Tiểu thuyết 'Đi trốn' giành giải 'Khát vọng Dế Mèn': Sự ý thức về phẩm cách chính mình

05/06/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao và Văn hóa đã giới thiệu, có rất nhiều điều để nói về Đi trốn (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam), cuốn tiểu thuyết vạm vỡ, thấm đẫm ký ức của nhà văn Bình Ca, tác giả Quân khu Nam Đồng.

Tiểu thuyết 'Đi trốn' giành giải 'Khát vọng Dế Mèn': Bình Ca lại múa 'cây đũa thần'

Tiểu thuyết 'Đi trốn' giành giải 'Khát vọng Dế Mèn': Bình Ca lại múa 'cây đũa thần'

Tôi khâm phục Đi trốn hơn cả Quân khu Nam Đồng vì anh chọn một đề tài và lối đi khó mà vẫn “thoát hiểm” một cách ngoạn mục. Xét theo khía cạnh này thì văn tài của Đi trốn có phần cao tay hơn Quân khu Nam Đồng một bậc.

Ngoài ý kiến của nhà thơ Hàm Anh, xin giới thiệu tiếp đến quý độc giả ý kiến của nhà văn Nguyễn Trương Quý về cuốn tiểu thuyết này:

***

Nếu có thể nói gì về Đi trốn thì đấy là một cảm giác hồi cố man mác. Nó không hẳn là sách viết về tuổi thiếu niên, nhưng nó đáng kể vì khắc họa sự hình thành nhân cách ở tuổi sắp giã từ những êm ái vô lo. Nó thực sự chia sẻ với những Thương nhớ đồng quê hay Mùa len trâu ở chỗ, nó là hành trình trở thành đàn ông, trở thành phụ nữ, trở thành người lớn, nghĩa là “già” về mặt nhận thức.

Nhưng nó vẫn là tiểu thuyết về đề tài thiếu nhi bởi tác giả vẫn cho thấy, những thiếu niên của thập niên 1960 vẫn rất trong sáng và giữ một thứ nay đã thành thứ khá xa lạ - lý tưởng.

Thuật ngữ này ngay ở những sáng tác văn học nghệ thuật thập niên 1980 đã từng bị giễu cợt, vì sự cao thượng, giữ gìn phẩm cách vào những năm tháng khốn khó trở nên không thức thời và giống như chui vào tháp ngà. Nhưng vào một độ lùi nửa thế kỷ, nó lại âm vang một cảm xúc khác. Đi trốn đem lại một cảm giác về sự tự chủ ở mỗi cá nhân. Sự tự chủ ấy đến từ ý thức về phẩm cách trong mối quan hệ giữa bản thân với xung quanh. Sự ý thức này lại phải có một xã hội coi trọng việc tự ý thức đó làm nền tảng.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết “Đi trốn” của Bình Ca

Người ta hoài niệm về quá khứ, thông qua Đi trốn, có lẽ là vì những phẩm chất này giờ đây đang được tìm kiếm lại. Giữa ngổn ngang những hình mẫu ẻo lả, lấy cảm xúc nhất thời làm chỗ dựa, sự bạo lực ẩn dưới vẻ quyến rũ ngôn tình, sự tôn sùng vật chất (“yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à”) hay được đẩy lên bề mặt truyền thông, những nhân vật Tự Thắng, Linh, Sơn hay Việt Bắc cùng cô bạn Thảo đem lại suy tư về một thế hệ biết cách chia sẻ, cảm thông, vượt qua những định kiến, hoặc ít ra là một sự kỳ vọng.

Khó mà nói rằng môi trường xã hội của Đi trốn là đúng như nó từng có, bởi lẽ tác giả chưa dành nhiều công sức để diễn tả thấu đáo. Nó bị nhang nhác những bối cảnh trường nghiêm túc, thầy cô nhân hậu, bố mẹ “công nông binh trí” rõ ràng, mà các cuốn sách thời trước đã dùng quá nhiều. Nhưng bù lại, cảm thức về sự tự lớn lên trong nghịch cảnh của những đứa trẻ trong truyện lại tươi mới, hoặc là cảm thức này phổ quát ở rất nhiều nền văn học.

Người đọc đã biết đến những David Copperfield hay Oliver Twist (Charles Dickens) hay Không gia đình (Hertor Malot), Bắt trẻ đồng xanh (E. Salinger); hoặc trong văn học Việt Nam là Nơi xa (Văn Linh), Con voi xa đàn (Vũ Hùng)… đều ít nhiều khai thác yếu tố nghịch cảnh để thử thách nhân vật chính qua cuộc hành trình khám phá xung quanh và trực tiếp nhất, ý thức về phẩm cách chính mình. Đi trốn cũng vậy, khá cổ điển trong lối viết và cách triển khai mạch truyện, nên nó cũng cho thấy dư địa của phong cách này vẫn còn có sức hút với người viết cho thiếu nhi thời hiện đại, ít nhất là ở Việt Nam.

Nguyễn Trương Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link