"Tạo âm" Đông Sơn (kỳ 3): Sau trống luôn là chiêng

07/11/2024 06:57 GMT+7 | Văn hoá

Trong ngôn ngữ Việt thì "trống chiêng" là một liên từ ám chỉ sự rộn ràng của âm vang lễ hội, cũng như sau này gắn với cặp từ "kèn trống". Kỳ này, tôi xin kể thêm về trống Đông Sơn và tiếp nối đến "chiêng" Đông Sơn. Đây là sự tiếp nối rất tự nhiên và logic mà cư dân Đông Sơn đang nắm giữ những bằng chứng sinh động nhất của cuộc tiếp nối này.

1. Trước hết, tôi muốn thỏa mãn một số câu hỏi đặt ra của một vài độc giả sau khi đọc kỳ trước với nhan đề "Bắt đầu với bộ gõ - trống đồng" nói về sự kết hợp với trống da tạo thành "dàn" trống Đông Sơn ra sao.

Xin nhắc lại một lần nữa là những bài viết về Đông Sơn của tôi hoàn toàn xuất phát và dựa trên những chứng cứ khảo cổ và dân tộc học so sánh. Vì vậy, khi nói đến sự có mặt của trống da hiện tại, tôi có những bằng chứng sau:

"Tạo âm" Đông Sơn (kỳ 3): Sau trống luôn là chiêng - Ảnh 1.

Một cán dao găm chứa cả một dàn nhạc Đông Sơn với trung tâm là một chiếc trống da. Sưu tập tư nhân ở TP.HCM

Thứ nhất, đó là ba khối tượng Đông Sơn mô tả hình trống da treo ngang và người đánh trống cầm dùi bên cạnh.

Chiếc thứ nhất là trên khối tượng dàn nhạc Đông Sơn phát hiện ở Làng Vực (Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Khối tượng gồm 8 người đứng trên một bục hình vuông mỗi chiều rộng khoảng 7 cm, cao 3cm, ở giữa là một người đánh trống da, 3 góc là người thổi khèn và sáo, còn lại 4 người chống nạnh hát. Chiếc trống da ở giữa rất giống trống trường hiện nay, tạo dáng thành hình quả trám cụt hai đầu, nơi đó bịt da tạo mặt trống. Trống cắm trên một cột, phía trên có móc để treo cả khối tượng lên. Kiểu trống này rất dễ nhận ra ở giữa các thuyền chiến khắc trên tang các trống Đông Sơn.

Trống da thứ hai cũng ở vị trí tương đối giống với khối bục mô tả ở trên, nhưng trong khuôn khổ hẹp hơn hình bầu dục (6,5cm x 3cm), là phần đốc tay cầm của một cán dao găm. Ở đó, có 4 người đứng vây xung quanh, một người dắt chó. Trống đặt ở bên trong cùng với người đánh trống. Trống da trong khối tượng này cùng kiểu với trống đã kể trên khối tượng Làng Vực.

"Tạo âm" Đông Sơn (kỳ 3): Sau trống luôn là chiêng - Ảnh 2.

Ngôi nhà Đông Sơn với dàn hai trống đồng ở ngoài và một trống da ở phía trong, dưới chân cột chính (sưu tập CQK, California, Mỹ)

Chiếc trống da thứ ba tôi phát hiện bên trong ngôi nhà Đông Sơn thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ). Như đã mô tả nhiều lần thì phía sàn đầu nhà được gác dàn dành cho 2 trống đồng dựng đứng và 2 người ngồi trên dàn tre đánh trống. Khuất bên trong mái nhà, dưới chân cột chính, nơi bên trên có 1 con chim cú mèo, có treo 1 chiếc trống da lớn nằm ngang. Đối diện là một người ngồi đang vung dùi đánh trống. Dàn nhạc gồm 2 trống đồng và 1 trống da cử lên để phục vụ nhóm 4 người đang ngồi quây bên một vò rượu, 1 người trong số đó đang dùng muôi hình quả bầu múc rượu dâng cho người ngồi bên cạnh…

Sự phối hợp giữa trống đồng và trống da không phải chỉ đơn giản là làm tăng độ to vang của âm thanh mà dường như có một sự phân hòa nhịp điệu nào đó. Chúng ta hãy ngắm nhìn những vũ công đang bước theo nhịp nhạc trống đó, cùng nhịp nhún nhảy của đàn hươu, nhịp nâng cánh nhấc chân của chim và những chiều quay đầu, cổ của chúng rõ ràng phản ánh một giai điệu hòa âm phối khí nào đó đã ngấm vào tâm linh và bàn tay nghệ nhân Đông Sơn.

"Tạo âm" Đông Sơn (kỳ 3): Sau trống luôn là chiêng - Ảnh 3.

Dàn nhạc Đông Sơn với chiếc trống da đánh cầm nhịp ở trung tâm, xung quanh là những nhạc công thổi khèn, sáo, tiêu và dàn đồng ca chống nạnh hát (Sưu tập Phạm Lan Hương, Pháp). Tôi đã gặp được người phát hiện đầu tiên hiện vật này và dẫn tôi đến tận nơi là một vườn nhà dân ở Làng Vực, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Và… tôi đã bắt gặp trường hợp hiếm hoi trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, khi mà thống kê 14 dàn trống được nghệ nhân Đông Sơn khắc đúc trên mặt 5 trống đồng (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Guimet và Khai Hóa) và 2 thạp đồng (Hợp Minh, Việt Trì) , chỉ mới thấy có duy nhất một dàn có người đứng giã trống hướng mặt về phía trung tâm nhà sàn đang hành lễ, quay ngược lưng với những người còn lại đều ở tư thế ngồi giã trống. Hiện tượng này cho thấy sự phân nhịp có thể đã hình thành và dàn âm từ các trống đã giã theo một giai điệu nào đó. Sự hòa âm lấy bộ gõ làm nhịp chuẩn còn được thể hiện khi dàn nhạc Đông Sơn phối với bộ hơi (khèn và sáo, tiêu).

2. Bước chuyển sang chiêng, tức một bộ gõ đơn giản, nhẹ và cơ động hơn so với trống đồng, bắt nguồn từ việc đánh trống theo tư thế nằm ngang, như cách người Shan và người Lô Lô hiện đang thực hành. Thời Đông Sơn, nhóm Tây Âu với hệ trống lùn trang trí mặt trống đơn giản so với trang trí thân trống cầu kỳ, phức tạp, được cho là những người đã treo trống nằm ngang để đánh.

Trong nhiều trường hợp chúng ta bắt gặp những đồ đựng thuộc truyền thống văn hóa Đông Sơn Tây Âu đúc mặt gõ (với tâm là hình mặt trời nhiều tia và các vành trang trí xung quanh) trên phần đáy các dụng cụ đun nấu và đựng thức ăn. Điển hình nhất là bộ trống dạng chậu thường thấy trong giai đoạn Đông Sơn Giao Chỉ. Đáy của loại trống chậu này được trang trí dày đặc bên ngoài với các vòng trang trí như trên mặt trống đồng và thường có hình hai con cá đúc đường chỉ nổi ở lòng đáy phía bên trong. Trên phần thân chậu cũng có một vành lớn phủ hình người hóa trang theo kiểu văn cờ Đông Sơn muộn.

"Tạo âm" Đông Sơn (kỳ 3): Sau trống luôn là chiêng - Ảnh 4.

Thạp Đào Thịnh với chiếc nắp lớn đúc cong hình cầu rất phù hợp với chức năng một chiếc chiêng. Một số hiện vật tương tự có quai để treo nghiêng, gõ như chiêng (Hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam)

Đáng chú ý là một số trống đã đặt mặt hổ phù có móc quai tròn quay ngược so với chiều ngửa của chậu đựng thức ăn mà xuôi theo chiều mặt trống lên trên, như để khẳng định chức năng nhạc cụ hơn là đồ đựng thức ăn.

Trường hợp một âu đựng thức ăn phát hiện trong mộ quý tộc Nam Việt, Âu Lạc tại La Bạc Loan (Quảng Tây, Trung Quốc) có mặt gõ như mặt trống Đông Sơn ở dưới đáy cho thấy niên đại xuất hiện muộn nhất của dạng đồ đựng, phục vụ ăn uống dùng làm nhạc cụ gõ ở thế kỷ 2 - 3 trước Công nguyên. Âu này khá thấp, khiến nó rất gần với một chiếc chiêng hay thanh la. Niên đại của việc chế dụng cụ đồ nấu nướng hay đồ đựng thức ăn có thêm chức năng bộ gõ thể hiện ở những hình mặt trời nhiều cánh ở giữa đáy trên các nồi dáng trống phát hiện ở Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc có thể đẩy niên đại tới thế kỷ 4 - 5 trước Công nguyên.

3. Với kiểu đánh úp mặt hoặc ôm gõ ngang những dụng cụ ăn uống đồng thau Đông Sơn thì sự tiến đến sử dụng những dụng cụ gõ dạng "chiêng" đã mở ra trước mắt. Tôi đã may mắn bắt gặp một tiêu bản "chiêng" Đông Sơn thực thụ trong khi chỉnh lý sưu tập CQK ở California. Đó là một đĩa đồng điển hình của thời Đông Sơn Giao Chỉ rộng 27cm, cao 5cm, phía ngoài đáy đĩa trang trí như mặt một chậu trống với hình mặt trời nhiều cánh ở giữa, vòng chim bay ngược chiều kim đồng hồ và vành biến điệu người hóa trang lông chim. Trên thành đĩa, mặt hổ phù và núm có lỗ để treo móc tròn quay lên theo hướng úp mặt đĩa xuống dưới mà ngửa phần đáy phủ hoa văn hình mặt trống lên trên.

"Tạo âm" Đông Sơn (kỳ 3): Sau trống luôn là chiêng - Ảnh 6.

Một trống chậu tiêu biểu thời Đông Sơn Giao Chỉ. Bên trong lòng sâu chừng 12-15cm dùng để chứa thức ăn, đáy có hình đôi cá. Sưu tập CQK (California, Mỹ). Một dạng đĩa giống như vậy, nhưng chỉ thấp 5 cm là tiền đề tạo ra những chiếc chiêng thực sự thời Đại Việt sớm

 Phát hiện trên giúp tôi khẳng định sự xuất hiện của loại hình "chiêng" trong bộ gõ Đông Sơn và hiểu sự tiến triển của chúng thành những chiếc chiêng Đại Việt sớm thường đồng hành với những chiếc "trống Mường" trong các ngôi mộ Lý - Trần. Phát hiện này còn giúp tôi ủng hộ những ý kiến trước đây cho rằng những hình khắc người cầm một vật hình tròn trong các kho thóc trên trống đồng Đông Sơn là người đánh chiêng.

"Sự phối hợp giữa trống đồng và trống da không phải chỉ đơn giản là làm tăng độ to vang của âm thanh mà dường như có một sự phân hòa nhịp điệu nào đó" - TS Nguyễn Việt.

                                                                    (Còn nữa)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link