'Lò lửa' hạt nhân ở Triều Tiên: chỉ những tuyên bố thiện chí 'suông' thôi thì chưa đủ

17/09/2015 20:46 GMT+7 | Trong nước

 (Thethaovanhoa.vn) -  Bán đảo Triều Tiên lại “nóng” lên từng giờ sau khi ngày 15-9-2015, CHDCND Triều Tiên thông báo các nhà khoa học về năng lượng nguyên tử của nước này đang không ngừng nâng cấp các vũ khí hạt nhân cả về chất lượng và số lượng, đồng thời đang nghiên cứu để có những cải tiến trong sản xuất nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một quan chức cấp cao Viện Năng lượng Nguyên tử Triều Tiên đề nghị giấu tên, cho biết nếu Mỹ và các thế lực thù địch theo đuổi chính sách chống phá CHDCND Triều Tiên và có cách hành xử gây nguy hại, CHDCND Triều Tiên sẵn sàng đối đầu bằng vũ khí hạt nhân bất kỳ lúc nào.

"Chương trình hạt nhân chỉ mang tính tự vệ"

Theo quan chức này, các cơ sở hạt nhân gần thành phố Nyongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng 100 km về phía Đông Bắc, trong đó có nhà máy làm giàu urani và lò phản ứng graphite đã được tái sắp xếp, thay đổi hay điều chỉnh lại để bắt đầu hoạt động bình thường.

Theo KCNA, việc CHDCND Triều Tiên tăng cường nghiên cứu vũ khí hạt nhân là do chính sách thù địch của Mỹ đối với nước này gây ra, đồng thời nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ mang tính tự vệ.

Tổ hợp hạt nhân Yongbyon lại được khởi động

Trước đó, ngày 14-9, Bình Nhưỡng tuyên bố đang xúc tiến giai đoạn cuối của kế hoạch phát triển một vệ tinh quan sát Trái Đất mới, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) vào tháng 10 tới. Tuyên bố này làm dấy lên đồn đoán rằng CHDCND Triều Tiên sẽ sớm phóng một tên lửa tầm xa hoặc tên lửa đạn đạo.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), CHDCND Triều Tiên bị cấm thực hiện những thử nghiệm có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng luôn khẳng định phóng tên lửa nằm trong chương trình không gian hợp pháp, giúp đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Trước những động thái từ phía CHDCND Triều Tiên, các nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Ngày 15-9, Mỹ đã hối thúc CHDCND Triều Tiên tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest kêu gọi CHDCND Triều Tiên thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế và kiềm chế các hành động có thể đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby (Giôn Cơ-bi) hối thúc Bình Nhưỡng tránh xa các hành động kích động.

Hàn Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch phóng tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên, cho rằng động thái này dường như là một cuộc thử tên lửa đạn đạo và là hành động khiêu khích "nghiêm trọng" vi phạm các nghị quyết của LHQ.

Trong tuyên bố ngày 15-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il tuyên bố, Hàn Quốc sẽ phản ứng nhanh và hiệu quả đối với bất kỳ hoạt động phóng tên lửa đạn đạo nào của CHDCND Triều Tiên, và Seoul sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan, trong đó có các thành viên HĐBA LHQ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok nhấn mạnh, "Bất kỳ hoạt động phóng tên lửa đạn đạo nào của CHDCND Triều Tiên đều là hành động khiêu khích nghiêm trọng và là một mối đe dọa quân sự, cũng như vi phạm rõ rệt những nghị quyết của LHQ cấm Triều Tiên thực hiện các hoạt động sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo".

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế hành động khiêu khích và nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc. Ông Suga nêu rõ CHDCND Triều Tiên cần tuân thủ các nghị quyết của LHQ.

Trung Quốc cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên ngừng việc chuẩn bị tiến hành các vụ phóng tên lửa để đưa vệ tinh vào vũ trụ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh, Trung Quốc hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ "hành xử thận trọng và tránh những động thái làm leo thang căng thẳng".

* Vấn đề hạt nhân của CHDCDN Triều Tiên: tít mù rồi lại vòng quanh

Từ lâu nay, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và các vụ thử tên lửa của nước này luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi trên các bàn hội nghị quốc tế. Hơn thế, nó còn làm tốn bao công sức, giấy mực của các nhà nghiên cứu, các chính khách và các nhà hoạch định chiến lược của nhiều nước.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu vào năm 1993 khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này đã tham gia từ năm 1985. Lý giải cho hành động này, CHDCND Triều Tiên cho rằng là do sức ép của quốc tế trong việc thanh sát chương trình hạt nhân bị cho là để phát triển vũ khí nguyên tử của nước này. Theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, chỉ có 5 quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân là Pháp, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ. Các quốc gia này đã có vũ khí hạt nhân trước thời điểm hiệp ước được ký (tức là ngày 1-6-1968) và là 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ.

Sau nhiều lần đàm phán, vào tháng 4-1994, tại Geneva (Thụy Sĩ), CHDCND Triều Tiên đã đồng ý ký với Mỹ một thỏa thuận khung (thỏa thuận KEDO), theo đó CHDCND Triều Tiên ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân, đổi lại Mỹ cam kết cung cấp cho Triều Tiên hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ chế tạo năng lượng hạt nhân để phát điện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thỏa thuận KEDO sau đó đã diễn ra không suôn sẻ và Mỹ vẫn cho rằng Triều Tiên đang bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân.

Thông tin này đã được Mỹ chính thức khẳng định trong Thông điệp liên bang vào tháng 1-2002, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã cáo buộc CHDCND Triều Tiên cùng với Iran và Iraq "hợp thành một trục ma quỷ".

Đáp lại lời tuyên bố cứng rắn của ông Bush, tháng 10-2002, CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố nước này đang phát triển một chương trình hạt nhân bí mật, đồng thời coi thỏa thuận đã ký với Mỹ vào năm 1994 là vô hiệu.

Để giải quyết vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên, cộng đồng quốc tế và các nước liên quan bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nỗ lực đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên lên bàn thương lượng. Vòng đàm phán 6 bên đầu tiên giữa CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 8-2003.

Vòng đàm phán này đã trải qua 6 lần, tổ chức trong những năm tiếp theo. Tiến triển sau những vòng đàm phán này là việc CHDCND Triều Tiên phá hủy tháp làm mát trong tổ hợp hạt nhân chủ chốt mang tên Yongbyon vào tháng 6-2008 để đổi lại việc được Mỹ sẽ xem xét gỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế, đồng thời rút tên CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố. Hành động này khi đó được coi là biểu tượng của việc CHDCND Triều Tiên thực hiện cam kết với những cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, vào tháng 9-2008, cho rằng chính quyền Tổng thống Bush không thực hiện lời hứa rút CHDCDN Triều Tiên khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, CHDCND Triều Tiên đã quyết định tái khởi động quá trình sản xuất plutoni cấp độ vũ khí. Năm 2008 vì thế cũng đánh dấu vòng đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc và đến nay vẫn chưa được nối lại.

Kể từ đó, CHDCND Triều Tiên vẫn thường xuyên tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa gây quan ngại cho khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Tháng 1-2015, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tạm ngừng thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ hủy bỏ các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc và yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước này. Nhưng cả Mỹ và Hàn Quốc đều kiên quyết bác bỏ đề nghị này.

Lâu nay, Mỹ và Hàn Quốc luôn khẳng định các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn là "minh bạch, chỉ nhằm mục đích phòng thủ", đồng thời là "truyền thống" giữa quân đội hai nước trong suốt 40 năm qua. Thế nhưng, CHDCND Triều Tiên lại cho rằng các cuộc tập trận là mối đe dọa an ninh, như một giả định chiến tranh chống nước này... Những động thái này đã làm quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với các nước liên quan luôn trong tình trạng xấu đi.

Có thể thấy, những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên cho thấy, chỉ những tuyên bố thiện chí không thôi là chưa đủ. Bước đi cụ thể và quan trọng hơn là sự nghi kỵ giữa các bên cần phải được xóa bỏ mới có thể giúp tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sớm tìm ra cánh cửa mở./.

Thanh Lâm(TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link