26/09/2011 09:29 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Suốt cả tuần qua, dư luận dành nhiều quan tâm tới việc đầu tư 411 tỉ đồng xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Trước những phản ứng trái chiều, TT&VH đã có cuộc trao đổi với “người trong cuộc” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn
Đang là Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng có dịp tiếp xúc với dự án trên từ giữa năm 2006 trong vai trò thành viên Hội đồng nghệ thuật. Ông cho biết:
- Vì chưa có đủ thông tin nên dư luận có phần “sốc” với con số 411 tỉ đồng của dự án. Thực ra, công trình quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) là một dự án mang tính tổng thể, trong đó số tiền để xây dựng tượng đài chỉ chiếm khoảng một nửa kinh phí. Phần còn lại gồm rất nhiều hạng mục khác như bảo tàng nằm trong lòng tượng Mẹ, 8 trụ huyền thoại trên đường dẫn vào sân hành lễ, hệ thống nhà hội thảo, đường trường lan có mái che mưa nắng và những công trình kiến trúc phụ cận cho công viên tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng
Nhìn rộng hơn, việc xây dựng quần thể tượng đài này gắn với việc hình thành quảng trường trung tâm của thành phố Tam Kỳ dự kiến đặt ở phía không gian bên ngoài công viên tượng đài. Hiện, Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có một không gian quảng trường làm nơi sinh hoạt văn hóa- chính trị theo đúng nghĩa. Trong tương lai gần, khi vùng kinh tế mở Chu Lai phát triển thì chuỗi kiến trúc đô thị mọc lên sẽ được định hướng xoay quanh không gian bản lề là quảng trường văn hóa - lịch sử này...
* Thưa ông, vấn đề đang được dư luận đặt ra là việc xây dựng cụm công trình này với số tiền 411 tỉ đồng có thật sự cần thiết không?
- Bất kì một tỉnh nào cũng cần một không gian văn hóa cộng đồng mang đặc trưng rõ nét về bản sắc của mình. Hiện tại, ngoài Đà Nẵng, các tỉnh dọc Nam Trung Bộ gần như chưa có quảng trường trung tâm riêng. Và việc Chính phủ xếp công trình này vào cụm công trình văn hóa cấp quốc gia có thể hiểu là động thái bước đầu trong việc giúp các tỉnh miền Trung có động lực xây dựng bộ mặt đô thị mang bản sắc riêng của mình.
Miền Trung vốn nghèo, tôi nghĩ chúng ta nên mừng về việc được quy hoạch và xây dựng những công trình văn hóa - lịch sử lớn như vậy, bởi chắc chắn điều này sẽ có tác động dây chuyền tới phát triển du lịch và kinh tế. Chẳng hạn, tôi được biết tỉnh Quảng Nam từ 2005 đã có việc đề xuất ý tưởng xây dựng Bảo tàng nghệ thuật đương đại cũng tại Tam Kỳ. Nghĩa là tỉnh Quảng Nam muốn kết nối trục tam giác Hội An- Mỹ Sơn- Bảo tàng Nghệ thuật đương đại thành một không gian du lịch văn hóa, trong đó tại Tam Kỳ có những điểm nhấn tiếp tục được hình thành như quảng trường trung tâm, cảng biển Kỳ Hà và khu kinh tế mở Chu Lai...
* Theo ông liệu chúng ta có thể tìm những phương án để tiết kiệm và hạ bớt số tiền đầu tư 411 tỉ đồng không, chẳng hạn như giảm kích thước của tượng đài hoặc chỉ xây dựng một tượng đài nhỏ hơn?
- Quảng Nam vốn là nơi có nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng nhất trên cả nước, vì vậy một tượng đài quốc gia về BMVNAH đặt ở đây là hợp lý. Còn về kiến trúc, tôi thấy quy mô và kết cấu của tượng đài là cần thiết để bảo đảm tính thẩm mỹ về tổng thể cho không gian văn hóa - lịch sử được chọn. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, vì vậy chúng ta không nên thắc mắc là vì sao nơi này xây kiểu này, nơi kia xây kiểu khác. Xin nói thêm, đây là dự án được tỉnh Quảng Nam công khai, được Chính phủ cho phép và có sự giám sát chặt chẽ chứ không khuất tất gì.
Một phác thảo tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng
* Ông nghĩ sao trước những ý kiến cho rằng số tiền 411 tỉ đồng nên được đầu tư vào những hạng mục cần thiết và cấp bách hơn so với việc xây dựng một công trình văn hóa, chẳng hạn ngay như với việc chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống...
- Tôi xin kể lại câu chuyện về trường hợp bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc được danh họa Nguyễn Gia Trí để tâm hoàn thành trong vài thập kỷ. Đầu thập niên 90 trước, khá nhiều nhà sưu tập nghệ thuật của Nhật và Pháp đã có nhu cầu mua bức tranh này, nhưng Thành ủy và UBND TP.HCM đã quyết định bỏ ra khoảng 100 ngàn USD để sở hữu bức tranh và lưu giữ ở trong nước. Khi đó cũng có rất nhiều ý kiến phản ứng theo cách so sánh rằng số tiền này lẽ ra có thể sửa được mấy cây cầu sắp sập, giúp bao nhiêu gia đình “được ăn cơm chứ không phải ăn cháo”... Nhưng đến giờ, sự kiện ấy đã được nhắc tới như một cột mốc khi Nhà nước có thể dành một số tiền lớn như vậy để mua tác phẩm của họa sĩ trong nước và tác động rất tích cực tới giá tranh của giới mỹ thuật VN.
Tôi nói vậy vì muốn nghĩ rằng đồng tiền nào cũng quý, nhưng những việc cần làm thì chúng ta vẫn phải làm. Rất nhiều năm nay chúng ta vẫn thực sự dành tình cảm và kinh phí để chăm sóc các BMVNAH trong điều kiện có thể. Nhưng song song với điều ấy thì Quảng Nam vẫn cần có một công trình văn hóa - tâm linh lớn để tôn vinh các bà mẹ Việt. Cách nghĩ như một số người rằng chẳng thà đừng xây tượng đài, lấy số tiền đó chia đều cho các mẹ, là cách nghĩ không thỏa đáng và vô tình lại làm vẩn đục cách chúng ta tri ân các mẹ từ trước đến giờ.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Chiêu Minh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất