"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 5): Hương trầm Đông Sơn và ngạo nghễ chim công

17/10/2024 07:29 GMT+7 | Văn hoá

Gần như tuyệt đại bộ phận các lồng đốt trầm Đông Sơn đều tạo làn khói thơm bện vờn quanh một tượng chim công trên đỉnh chóp của lồng ấp. Dường như mùi thơm trang nghiêm, thanh lịch của trầm luôn gắn bó với vẻ đẹp thanh cao của chim công....

1. Trong nghệ thuật Đông Sơn, loài chim phượng với mỏ khoằm dạng chim ăn thịt như diều hâu, đại bàng chưa thấy, thay vào đó chủ yếu là chim công. Chim công chẳng những độc tôn ở các lồng đốt trầm mà còn thấy ở những vị trí trang trọng trên tang trống, thạp, giáo, rìu chiến, tấm che ngực… thời Đông Sơn.

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 5): Hương trầm Đông Sơn và ngạo nghễ chim công - Ảnh 1.

Một lồng đốt trầm với chim công trên đỉnh nắp (hình trái), sưu tập tư nhân ở Hà Nội. Đặc tả hình chim công trên nắp nhỏ của loại lồng đốt trầm phỏng lồng đan lưới (sưu tập bảo tàng Barbier-Muehler, Geneva, Thụy Sĩ)

 Đây cũng là một khác biệt có thể nhận ra trong tư duy đặc chuẩn phương nam của nghệ nhân Đông Sơn còn đọng lại trong các địa danh "Cuông" Nam Á bên cạnh "Mộ Dạ" Nam Đảo… với điển hình nơi đền Cuông (Yên Bái) và nhất là đền Cuông bên dãy Mộ Dạ vùng Diễn Châu (Nghệ An) thờ An Dương Vương.

Trong một buổi "rì rầm" trước đây, tôi đã dành riêng nói về cặp cá sấu và chim công như biểu trưng Âu (cơ) Lạc (long quân), giống như rồng phượng trong kỷ nguyên Đại Việt sau này. Ở đây, chúng ta sẽ thấy sự độc tôn của hình tượng chim công trong nghệ thuật tạo hương Đông Sơn.

Buổi "rì rầm" tuần này, cũng để kết thúc chuỗi bài liên quan đến nghệ thuật tạo hương, thưởng hưởng Đông Sơn, tôi muốn nói đến biểu tượng chim công và đề cập đến loại "lồng đốt" đặc trưng Đông Sơn bởi kiểu đúc đồng tạo hình đậm chất đan lát phỏng lồng đan tre nứa.

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 5): Hương trầm Đông Sơn và ngạo nghễ chim công - Ảnh 2.

Một kiểu lồng đốt trầm kiểu Hán dạng cốc chân cao, gắn với đĩa đèn dầu bên dưới (hình trái) và đặc tả phần nắp mô tả cảnh thần tiên trên núi Côn Luân (hình phải). Hiện vật phát hiện ở Việt Nam. Ảnh: internet

2. Như đã từng đề cập đến trong các bài trước, trên đỉnh phần nắp của các lồng đốt là vị trí độc tôn của chim công đực với bộ đuôi vươn cao trong dáng múa gợi tình gọi cái. Tượng chim công ở đỉnh chóp cũng làm luôn chức năng tay cầm để mở nắp tiếp trầm. Hình ảnh được thể hiện sinh động nhất là đôi công trên chóp nắp chiếc lồng ấp của sưu tập CQK với con công đực trong tư thế làm trụ đang vươn đuôi giữ cân bằng, dùng mỏ khóa mớm mỏ một con công cái cũng đang trong tư thế rướn theo ở phía đối diện.

Ở mọi trường hợp, chim công đực được nghệ nhân Đông Sơn tạo mỏ ngắn, đôi khi gắn mào. Chim công đực được tập trung thể hiện ở phần đuôi với những vầng lông óng ánh bảy sắc cầu vồng tròn tựa mặt trời. Khi gắn chim công với khói thơm của trầm, tâm linh Đông Sơn hướng đến mong ước loài chim này sẽ đưa các hương thơm đó đến với thế giới thần tiên.

Sau này, trong một số mộ táng quan lại, quý tộc người Hán trong các khu mộ Giao Chỉ, Cửu Chân thời Đông Sơn thuộc Hán, đôi khi ta bắt gặp dụng cụ đốt trầm mang phong cách phương Bắc, là đĩa đèn gắn liền với cốc chân cao làm lồng đốt trầm. Trong đó, phần nắp lồng đốt thường thể hiện đỉnh chóp núi Côn Luân - nơi được xem như nơi ở của thần tiên giống như đỉnh Olympia trong thần thoại Hy La vậy.

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 5): Hương trầm Đông Sơn và ngạo nghễ chim công - Ảnh 3.

Bộ lồng đốt kiểu nắp đậy nhỏ của một sưu tập tư nhân ở Hà Nội

Trong sưu tập lồng đốt trầm Đông Sơn còn khá phổ biến loại lồng đốt gắn liền phần kín chứa hương liệu đốt với phần trổ lỗ thoát khói thơm bên trên. Chỗ có thể đưa hương liệu vào nằm ở miệng trên cùng, nơi cũng có một phần nắp nhỏ làm đế cho một tượng chim công.

Nhìn toàn cảnh thì đó giống như những chiếc giỏ thơm đan bện như hình trái bưởi, cũng có ba chân kiềng đặt đứng và tay cầm cán hình đầu rồng. Phần tạo lỗ thường để nguyên vết hằn của các đường đan, bện mây tre. Kỹ thuật tạo tay cầm đầu rồng và bản lề để đóng mở nắp về cơ bản cũng như các loại lồng chia đều thân và nắp, nhưng gọn nhẹ, đơn giản hơn. Phần thoát hương của loại nắp nhỏ cũng lớn hơn với nhiều lỗ thoát rộng hơn.

Những hình dưới đây cho thấy sự phong phú và đa dạng trong cách trang trí và tạo dáng lỗ thoát hương của kiểu lồng này. Trong đó, mỗi chiếc nắp nhỏ trên cùng làm đế cho chim công đứng là một tác phẩm riêng được đầu tư lao động nghệ thuật nhiều nhất. Chim và hoa lá luôn cùng đồng hành bám quanh các vành miệng và bên các song thưa thoát hương. Rõ ràng, kỹ thuật tạo khuôn in sáp Đông Sơn đã sáng tạo ra những hiện vật thưởng hương độc đáo này.

3. Trong tương lai, kỹ thuật xử lý các chất bám trên đáy và muội bám trên thân hiện vật ngay sau khi lấy khỏi lòng đất sẽ giúp các nhà khảo cổ xác định chính xác vật liệu tạo hương. Khả năng rất cao là trầm hương. Chúng tôi vẫn luôn dõi theo những phát hiện khảo cổ học mới với hy vọng khám phá thêm về đầu tư nghệ thuật của chủ nhân Đông Sơn cho loại hình hiện vật thanh lịch, cao qúy này.

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 5): Hương trầm Đông Sơn và ngạo nghễ chim công - Ảnh 5.

Một lồng đốt trầm không còn phần nắp bên trên có phần thân trên trổ lỗ mang đậm phong cách đan lát với hoa văn đặc trưng Đông Sơn

Trong các buổi "rì rầm" tiếp theo, tôi muốn cùng các bạn lướt qua những bằng chứng khảo cổ về nghệ thuật "tạo âm", "tạo sắc" Đông Sơn để thấy một cách toàn diện những đặc trưng thẩm mỹ về âm thanh nhạc điệu và màu sắc Đông Sơn thông qua những tàn tích khảo cổ hiện đến nay chúng ta có được.

"Khi gắn chim công với khói thơm của trầm, tâm linh Đông Sơn hướng đến mong ước loài chim này sẽ đưa các hương thơm đó đến với thế giới thần tiên"- TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link