04/05/2017 15:47 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Việc võ sự MMA Từ Hiều Đông thách đấu với ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan đang gây xôn xao. Việc Chân Tử Đan có nhận lời thách đấu hay không và chiến bại thế nào chưa biết song một lần nữa chuyện này khiến người ta nhớ đến các nhân vật thách đấu với những người hùng võ thuật Trung Quốc đã thất bại thảm hại như thế nào với những câu chuyện được kể lại trong nhiều bộ phim.
Nhưng người ta cũng nhớ đến cả chuyện Chùa Thiếu Lâm từng gây tranh cãi ra sao khi ngôi chùa này đã lao vào công cuộc thương mại hóa với nhiều dự án vượt ra ngoài võ thuật.
Chùa Thiếu Lâm tọa lạc tại Tung Sơn, thị xã Đăng Phong, Hà Nam, Trung Quốc, được xây dựng vào năm 497. Ngôi chùa nổi tiếng nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật.
Chùa Thiếu Lâm với võ phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc các phái võ Trung Quốc hiện nay và có câu thành ngữ nói về điều đó: "Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm" (Mọi công phu võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm).
Nhưng nhiều năm trở lại đây, Chùa Thiếu Lâm không chỉ còn là một thiết chế tôn giáo mà đã “bung ra” trở thành một nền kinh doanh với những dự án liên danh bao gồm võ thuật, công nghiệp chè, du lịch và sản xuất phim.
Có thể nói rằng giờ Thiếu Lâm đã trở thành một thương hiệu trị giá nhiều triệu USD, chứ không đơn thuần là một ngôi chùa truyền thống, một “lò võ” từng đào tạo ra nhiều võ sư và ngôi sao điện ảnh nổi tiếng như Lý Liên Kiệt...
Khi nói đến dự án xây dựng khách sạn 4 sao và sân golf 27 lỗ ở Australia, được gọi là “Làng Thiếu Lâm”, nhà sư Thích Vĩnh Tín, trụ trì Chùa Thiếu Lâm, giải thích rằng việc thiết lập một chi nhánh của Thiếu Lâm Tự bên ngoài Trung Quốc, sẽ có lợi cho việc truyền bá văn hóa Thiếu Lâm và danh tiếng của ngôi chùa này ở hải ngoại.
Theo tinh thần toàn cầu hóa, văn hóa Phật giáo Trung Quốc nên được quảng bá rộng rãi ở hải ngoại và đóng góp nhiều hơn vào việc đa dạng hóa văn hóa thế giới.
Võ thuật Trung Quốc, mà đại diện là võ Thiếu Lâm, đang nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, có cần thiết sáng lập một chi nhánh ở nước ngoài để xuất khẩu văn hóa Thiếu Lâm?
Dự án này lập tức đã gây tranh cãi, nhiều người cho rằng phí quá nhiều tiền khi mức đầu tư cho dự án lên tới 1,76 tỷ NDT (283 triệu USD), trong đó gồm cả tiền công đức của các Phật tử dâng cho nhà chùa.
Các Phật tử cảm thấy ra sao khi biết rằng tiền công đức của họ bị lấy để xây dựng một chi nhánh ở Australia? Chùa Thiếu Lâm dùng số tiền ấy để cải thiện cuộc sống của người dân địa phương sẽ tốt hơn là thiết lập một chi nhánh ở đất nước khác.
Nhiều nhà phê bình đã thẳng thắn chỉ trích, dự án “thương mại quá mức” mâu thuẫn với hình của của Chùa Thiếu Lâm khi đây vốn là một tu viện linh thiêng và trang nghiêm, nơi đào tạo các nhà sư chiến binh và là chiếc nôi của võ thuật.
Trong khi đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã có phản ứng một cách tiêu cực.
“Nhiều tổ chức tôn giáo ở khắp nơi đã xây bệnh viện, trường học và thiết lập các thiết chế phúc lợi, nhưng chúng ta là một ngoại lệ” – người có biệt danh là MoMoXiangQian viết trên trang Weibo.
Một cư dân mạng khác là “Super Zhang Peng” viết: “Chùa Thiếu Lâm giờ hoạt động như một công ty, một tập đoàn kinh doanh mà mục đích chính là lợi nhuận”.
Việc mở rộng chi nhánh ở Australia của Chùa Thiếu Lâm lại là một sự kiện nữa khiến công chúng Trung Quốc tức giận và bất bình kể từ khi nhà sư Thích Vĩnh Tín trở thành trụ trì từ năm 1999.
Nhà sư này đã xúc tiến nhiều dự án thương mại, trong đó gồm cả các tour trình diễn võ thuật trên khắp thế giới, các dự án liên danh sản xuất phim võ thuật và thiết lập các trường dạy võ Thiếu Lâm ở nước ngoài.
Hồi năm 2009, nhà sư Thích Vĩnh Tín còn định quyên góp 1 tỷ NDT để đưa Chùa Thiếu Lâm lên sàn chứng khoán nhưng đã buộc phải từ bỏ kế hoạch này do bị chỉ trích gay gắt.
Tuy nhiên, nhà sư Thích Vĩnh Tín vẫn bảo vệ các quyết định của mình và khăng khăng rằng chiến lược kinh doanh này là nhằm mục đích quản lý tốt hơn tài sản của Chùa Thiếu lâm và các hoạt động hàng ngày.
“Thương mại hóa đúng hay sai phụ thuộc vào việc liệu chúng có lợi cho việc phát triển và quảng bá Phật giáo của ngôi chùa hay không, bởi vậy xúc tiến các hoạt động thương mại không chỉ quảng bá Phật giáo mà còn giải quyết được nhu cầu bảo tồn ngôi chùa. Vậy tại sao không làm?” – nhà sư Thích Vĩnh Tín nói.
Song nhiều người cho rằng nếu muốn quảng bá văn hóa tôn giáo cổ ở hải ngoại, thì Chùa Thiếu Lâm có thể tuyển mộ các đệ tử nước ngoài hoặc cũng có thể cử các nhà sư của chùa đi trình diễn võ thuật và phổ biến văn hóa của Thiếu Lâm Tự ở hải ngoai. Còn việc xúc tiến các dự án bất động sản và du lịch với danh nghĩa quảng bá tôn giáo và văn hóa là điều hoàn toàn không phù hợp.
Doanh thu của Thiếu lâm Tự chủ yếu từ tiền vé vào chùa, học phí từ các ngôi trường võ thuật ở Trung Quốc và hải ngoại và các tour diễn võ thuật trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ngôi chùa này chưa bao giờ công khai tài chính.
Tuấn Vĩ
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất