Tạo âm Đông Sơn (kỳ 6): Điệu khèn từ ngàn xưa

28/11/2024 07:04 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta đã có 5 tuần thưởng thức âm thanh Đông Sơn phát ra từ những bộ trống, chiêng, chuông, lục lạc… từ âm vang lễ hội đến rúc rích rủ rỉ cầu khấn thần linh. Và hôm nay, chúng ta bắt đầu với những phương pháp tạo âm bằng hơi thổi, chủ yếu của người qua đường miệng, mũi…

1. Như đã nói ở phần đầu loạt bài "Tạo âm Đông Sơn", phần âm thanh phát ra tự nhiên từ cuống họng người dưới dạng hò, hú, la, hét… đến đỉnh cao là giọng ca theo giai điệu được coi như những thành tố nguyên thủy nhất của bộ hơi tạo âm mà con người đã tạo ra sớm nhất. Thậm chí ngày nay, những dàn hợp xướng lớn chỉ sử dụng âm vực miệng mũi của con người cũng có thể đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.

Nguyên lý của tạo âm bộ hơi con người là cách điều tiết hơi từ lồng ngực qua khe thanh khí và vòm họng, vòm mũi để biểu đạt âm thanh mong đợi.

Bên cạnh "bộ hơi" bẩm sinh đó, con người quan sát hiện tượng âm thanh phát ra từ các luồng khí thổi, hút qua các ống cây và khe hẹp để thử nghiệm cho mình những dụng cụ tạo âm bằng hơi thổi đầu tiên.

Chiếc "sáo" sớm nhất hiện biết được khảo cổ học phát hiện ra đời khoảng 40 ngàn năm trước, từ một đoạn xương ống động vật. Lỗ thổi và lỗ điều hơi đã xuất hiện. Điều này chứng tỏ cây sáo xương thời đại đá cũ đã không chỉ phát ra tiếng huýt mà còn có thể tạo âm trầm bổng và theo  nhịp điệu - dấu hiệu tiến bộ của nghệ thuật tạo âm nguyên thủy.

Tạo âm Đông Sơn (kỳ 6): Điệu khèn từ ngàn xưa - Ảnh 1.

Ảnh bên trái: Hình trên thân trống Tây Âu trong sưu tập Mai Xuân Trường (Hà Nội): Nhạc công thổi khèn ngồi ở phía sau lưng con voi. Trước mặt anh ta là thầy cúng cầm quạt múa và người quản tượng cầm giáo chọc đầu voi. Cạnh đó, dưới đất, đi sau cùng là chiến binh cầm giáo đội ngửa trống đồng. Chiếc khèn nhạc công thổi rất giống chiếc khèn bằng đồng khai quật trong mộ Đông Sơn Tây Âu thuộc văn hóa Điền (Vân Nam - Trung Quốc) - ảnh bên phải

Nhưng có lẽ tiến bộ nhất trong nghệ thuật tạo âm bằng bộ hơi nguyên thủy là việc chế ra những "lưỡi gà" - một phiến mỏng có thể rung khi hơi đi qua.

Hình thức đơn giản và cổ xưa nhất chắc hẳn là những chiếc lá như cách tạo "kèn môi" của trai gái miền núi hiện nay, trong đó chàng trai người Mông đạt đỉnh cao bằng những kèn môi gọi bạn gái! Thật khó tìm bằng chứng khảo cổ học cho dạng nhạc cụ bộ hơi nguyên thủy này.

Liệu phiến đồng hình tròn đường kính khoảng 4cm mỏng như chiếc lá phát hiện trong cuộc khai quật khu mộ táng Quỳ Chử (Hoàng Qùy, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) năm 1978 liên quan đến "kèn môi" Đông Sơn chăng? Không loại trừ khả năng đó, bởi người Đông Sơn để lại cho chúng ta rất nhiều bằng chứng sinh động về việc sử dụng khèn trong các lễ hội và hoạt động ca xướng của mình.

2. Năm 2022, trong khi làm ruộng, người dân vùng trũng Duy Tiên (Hà Nam) phát hiện một số quan tài thân cây khoét rỗng. Trong đó, ngoài đồ đồng Đông Sơn quen thuộc còn khá nhiều đồ gỗ sơn mài, đặc biệt là một số hiện vật bằng vỏ quả bầu khoét chiếc gáo múc. Đáng chú ý là phía cuống tay cầm của gáo bầu được khoét lỗ tròn to bằng đầu đũa, nơi có thể đặt vừa một đầu "kén thổi" như những chiếc kèn đám ma nhiều vùng nông thôn, miền núi hiện nay vẫn còn sử dụng. Liệu chăng miệng muôi múc khoét hình trái tim ở phần thân bầu nở nhất là chỗ thoát âm?

Không thấy bất kỳ ống khèn nào, điều này chứng tỏ đây không phải là một chiếc khèn như những chiếc đã thấy nguyên trạng ở vùng văn hóa Điền nước láng giềng đương thời. Tuy nhiên, nếu thực sự có một "kén thổi" ở đó thì chiếc muôi múc này vẫn có thể phát ra âm thanh réo rắt - mà khoang bầu chính là "vòm phát âm" cho nhạc cụ.

Tôi đã từng thấy một số "muôi" đồng Đông Sơn có lỗ ở chuôi đốc như vậy, nhưng thường nghiêng về dụng cụ "tỵ ẩm" - tức dụng cụ uống bằng mũi, như đã từng được truyền thuyết ghi lại từ thế kỷ 13 -14.

Tạo âm Đông Sơn (kỳ 6): Điệu khèn từ ngàn xưa - Ảnh 2.

Chiếc muôi đồng Đông Sơn trong mộ Việt Khê được nghệ nhân đặt một khối tượng nhỏ một người ngồi vắt vẻo trên chiếc cán xoắn ốc rất cầu kỳ, đang say mê thổi khèn - loại khèn bầu với một bó ống điều âm cắm chổng lên trên. Hai tay nhạc công ôm bầu khèn như thể đang lướt trên các lỗ phím theo giai điệu Đông Sơn nào đó

3. Để minh họa khèn khảo cổ, tôi mượn hình bên trên là một chiếc khèn phát hiện ở vùng phân bố văn hóa Đông Sơn Tây Âu lệ thuộc Điền hiện thuộc đất Vân Nam (Trung Quốc), trước khi giới thiệu những hình tượng người Đông Sơn sử dụng khèn được đúc, khắc trên các đồ đồng Đông Sơn.

Trên đồ đồng Đông Sơn, hình những nhạc công ôm khèn thổi bên thầy cúng hay trong đoàn vũ công, dâng lễ... đều rất rõ ràng và sinh động. Nghệ nhân luôn thể hiện dụng cụ tạo âm này bằng hình chiếc bầu tròn lớn, trên đó có những ống dạng que cắm vào. Người thổi ngậm miệng vào một đầu que riêng biệt nhú ra từ thân bầu. Hiện vật khèn đồng cho thấy những lỗ điều tiết trầm bổng trên thân một số ống tre, tương tự cây khèn hiện đại. Dường như khèn xuất hiện ở mọi lễ hội và diễn xướng Đông Sơn. Số tiêu bản tôi thu gom được làm tư liệu hiện có tới trên 30 chiếc.

Đầu tiên tôi muốn giới thiệu hình ảnh người thổi khèn trong nhóm cúng lễ trên lưng voi ở thân một chiếc trống đồng thuộc sưu tập Mai Xuân Trường (Hà Nội). Đây là một ô thân trống được nghệ nhân Đông Sơn trình diễn cảnh nghi lễ shaman (thầy cúng) rất điển hình. Trên mặt đất là hình một con voi lớn, cạnh đó có một người đội trống đồng, tay cầm giáo. Trên lưng voi là hình 3 người: Quản tượng cầm giáo ngồi trên đầu voi, thầy cúng cầm quạt múa ở giữa và nhạc công thổi khèn ngồi sau cùng phía đuôi voi.

Người thổi khèn trên lưng voi không phải là quá lạ trong nghệ thuật Đông Sơn, khi tôi cũng đang sở hữu một chiếc rìu chiến trên một bản rìu trang trí hai con voi, con đi trước dẫn đường chỉ có quản tượng trong khi con đi sau đủ bộ ba như trên thân trống kể trên: quản tượng, thầy cúng và người thổi khèn.

Chiếc khèn được thể hiện khá chi tiết bầu khèn với những lỗ cắm các ống thoát hơi. Nhạc công ngậm miệng ở một ống tách ra từ thân cán của bầu trong khi hai tay ôm bầu khèn như để dùng ngón tay điều khiển nhạc điệu.

Tượng người thổi khèn rõ nhất trong sưu tập tôi đang có chính là khối tượng ngồi trên cán muôi đồng trong mộ Việt Khê. Khối tượng tuy nhỏ nhưng được đúc rất tinh xảo, thể hiện một nhạc công nam đầu đội khăn hất thành búi ra phía sau, đang say mê thổi với chiếc khèn của mình. Nhạc công ngồi bệt vắt vẻo trên cán tre cong xoắn, tạo thành một chiếc cán muôi với gầu múc hình ống tre, tạo hình rất đẹp.

Do khuôn khổ trang báo, tôi phải tạm dừng buổi "rì rầm" hôm nay ở đây trước khi kể tiếp về sự xuất hiện khèn Đông Sơn trong những khung cảnh diễn xướng Đông Sơn rất tôn nghiêm, phong phú và đa dạng, cùng với những nhạc cụ bộ gõ và bộ hơi khác, tạo nên một dàn hòa âm kỳ thú đậm chất Văn Lang - Âu Lạc cách chúng ta trên 2.000 năm trước.  

"Hình thức đơn giản và cổ xưa nhất chắc hẳn là những chiếc lá như cách tạo "kèn môi" của trai gái miền núi hiện nay, trong đó chàng trai người Mông đạt đỉnh cao bằng những kèn môi gọi bạn gái! Thật khó tìm bằng chứng khảo cổ học cho dạng nhạc cụ bộ hơi nguyên thủy này" - TS Nguyễn Việt.

                                                                                                (Còn nữa)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link