. Thành phố này có hơn 60.000 vụ tai nạn giao thông trong năm 2012. Mỗi ngày có ít nhất 2 người đi bộ bị những chiếc xe chạy quá tốc độ ở thành phố sát hại.

Và thành phố cũng không phải nơi đầu tiên nghĩ tới việc dùng hình nộm để xử lý vấn đề giao thông. Từ năm 2008, chính quyền thành phố Vancouver, Canada, cũng đã dùng hình nộm làm từ nhựa, in hình một viên CSGT cầm súng bắn tốc độ, mang kích cỡ người thật, đứng bên các con đường chạy trong thành phố.

Các hình nộm này có nhiệm vụ giảm tình trạng chạy quá tốc độ và các vụ tai nạn giao thông gây chết người. "Có thể có hoặc không có sự hiện diện của một sĩ quan cảnh sát người thực đằng sau các hình nộm này" - ông Ralph Pauw, quan chức cảnh sát Vancouver khi ấy, đã tuyên bố tại cuộc họp báo giới thiệu các hình nộm.

Ông cho biết các viên cảnh sát hình nộm  có "chi phí khá rẻ nhưng mang tính răn đe tốt". Trong mỗi ca trực, cảnh sát sẽ đặt hình nộm lên bục điều khiển giao thông và có thể đứng sau chúng. Cuối ca trực, họ sẽ tháo và cất các hình nộm. Các hình nộm được triển khai dọc theo phố Knight ở Vancouver vì đây là một điểm đen tai nạn, với rất nhiều tài xế thích phóng tới 115km/h, tại những khu vực hạn chế tốc độ 50 km/h.


Cảnh sát hình nộm ở CH Czech còn khiến số vụ tai nạn tăng gấp đôi khi được đưa vào sử dụng

Chỉ mất thời gian vô ích?

Ngoài Canada, cảnh sát hình hộm còn xuất hiện ở Mỹ, Anh, Hong Kong... Nhưng mức độ thành công của các hình nộm không giống nhau. Một số nơi có sự tụt giảm tình trạng vi phạm giao thông, nhưng cũng có nơi các hình nộm không thay đổi được gì.

Tháng 6 năm ngoái, cảnh sát Hong Kong đã lặng lẽ cho "nghỉ hưu" 2 viên CSGT hình nộm, được tạo ra với chi phí 10.000 HKD và được đặt gần một số điểm đen giao thông trên đặc khu hành chính này.

Các viên cảnh sát giao thông hình nộm, làm từ nhôm và giấy bồi, mô phỏng theo 2 viên cảnh sát ngoài đời là Leung Wai và Sit Ching-fung, từng được giới thiệu rình rang khi ra mắt trong năm 2012. Nhưng sau 2 năm hoạt động thí điểm, khi nhận thấy các hình nộm này chẳng giúp thay đổi con số vụ tai nạn, dự án đã bị hủy bỏ.

Năm 2013, cảnh sát giao thông Ninh Ba, Trung Quốc, còn triển khai cả các mô hình xe CSGT để răn đe cánh tài xế. Tuy nhiên khi đó các chuyên gia đã cảnh báo những mô hình kiểu đó không có tác dụng.

"Cảnh sát Anh từng thử phương thức này trên một số cây cầu vượt. Nhưng nó chỉ gây phí thời gian mà thôi. Một khi có ai đó đi qua các mô hình và chẳng bị sao cả, những người đi sau đều biết rằng nó chỉ là một trò đùa nên họ không để ý tới nữa" - chuyên gia Neil Greig tới từ Anh cho biết - "Các tài xế rất tinh quái. Họ có thể phát hiện những thứ như thế này từ cách xa cả cây số".

Ông cũng nói thêm rằng việc đặt hình hộm đặt sai chỗ thậm chí còn gây hại nhiều hơn là có lợi, do chúng khiến cánh tài xế bị mất tập trung.

Tại CH Czech, hình nộm mô phỏng các nữ cảnh sát giao thông mặc váy ngắn từng thu hút sự chú ý của các bác tài và làm tỷ lệ tai nạn năng lên gấp đôi bình thường, tại những nơi chúng được triển khai.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link