08/12/2008 11:04 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Trang web “Góc Văn hóa Trung Quốc” mới đây cho biết Thiếu Lâm Tự hiện đã lập tới 29 cơ sở ở trong và ngoài nước. Ngoài việc xây những cơ sở mới, giữa tháng 11 vừa rồi Thiếu Lâm Tự còn “tiếp quản” 4 ngôi chùa cổ ở Vân Nam theo một “hợp đồng ủy thác” kéo dài 20 năm. Việc Thiếu Lâm Tự “bành trướng” nhanh chóng như vậy càng khiến nhiều học giả Trung Quốc lo ngại trước xu hướng “thương mại hóa văn hóa Phật giáo”.
Thiếu Lâm Tự ở núi Thiếu Thất phía tây thành phố Đăng Phong tỉnh Hà Nam. Chùa được xây dựng thời Bắc Ngụy năm 495, do Chùa (Tự) xây dựng trong khu rừng núi Thiếu Thất, nên có tên gọi là “Thiếu Lâm Tự”. Tại đây về sau các sư mở trường dạy võ rèn luyện thân thể. Ngay thời kỳ đầu chùa tập trung tới 120 sư sãi cùng học viên, ở thời nhà Đường lúc đông nhất có tới trên 2.000 người tới học kinh Phật và võ thuật. Thiếu Lâm Tự dần dần trở thành một võ phái trong làng võ Trung Quốc với 36 môn võ quyền và 18 binh khí các loại. Chùa còn có những giai đoạn đặc biệt phát triển trong thời nhà Minh và nhà Thanh.
Trang web “Góc Văn hóa Trung Quốc” mới đây cho biết Thiếu Lâm Tự hiện có tới 29 cơ sở ở trong và ngoài nước, trong đó có tới 26 cơ sở mới được xây dựng thêm trong thời 10 năm qua, trên cơ sở 3 khu chùa cũ đã có ở Hà Nam và Phúc Kiến. Không ít học giả coi sự phát triển quá nhanh này là biểu hiện cho thấy Thiếu Lâm Tự là một dẫn chứng cho việc “văn hóa Phật giáo đang bị thương mại hóa”.
Trước sự phê phán của dư luận, ngày 25/11/08, sư Thích Vĩnh Tín (47 tuổi), người trụ trì Thiếu Lâm Tự nói với các nhà báo rằng ông “không hề thương mại hóa Thiếu Lâm Tự”. Việc xây dựng thêm 26 cơ sở - chủ yếu được huy động vốn từ các nguồn như tiền tài trợ của các nhà hảo tâm, tiền quyên góp của các phật tử - chỉ là nhằm truyền bá văn hóa phật giáo của Thiếu Lâm Tự. Sư Thích Vĩnh Tín cho biết Thiếu Lâm Tự tiếp nhận việc quản lý 4 ngôi chùa cổ ở Vân Nam theo một hợp đồng ủy thác 20 năm là nhằm làm sống dậy những ngôi chùa này thông qua việc biến chúng thành những “trung tâm văn hóa, võ thuật, giáo dục, từ thiện và thiền phật” theo kiểu Thiếu Lâm Tự. Sư Thích Vĩnh Tín giải thích Thiếu Lâm Tự tiếp quản các chùa này vì Vân Nam là bản lề giao lưu văn hóa với Phật giáo khu vực Đông Nam Á, trong khi ấy Thiếu Lâm Tự muốn trở thành cầu nối về giao lưu văn hóa Phật giáo giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Thanh minh của nhà sư không có sức thuyết phục, vì nếu chỉ để giao lưu văn hóa thì cần gì tới phải có các khu thương mại liên hoàn đi kèm với các chùa và cần gì phải “bành trướng” Thiếu Lâm Tự ra khắp đất nước như vậy. Trong cuộc hội thảo vừa qua về Phật giáo trong toàn cầu hóa, một học giả cho rằng: “Việc bành trướng vừa qua của Thiếu Lâm Tự chẳng những thể hiện một hình thức kiếm tiền, mà còn phản ánh thực trạng là văn hóa Phật giáo bị thương mại hóa trong xu thế toàn cầu hóa, nhất là trong môi trường xã hội hiện nay thương mại được đặt lên vị trí hàng đầu.”
Cần có nền văn hóa Phật giáo thực sự trong sạch
Một số học giả khác cho rằng nếu không thương mại hóa thì chỉ riêng vé vào cửa thăm quan cũng đủ cho các nhà sư chi tiêu và yên tâm tụng kinh tu hành, làm điều thiện cho chúng sinh. Những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy văn hóa Phật giáo và chùa chiền có nguy cơ mất dần chức năng đạo giáo, cao thượng, thanh đạm, rốt cuộc trở thành một thực thể thế tục tầm thường.
Đầu năm nay thậm chí có tin đồn Thiếu Lâm Tự sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán, khiến sư chủ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín ra sức bác bỏ. Bản thân vị sư này, nguyên là sinh viên quản lý kinh doanh, thường xưng mình là CEO (Giám đốc điều hành) của Thiếu Lâm Tự. Khi bị một số báo chỉ trích, sư Thích Vĩnh Tín mới giải thích rằng ông xưng mình bằng CEO chỉ là để tạo thuận lợi trong việc giao lưu với người nước ngoài, vì rất khó giải thích cho họ hiểu được từ "trụ trì” có nghĩa là gì.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất