Giảm tải bệnh viện- Phải đến 2015

27/03/2012 07:01 GMT+7 | Y tế

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như vậy tại phiên chất vấn tại UBTVQH sáng qua (26-3), sau khi nhiều ĐB cùng hỏi và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chất vấn, đề nghị làm rõ giải pháp, lộ trình giảm tải bệnh viện.


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Ảnh: Phan Sáng.

Bắt buộc cán bộ về cơ sở

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, số giường bệnh thấp, bình quân chỉ 20 giường/1 vạn dân, trong khi các nước trong khu vực cao gấp nhiều lần. Nhưng quá tải còn có nguyên nhân tâm lý, quá tải ảo do bệnh nhân không thích bệnh viện (BV) huyện, chạy thẳng lên BV tuyến T.Ư. “Đẻ thường cũng phải lên T.Ư mới yên tâm, trong khi trước đây thế hệ chúng tôi chỉ cần đến nhà hộ sinh”, bà Tiến nói.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nêu nghịch lý: “Trong khi BV công quá tải, BV tư lại thiếu bệnh nhân, phải chăng trong cơ chế còn nặng quan liêu bao cấp?”. Bộ trưởng Tiến cho rằng, hiện đã có nhiều ưu đãi BV tư, kể cả chính sách thuế, nhưng khó nhất là kỹ thuật chuyên môn, thương hiệu, chi phí khám chữa bệnh ở BV tư còn cao... nên nhiều người dân chưa yên tâm đến với các BV tư.

“Tại sao bệnh nhân đều muốn lên tuyến trên điều trị, có phải do năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới quá yếu kém hay không?”, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi. Bộ trưởng Y tế cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do tâm lý lên T.Ư mới yên tâm vì có bác sỹ giỏi, đầy đủ thiết bị. Ngoài ra, một số BV để xảy ra sự cố khiến bệnh nhân thêm lo ngại. Và thực tế ở cơ sở, nhiều nơi trang thiết bị, trình độ cán bộ còn hạn chế.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có hàng loạt giải pháp như: Đề án chống quá tải, trong đó tập trung xây dựng các BV vệ tinh đối với BV trung ương (BV ung bướu, BV chấn thương chỉnh hình, Bạch Mai…). Cùng đó, xúc tiến việc luân chuyển cán bộ y, bác sỹ giỏi về cơ sở để giảm tải BV tuyến trên, nhưng lại mắc khi phân công. Để giải bài toán này, Bộ đã trình Chính phủ Đề án quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội đối với cán bộ ngành y. “Sau khi ra trường, cán bộ phải về cơ sở công tác ít nhất hai năm mới được cấp bằng”, bà Tiến cho biết. Tới đây, Bộ sẽ phân tuyến theo năng lực kỹ thuật chứ không như hiện nay theo cấp hành chính (BV huyện mãi là BV huyện, dù có đủ năng lực điều trị những bệnh hiểm nghèo). Theo đó, bệnh viện huyện đủ điều kiện có thể được nâng cấp lên cấp tỉnh, bệnh viện tỉnh có thể thăng cấp đặc biệt.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chất vấn: “Bộ trưởng cho biết đến năm 2013, 2015 tình trạng quá tải bệnh viện có chuyển biến, cải thiện như thế nào? Bộ trưởng nói nguyên nhân có nhiều, vậy có giải pháp gì, có làm được không?”. Bộ trưởng Tiến cho biết, Bộ đã làm được 2 việc trong nội dung cải cách tài chính: Điều chỉnh viện phí (2014 tăng gấp đôi giá dịch vụ y tế); đang xây dựng Dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Còn về giảm tải, Bộ cố gắng phấn đấu để đầu 2013 BV K di dời 200-300 giường bệnh ra ngoài; BV Bạch Mai hoàn thành 2 tòa nhà khoa ung bướu, hô hấp. Bộ sẽ cố gắng bằng tất cả nguồn lực để giải quyết quá tải. Năm 2013 có thể bắt đầu giảm nhiệt ở những điểm nóng nhất. Để giải quyết được, phải có mặt bằng xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh của các BV Bạch Mai, Việt Đức, BV K... Nhưng các địa phương phải vào cuộc, khó khăn nhất vẫn là quỹ đất cho các BV hiện nay lấy kinh phí ở đâu để giải tỏa? “Như vậy, để giải quyết một cách cơ bản quá tải, phải ngoài 2015, còn trước mắt thì chỉ có thể giải quyết để giảm những điểm nóng bỏng nhất”, Bộ trưởng Tiến nói.

Cải thiện y đức - phải từ hai phía

Trả lời ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số ĐB xung quanh vấn đề y đức, Bộ trưởng Y tế cho rằng, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về đạo đức ngành y như Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Viên chức. Bộ Y tế còn ban hành 12 điều y đức, quy định về giao tiếp, chỉ thị tăng cường y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh...

Tuy nhiên, vi phạm không chỉ từ cán bộ y tế mà còn phụ thuộc bệnh nhân và người nhà của họ. “Tình trạng quá tải bệnh viện, không cung cấp đầy đủ dịch vụ chất lượng cao, khiến người bệnh và người thân trong gia đình cố gắng tiếp cận, đưa phong bì để được cán bộ y tế quan tâm hơn. Để khắc phục tệ nạn này, cần sự hợp tác và hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là người bệnh và gia đình”, bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng, cũng phải thông cảm với cán bộ y tế hiện nay “học nhiều nhưng ra trường mức lương khởi điểm chỉ bằng người học 4 năm, không có phụ cấp gì”. Do đó, cần xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm bậc đại học, chú trọng kiểm tra giám sát tại chỗ, xử lý nghiêm cán bộ y tế vi phạm.

Trả lời ĐB Hoàng Thị Nga (Nam Định) về vấn đề cấm sử dụng hóa chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi, nhưng ngành y đang sử dụng những hóa chất tương tự (để hỗ trợ chữa bệnh cho người) gây khó khăn cho quản lý, Bộ trưởng Tiến cho biết, ngành y tế đã ban hành qui định ngưỡng an toàn đối với sức khỏe, còn trên ngưỡng đó thì thuộc chức năng quản lý của ngành nông nghiệp.

Điều chỉnh viện phí vì người bệnh

Trả lời về việc điều chỉnh viện phí, Bộ trưởng Y tế cho rằng, việc điều chỉnh giá là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, nhất là người có bảo hiểm y tế. Qua đó, bệnh viện có kinh phí để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực cũng như dịch vụ, người bệnh thụ hưởng dịch vụ tốt hơn. Việc điều chỉnh cũng nhằm giảm bớt sự bao cấp tràn lan với người có khả năng chi trả viện phí; nhưng đồng thời không ảnh hưởng nhiều tới người nghèo, đối tượng chính sách. Về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Tiến cho biết: Theo quy định, các nhà thuốc chỉ được thu lãi tối đa 5-10%. Qua lấy ngẫu nhiên 30 loại thuốc bán ở BV Bạch Mai, hầu hết đều thấp hơn giá thuốc bán bên ngoài, chỉ 6 loại giá cao hơn khoảng 7%, nhưng vẫn trong khung lợi nhuận cho phép. Bộ cố gắng xử lý vi phạm, nhưng thanh tra rất mỏng, còn Thanh tra chuyên ngành lại không được quyền xử phạt. Vừa qua, Bộ Y tế được Chính phủ đồng ý cho áp dụng phương thức quản lý giá thuốc theo thặng số tối đa toàn chặng, tránh chi phí trung gian.

Theo Tiền phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link