21/11/2014 15:46 GMT+7 | Thế giới
Ngày 21/11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Năng suất lao động của Việt Nam: Thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng” với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...
Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo cho biết nghiên cứu này nằm trong dự án “Cải thiện chính sách việc làm, tái cơ cấu và ổn định kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng bao trùm, hiệu quả và bền vững cho Việt Nam”.
Nhóm các nhà khoa học bước đầu nghiên cứu, phân tích hiệu quả năng suất lao động ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2012 và tìm ra các yếu tố xác định hiệu quả này. Những phát hiện của nghiên cứu sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các lựa chọn chính sách theo hướng nâng cao hiệu quả năng suất lao động, và cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong một nghiên cứu gần đây do Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với thực tế là tăng trưởng kinh tế bị chậm lại trong thời gian gần đây, nền kinh tế của Việt Nam dường như đang hội tụ về trạng thái dừng. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới khác như tỷ lệ đầu tư trên GDP giảm đáng kể, đối mặt với dân số già từ năm 2007… Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần chuyển từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất. Trung tâm của mô hình này là cải thiện năng suất lao động.
Trong khu vực, có tín hiệu rõ ràng rằng nhóm các nước có năng suất lao động thấp đang dần bắt kịp các nước khác. Nhờ những cơ hội lớn về đô thị hóa và công nghiệp hóa chưa được khai thác hết, các quốc gia kém phát triển hơn có nhiều cơ hội để tăng năng suất lao động. Việt Nam có tỷ lệ tăng năng suất lao động cao nhất trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 1994-2012.
Các yếu tố tác động đến năng suất lao động gồm ba thành phần tác động nội ngành, tác động do thay đổi cơ cấu và tác động tương tác. Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu dựa vào cải thiện năng suất lao động nội ngành trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Khu vực chính thức có thể chia thành năm ngành chính là nông nghiệp, xây dựng, sản xuất, khai thác mỏ và điện, và dịch vụ; trong đó sản xuất và dịch vụ đóng vai trò quan trọng nhất. Khoảng cách tiền lương giữa các khu vực nhỏ hơn rất nhiều so với khoảng cách năng suất. Điều này cho thấy sự đóng góp quan trọng của các đầu vào sản xuất khác bao gồm cả vốn và công nghệ trong năng suất lao động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể cải thiện năng suất lao động tổng hợp dựa vào tác động do thay đổi cơ cấu nhờ có tỷ lệ lao động cao trong ngành nông nghiệp….
Theo tiến sĩ La Hải Anh, Trung tâm phân tích và dự báo, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động trên cơ sở phương pháp luận và dữ liệu thì ngầm định chính sách ở đây từ ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và người lao động. Cấp độ quốc gia là vai trò của Nhà nước ở chính sách về cơ sở hạ tầng và chính sách cụm công nghiệp. Cấp độ doanh nghiệp nằm ở chất lượng quản lý, đầu tư nghiên cứu phát triển và đào tạo.
Các đại biểu cho rằng còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn liên quan đến tăng năng suất lao động như nguồn nhân lực, liên kết giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, vấn đề quản lý nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế…
Minh Nguyệt - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất