Hoa hậu Việt Nam: Hài lòng và những tiếc nuối

07/09/2012 10:10 GMT+7 | Người đẹp


Theo thông lệ để khép lại một kỳ thi Hoa hậu Việt Nam, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ thêm về đêm chung kết, hậu trường cuộc thi cũng như quan điểm về những dư luận hậu Hoa hậu.



Nhà báo Lê Xuân Sơn, Trưởng BTC cuộc thi HHVN 2012 trao quyền trượng cho Hoa hậu Đặng Thu Thảo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

* Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 đã khép lại được gần 2 tuần. Giờ nhìn lại, anh thấy hài lòng nhất về điều gì?

- Về chuyện hài lòng thì có lẽ hài lòng nhất là việc cuộc thi nhận được sự đồng tình của phần đông dư luận xã hội về kết quả, kể cả với quyết định của BTC đình chỉ tham gia đêm chung kết của một thí sinh.

Đương nhiên, một cuộc thi như Hoa hậu Việt Nam không thể mong sự đồng thuận 100%, vì mỗi người có cách nhìn nhận đánh giá khác nhau. Nhưng cho đến nay, chúng tôi thấy dư luận xã hội, thể hiện qua phản ánh của báo chí, nhìn chung đồng thuận với ngôi hoa hậu, á hậu, các giải thưởng khác của cuộc thi.

Trong quá trình chấm thi vòng chung kết, có lúc có giám khảo phát biểu là “rối bời” do các ứng cử viên bám sát nhau quá, khó định ngôi hoa hậu, nhưng rồi BGK vẫn có sự lựa chọn được đông đảo báo giới và công chúng đồng tình, đó là thành công lớn.

Một điều cũng khiến chúng tôi rất vui là sự phối hợp khá hoàn hảo của đơn vị đồng tổ chức – UBND TP Đà Nẵng, cũng như những điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ mà thành phố và các doanh nghiệp tại chỗ cung cấp cho cuộc thi.

* Còn điều gì anh thấy tiếc nuối, để mọi việc được hoàn hảo hơn?


- Có không ít những điều mà nhìn lại tôi thấy BTC có thể và lẽ ra phải làm tốt hơn. Chẳng hạn sự phối hợp và kiểm soát của chúng tôi trong khâu thực hiện chương trình đêm chung kết chưa thật tốt khiến đôi chỗ có trục trặc về điều phối và lời dẫn của MC.

Hay chuyện lễ tân hướng dẫn khách và người xem vào chỗ ngồi cũng nhiều sơ suất, lúng túng.

Ngay cả một khâu như thể lệ cuộc thi đã ổn định nhiều năm, qua nhiều lần thi không có trục trặc gì, đến lần này cũng cho thấy là cần phải chi tiết, cụ thể hơn nữa để tránh mọi hiểu nhầm đáng tiếc.

Rồi một đôi lỗi kỹ thuật làm tôi tiếc đến ngẩn người. Như phần đầu chương trình chung kết, ý tưởng nghệ thuật về quả trứng rồng nở, từ đó các thí sinh tỏa ra - đã không thực hiện được bởi quả trứng không mở ra được, đành phải kéo lên.

(Sau xác định nguyên nhân là do đông diễn viên tham gia màn mở đầu, có người vướng phải dây làm mất nguồn điện cấp cho quả trứng). Ý tưởng đó của đạo diễn Hải Đăng được thực hiện trơn tru ở hai lần tổng duyệt tối 23 và tối 24, nhưng đến đêm chung kết 25-8 thì lại trục trặc!

Có cả tiếc nuối từ phía thí sinh. Các câu hỏi ứng xử đều rất mở, có nhiều đất để sáng tạo, nhưng thực sự chưa có câu trả lời lấp lánh. Chẳng hạn ở câu “Nếu bạn có cơ hội ra biển Mỹ Khê của Đà Nẵng thuộc loại đẹp nhất hành tinh và bỏ một thông điệp vào cái chai để thả trôi ra đến với người bạn chưa quen biết nào đó, bạn sẽ viết gì?” có cài một cái “bẫy” nhỏ, khi thảo luận tại hội đồng xét duyệt câu hỏi, phương án trả lời mà chúng tôi mong muốn nghe nhất là: “Em sẽ không bỏ cái chai đó xuống biển vì tuy nhỏ nhưng đó cũng là một hành động tác động xấu đến môi trường, em sẽ gửi thông điệp bằng cách khác...”.

* Quan sát thí sinh năm nay, thấy hơi ít người có ý thức bứt phá, để sớm thuyết phục BGK và khán giả. Có người tỏ ra có ý chí, tham vọng thì lại bất chấp thực tế, gây khó khăn cho BTC đồng thời để lại dư luận không hay lắm. Anh có lời khuyên gì cho các cô gái đến với một đấu trường sắc đẹp như Hoa hậu Việt Nam?

- Tôi không biết nói thế nào thì chính xác hơn, “ít người có ý thức tự bứt phá”, hay “nhóm ứng cử viên quá đồng đều và đều nỗ lực” nên giám khảo và khán giả gần cuối mới xác định được ngôi đầu.

Về lời khuyên cho các thí sinh, tôi muốn nói rằng Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi đại chúng hàng đầu, những gì thuộc về thí sinh đều phải qua sự thẩm định của đông đảo công chúng quan tâm. Bởi vậy, các bạn chỉ khi nào thể hiện một cách chân thực vẻ đẹp và bản chất tốt đẹp của chính con người mình thì mới mong nhận được sự tôn vinh của công chúng.

* Nếu Vương Thu Phương không bị loại, cô ấy có khả năng tranh giải Người đẹp Biển với Ninh Hoàng Ngân?

- Theo dư luận thì không chỉ cạnh tranh với Ninh Hoàng Ngân, một số nhà báo và bản thân thí sinh Vương Thu Phương còn xác định cô là “ứng cử viên sáng giá cho ngôi hoa hậu”, thậm chí có người còn viết đại để nếu còn Vương Thu Phương thì Đặng Thu Thảo khó có cơ hội trở thành hoa hậu (?!).

Thực sự tôi không biết các thành viên BGK có chia sẻ ý kiến này không. Nhưng với tư cách Trưởng BTC, quan sát các thí sinh từ vòng sơ khảo cho đến tận đêm chung kết, tôi nghĩ, nếu không có vấn đề về chuyện đám cưới, Phương sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh ngôi đầu hơn rất nhiều nếu tham gia một số cuộc thi có tính chất khác một chút, chẳng hạn Hoa khôi Thể thao.

Đúng là cô có gương mặt đẹp, với những nét rất sáng và đôi mắt đen, lại ăn hình, ăn ảnh, nhưng về thể hình, cô lưu rất rõ dấu ấn của thời gian được huấn luyện để trở thành vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp.

Ngoài ra, để chấm giải, ngoài nhan sắc, BGK còn cân nhắc các yếu tố khác như kiến thức nền, khả năng ứng xử trong các lần thi trực diện, những gì thí sinh thể hiện qua quá trình luyện tập và tham gia các sự kiện của vòng chung kết; rồi căn cứ cả vào nhận xét về thí sinh của các thành viên BTC và Tiểu ban Thí sinh... Và phần thể hiện của thí sinh trong đêm chung kết.

* Anh đã nhường vinh dự trong đêm chung kết, để Ngọc Hân trao vương miện cho tân hoa hậu Thu Thảo. Đây là một cuộc cách mạng sau 22 năm - 12 lần báo Tiền Phong tổ chức thi Hoa hậu Việt Nam? Anh còn muốn thay đổi điều gì nữa, chẳng hạn về qui chế? Và rút được kinh nghiệm gì ở cương vị Trưởng BTC lần đầu tiên?

- Cách trao vương miện lần này là sự thay đổi truyền thống của các lần tổ chức trước đây, nhưng nói “cuộc cách mạng” thì quá.

Quyết định người trao vương miện là hoa hậu mãn nhiệm như một cuộc tiếp sức không ngừng nghỉ của các hoa hậu Việt Nam không phải là cái gì đó mới mẻ mà là thông lệ của các cuộc thi hoa hậu quốc tế có uy tín. Đơn giản chỉ có vậy, tôi không phải suy nghĩ, cân nhắc gì nhiều và các thành viên BTC năm nay đều đồng thuận mà không có phân vân gì đáng kể.

Về quy chế cuộc thi thì có lẽ cũng không cần thay đổi, chỉ cụ thể hóa nội hàm một số quy định, để thí sinh không hiểu sai. Đó là tôi nói trong trường hợp Quy chế 87 của Bộ VHTTDL về thi hoa hậu, thi người đẹp vẫn còn được áp dụng. Nếu có một văn bản khác được ban hành tới đây (có thông tin như vậy) thì đương nhiên sẽ phải điều chỉnh thể lệ cho phù hợp.

Nói về kinh nghiệm sau lần đầu tiên làm Trưởng BTC, điều quan trọng nhất tôi rút ra là đối với một cuộc thi lớn và phức tạp thế này thì mọi việc phải giải quyết rất chi tiết, cụ thể và theo đúng các quy định, thể lệ của cuộc thi. Xa rời nguyên tắc này có thể dẫn đến các xì căng đan, thậm chí nguy cơ đổ vỡ cuộc thi.

* Dù có những thay đổi nhất định nhưng Hoa hậu Việt Nam 2012 vẫn chưa đổi mới lắm từ format chương trình, MC, giám khảo, tiết mục văn nghệ đêm chung kết?

- Dù cố gắng thay đổi thế nào thì format cuộc thi ở chung kết vẫn có nền tảng là các màn trang phục áo dài, áo tắm, dạ hội và ứng xử đó... Có thể cần sáng tạo hơn ở các cuộc thi phụ và các hoạt động trong khuôn khổ vòng chung kết chăng? Đương nhiên, chúng tôi mong muốn và sẽ hướng tới việc BGK và MC luôn có yếu tố mới.

Về các tiết mục văn nghệ thì sau đêm chung kết vừa qua, có dư luận cho rằng về nhạc và màn múa phụ hoạ phần thi trang phục dạ hội là không phù hợp. Vấn đề này trong quá trình chuẩn bị và tổng duyệt, chúng tôi có những cuộc thảo luận.

Tổng đạo diễn nói anh muốn làm một cái gì đó mới, khác cái mà mọi người quen thấy, và chúng tôi đã đồng ý với ý tưởng “Năm châu hội tụ” của anh. Nhưng sau đêm chung kết mới thấy là nhiều người chưa thể tiếp nhận ý tưởng đó của đạo diễn.

* Ngoài luồng dư luận tích cực, xây dựng, anh có để ý những ý kiến trái chiều?

- Tôi cảm ơn hầu hết các nhà báo đã thông tin khách quan và vô tư, đem đến cho đông đảo bạn đọc một hình ảnh chung khá chân thực về cuộc thi.

Nhân đây, tôi thấy cần nói thêm về hoạt động xã hội từ thiện trong và sau cuộc thi. Đây là hoạt động truyền thống, đặc trưng của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (mà có lẽ của tất cả các cuộc sắc đẹp nói chung), chúng tôi tiến hành một cách tự nhiên, chẳng có thúc ép nào, chẳng có động cơ vụ lợi nào như một đôi ý kiến.

Tổ chức cho thí sinh viếng đài Tổ quốc ghi công, thăm hỏi, giao lưu, tặng quà tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, ngoài ý nghĩa xã hội từ thiện thông thường, chúng tôi còn muốn các em tiếp xúc trực tiếp với truyền thống, với lịch sử, hiểu rõ hơn những mất mát đau thương của thế hệ đi trước, từ đó nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm cộng đồng.

Còn tặng quà cho bệnh nhân ung thư cũng như ủng hộ kinh phí để xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng không phải là lựa chọn ngẫu nhiên. Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sắp đi vào hoạt động không chỉ là tâm huyết của lãnh đạo thành phố, mà còn là hi vọng của bệnh nhân căn bệnh nan y này trên suốt cả dải miền Trung.

Ai đó thấy phản cảm khi người đẹp mặc đẹp, nhưng suốt lịch sử các cuộc thi hoa hậu, gần như ở tất cả những nơi mà các hoa hậu, người đẹp đến giao lưu, thăm hỏi (cho dù ở hoàn cảnh nào), họ cũng đều muốn các cô trang phục đúng như danh hiệu, vị thế của mình. Và không phải chỉ một lần người ta thất vọng khi thấy họ ăn vận như người bình thường.

* Cảm ơn anh.

Theo Tiền phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link