(Thethaovanhoa.vn) - Với đêm nhạc Nhớ và quên diễn ra tối 14/1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhạc sĩ Phạm Tuyên không chỉ được "mừng tuổi" một cách đặc biệt mà ông cùng những sáng tác của mình trong chương trình này, một lần nữa, đã tặng nhiều thế hệ khán giả "một vé trở về tuổi thơ".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - chủ nhân đêm nhạc đã đến từ rất sớm. Đến để "nhận quà tặng" sinh nhật nên từ đầu buổi cho đến cuối buổi, việc bận rộn nhất của
nhạc sĩ Phạm Tuyên chính là đứng lên chụp hình cùng bạn bè, khán giả.
Với chương trình, nhạc sĩ Phạm Tuyên là một vị khán giả đặc biệt, ngồi xem chương trình trong tâm thế hồi hộp vì không được biết trước kịch bản.
Chính vì thế, chương trình đã gây được bất ngờ với ông từ đầu đến cuối đêm nhạc.
Hình ảnh đẹp của nhạc sĩ Phạm Tuyên ngồi đệm đàn cho con gái út Hồng Tuyến hát trên sân khấu
Ở tuổi 88, nhớ và quên sẽ là chuyện tự nhiên của tuổi tác, của sức khỏe. Nhạc sĩ Phạm Tuyên bây giờ cũng đã chân chậm, mắt kém. Nhưng trên khuôn mặt, ông luôn nở một nụ cười hiền hậu, nhẹ nhàng. Còn với âm nhạc, một người được gọi là viết sử bằng âm thanh như ông, câu chuyện của "nhớ và quên" diễn ra như thế nào?
Năm 1954 ông viết Tiến lên đoàn viên, năm 1956 ông viết
Chiếc đèn ông sao, rồi đến 1960:
Đảng đã cho ta một mùa Xuân, 1967:
Chiếc gậy Trường Sơn, 1969:
Từ làng sen, 1975:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, 1977:
Con kênh ta đào, 1979
Màu cờ tôi yêu, 1985: T
hành phố mười mùa hoa, 1993:
Nhớ và quên...
Mỗi dấu mốc của lịch sử, nhạc sĩ Phạm Tuyên đều có những tác phẩm để đời như thế. Nên dù người ta có thể quên ca khúc ấy ra đời vào năm tháng nào thì giai điệu và lời ca trong mỗi tác phẩm của ông cũng vẫn luôn được lưu giữ trong kí ức của nhiều thế hệ.
"Một vé trở về tuổi thơ" mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đem tới cho khán giả thực sự là đắt giá. Bởi nếu với những thế hệ lớn tuổi, tầm U50 như con gái ông, ít nhiều cũng đã trải qua "một thời đạn bom, một thời hòa bình", một thời mà như lời kể của chị Hồng Tuyến, thì "nhà tôi khi còn ở Đại La, tuy không trúng bom nhưng vì nhà khác bị bom đánh, "bay" hẳn sang nhà tôi, sạt mất nửa nhà" - họ đã được "tri giác lại" một lần nữa những kí ức một thời trong chủ đề đầu tiên của chương trình:
Những nốt nhạc theo dòng lịch sử.
Với thế hệ 7x, 8x, hầu như ai cũng đã có cả một tuổi thơ gắn liền với những ca khúc như
Chiếc đèn ông sao, Tiến lên đoàn viên, Nụ cười, Ở trường cô dạy em thế, Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình, Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở bản Đôn, Gặp nhau giữa trời Thu Hà Nội....
Dù vẫn có nhiều khán giả đến đêm nhạc
Nhớ và quên, mới "thốt lên": thì ra, những ca khúc quen thuộc này "hóa ra" là của nhạc sĩ Phạm Tuyên! Vì điều giá trị hơn cả là những lời ca, giai điệu của những ca khúc vẫn luôn "ẩn hiện" trong trí nhớ của mỗi người.
Chắc hẳn, những ai đã "trót" nhớ, dù chỉ một tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên từ thời còn thơ ấu, đều được sống lại một thời kí ức của mình trong đêm nhạc "Nhớ và quên" của ông tối 14/1.
Nhưng có lẽ thời cuộc đã khiến nhạc sĩ Phạm Tuyên được nhắc đến với nhiều tác phẩm dành cho lịch sử, dành cho tuổi thơ. Vì bên cạnh đó, ông còn có những ca khúc cũng không thể nào quên khi viết ra
Những nốt nhạc từ trái tim trong các ca khúc như
Khúc hát ru của người mẹ trẻ, Gửi nắng cho em, Lời ru của đêm, Giá em đừng yêu anh.... Đây thực sự là "góc khuất" vô cùng tinh tế, nhạy cảm, chan chứa yêu thương của ông.
Trong chủ đề âm nhạc:
Nhớ và quên,
nhà báo Lại Văn Sâm đã không ngại ngần nhắc đến câu chuyện về học giả Phạm Quỳnh - bố của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhắc đến tác phẩm
Gửi nắng cho em một thời đã bị cấm diễn theo "luật bất thành văn"... Có thể đó là những khoảng "lặng" trong cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng cũng từ đó, người ta thấy rõ hơn một tâm hồn trong sáng, bao dung và nhân ái của ông.
Thực sự, trong cuộc đời mỗi người, nhớ và quên là hai trạng thái sẽ trải qua lần lượt theo thời gian: chuyện mới xảy ra thì dễ nhớ, chuyện xảy ra lâu thì dễ quên. Nhưng nhớ hay quên đều là để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi chúng ta.
Và tôi tin là nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lựa chọn cho mình những "nhớ và quên" để sống tử tế, hồn hậu như ông đã và đang sống.
Nhớ và quên là một sinh nhật đáng nhớ của nhạc sĩ Phạm Tuyên mà món quà lớn ông nhận được trong đêm nhạc này, chính là tình cảm của hàng ngàn khán giả tại Trung tâm hội nghị quốc gia.
"Đêm nhạc là lời tri ân của tôi đối với khán giả đã dành tình cảm cho những sáng tác của tôi trong suốt 60 năm qua. Có được sự đồng cảm của khán giả trong những sáng tác của mình, với tôi, đó là món quà lớn nhất" - nhạc sĩ Phạm Tuyên bày tỏ.
Một số hình ảnh trong đêm nhạc: