Tạp chí Mỹ ấn tượng mạnh với đặc sản "ít ai dám ăn" ở Việt Nam: Món khoái khẩu của dân địa phương, vào vụ mùa cả làng cùng "đi săn" mới kịp bán

20/04/2023 17:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Thịt chuột đồng là món ăn phổ biến ở một số vùng quê Việt Nam. Món ăn này đã được tạp chí National Geographic giới thiệu như một món bổ dưỡng và là nguồn protein tốt cho sức khỏe.

Món ăn độc đáo

Theo National Geographic, chuột là nguồn cung cấp protein phổ biến ở một số vùng ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, các món từ chuột có thể được tìm thấy ở các vùng quê ở miền bắc và miền nam đất nước —mặc dù người ta cũng có thể thấy chuột trong thực đơn ở một số khu vực đô thị, bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh.

Grant Singleton, nhà khoa học nghiên cứu về quản lý sinh thái loài gặm nhấm tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philippines, cho biết thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thịt động vật gặm nhấm có giá cao hơn thịt gà. Ông cho biết, riêng ĐBSCL sản xuất tới 3.600 tấn thịt chuột mỗi năm, trị giá khoảng 2 triệu USD.

Mặc dù có hàng chục loài chuột có thể ăn được, nhưng người Việt Nam chủ yếu ăn hai loại phổ biến là chuột đồng (nặng khoảng 200-300g) và chuột lang (có thể nặng tới 800g). 

photo-1

Những con chuột bị lột sạch lông, được hun khói trên cỏ khô trước khi bán cho những khách hàng đã đặt trước ở Cổ Dũng, Việt Nam. Ảnh: National Geographic

Robert Corrigan, một nhà nghiên cứu về loài gặm nhấm đô thị của Công ty tư vấn quản lý dịch hại RMC ở Westchester, New York, lưu ý rằng sự bức xúc của người dân đối với chuột thành phố đã gắn liền với sự ghét bỏ không cần thiết đối với việc ăn động vật gặm nhấm nói chung.

Ít nhất 89 loài động vật gặm nhấm đã được sử dụng làm thức ăn trên khắp thế giới, từ Châu Á, Châu Phi đến Nam Mỹ và Hoa Kỳ, nơi sóc từ lâu đã trở thành một món ăn của người dân.

Ông Corrigan nói: "Người ta không thể tin được rằng gần như tất cả các mô cơ của động vật có vú đều chứa các protein giống nhau về cơ bản, cho dù đó là bít tết từ bò thịt hay chân chuột".

Vị giống như thỏ?

Để thực hiện bài viết đặc biệt về loài chuột trên tạp chí National Geographic, nhiếp ảnh gia Ian Teh đã theo chân một chuyên gia bắt chuột kỳ cựu mà anh gọi là "Mr. Thy," khi ông săn bắt loài này giữa các cánh đồng ở Quảng Ninh, một tỉnh ở đông bắc Việt Nam.

photo-1

Chuột được xử lí nội tạng và sơ chế trước khi bán tại Cổ Dũng.

Bắt chuột là một nguồn thu nhập phụ quan trọng đối với nông dân Việt Nam, họ thường bẫy chuột sống trong lồng tre hoặc lưới thép và đưa chúng đến các trung tâm chế biến nhỏ, nơi thịt chuột được bán cho thị trường địa phương.

Ông Thy có một công việc theo mùa là bắt chuột để bán hoặc mang về nhà cho bữa tối gia đình. Ở các vùng nông thôn của Việt Nam, chuột thường được rửa sạch bằng bia hoặc rượu gạo, -Singleton nói.

photo-1

Ông Thy cầm một con chuột đồng trên tay.

Săn không kịp bán

Bài viết của tạp chí Mỹ cũng đề cập tới những hoạt động mua bán thịt chuột tại chợ làng Giống (Cổ Dũng, Kim Thành, Hải Dương) ngay giáp Quốc lộ 5. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, hoạt động ở khu vực này trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn khi mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách tứ phương tới tìm mua đặc sản là thịt chuột đồng.

Người dân ở đây cho biết, sau vụ mùa, chuột ăn lúa nếp nên rất béo, phần thịt săn chắc và không có mùi hôi. Giá chuột thay đổi theo năm, nhưng thường thì chuột thui rơm có giá từ 130.000 đồng tới 150.000 đồng/kg tùy loại.

 

Chợ ở Cổ Dũng có đến hơn chục sạp bán thịt chuột, do đó rất nhiều người dân trong làng tham gia vào hoạt động này. Khi mùa "săn chuột" tới, từ thanh niên, trung niên đến người lớn tuổi trong làng đều gác lại công việc thường nhật, tập trung bắt chuột. 

Mỗi ngày, các nhóm thợ lên đường từ sáng sớm để bắt chuột ở các vùng ruộng lúa đã thu hoạch, tới tận 2h chiều mới về. Khi đó, những người khác đã chuẩn bị sẵn đồ để vặt lông, sơ chế chuột.

Thịt chuột rất được ưa chuộng nên nhiều khi chuột chưa về đã có người đặt hết, một đơn có thể lên tới cả 10kg chuột thui rơm.

photo-1

Mâm cơm gia đình với đặc sản thịt chuột.

Nhiếp ảnh gia Teh phát hiện ra rằng kỹ thuật nấu thịt chuột rất đa dạng. Anh ấy đã nhìn thấy những con chuột bị làm thịt bằng cách nhúng vào nước nóng, mặc dù Singleton chỉ biết tới cách đập mạnh vào đầu chuột.

Tiếp theo, phần thân chuột được hun khói, sau đó chiên, nướng và cũng có thể được hấp hoặc luộc. Chuột hấp được cho là có hương vị đậm đà hơn và những con chuột to hơn được cho là ăn ngon hơn.

Singleton nói: "Những người nước ngoài khi ăn thử thịt động vật gặm nhấm thường nói rằng nó có vị giống thịt gà, nhưng nó là loại thịt sẫm màu và có vị tanh hơn thịt gà. Tôi đánh giá mùi vị của nó giống như thịt thỏ".

Trong chuyến du hành của mình, Teh được cho biết là chuột rất bổ dưỡng; ông Singleton xác nhận thịt có hàm lượng protein cao và ít chất béo.

photo-1

Chuột được lột lông và sơ chế sạch trước khi nấu các món khác.

Mặc dù hầu hết chuột hoang dã ở Việt Nam đều khỏe mạnh và ít ký sinh trùng, nhưng vẫn có một số mối lo ngại tiềm ẩn về sức khỏe khi xử lý chúng trước khi nấu.

Các động vật có vú mang hơn 60 mầm bệnh có thể ảnh hưởng đến con người. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nấu chín kỹ thịt là cách tốt nhất để tránh bị nhiễm bệnh do chuột gây ra, ông Singleton nói. 

 

Tất Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link