14/05/2013 07:38 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời đỉnh cao sự nghiệp F. Scott Fitzgerald (1896-1940), nhà văn Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm về thời đại nhạc jazz, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby đã sống tách biệt hẳn với nền công nghiệp điện ảnh. Nhưng giờ đây, bộ phim dàn dựng theo tiểu thuyết của ông (do Baz Luhrmann đạo diễn) đã được chọn chiếu khai mạc LHP Cannes năm nay.
Thời điểm đó, Fitzgerald sống ở New York để có thể thỏa sức tiệc tùng hoặc bay tới Paris tìm niềm vui. Trong những năm cuối đời, ông làm việc cho các hãng phim Hollywood và là một cây bút tự do, song công việc ở kinh đô điện ảnh lại không suôn sẻ. Năm 1940, ông nói với một người bạn: “Phải chăng Hollywood là một đống rác. Một thành phố ghê tởm, tinh thần con người ngày càng đê tiện”.
Hollywood gọi mời
Theo đánh giá của bạn bè, Fitzgerald là một người Bắc Mỹ điển hình với lối ăn mặc đúng cách và có nước da sáng sủa. Trong những năm mới vào nghề, Hollywood là một thế giới ở xa hẳn ông. Tuy nhiên vào năm 1920, những câu chuyện của Fitzgerald, tràn ngập chi tiết và sức mãnh liệt của tuổi trẻ, đã thu hút được nhiều độc giả Mỹ, khi chúng được đăng tải trên các tạp chí như Mencken, The Smart Set và The Saturday Evening Post. Thấy vậy, Hollywood liền mời ông hợp tác.
Năm 1922, Fitzgerald đã kiếm được 2.250 USD tiền bản quyền làm phim từ tiểu thuyết Đẹp và đáng nguyền rủa (The Beautiful and Damned), kể về cuộc hôn nhân khổ sở của 2 con người đẹp đẽ và tài năng. Năm sau đó, ông tiếp tục “bỏ túi” được 10.000 USD tiền bản quyền làm phim của cuốn tiểu thuyết Phía bên này địa đàng (This Side of Paradise), tác phẩm đầu tay được ông viết trong thời kỳ đang phục vụ quân đội và phát hành năm 1920.
Fitzgerald là người mê sân khấu. Ông quan tâm tới sân khấu vì lợi ích của loại hình nghệ thuật này. Ông từng viết kịch bản và trình diễn tại Câu lạc bộ Triangle ở Princeton. Năm 1922, Fitzgerald gần như khánh kiệt khi viết kịch bản Rau cỏ (The Vegetable), câu chuyện về một nhân viên nhà ga xe lửa trở thành một viên giám đốc.
Tự coi mình là kẻ viết thuê
Hầu hết người hâm mộ không biết rằng Fitzgerald là người chau chuốt lại kịch bản phim Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind) và A Yank at Oxford. Tuy nhiên trong những năm cuối đời, ở Hollywood, ông chỉ là một kẻ viết thuê. Các kịch bản phim Marie Antoinette và Madame Curie của ông đã bị từ chối.
Người ta thấy các tác phẩm của ông quá mô phạm và mang tính thuyết giáo. Ông không đáp ứng được thị hiếu của Hollywood. Ông là một nhà văn, chứ không phải là một nhà biên kịch phim. Ông quan tâm tới việc mô tả chi tiết chứ không phải hành động.
Từ năm 1939 đến khi qua đời vào năm 1940, Fitzgerald tự chế giễu mình là một kẻ viết thuê ở Hollywood thông qua nhân vật Pat Hobby trong 17 câu truyện ngắn. Sau này, chúng được đăng trong tuyển tập The Pat Hobby Stories và nhận được nhiều lời nhận xét tích cực.
Mất việc vì nghiện rượu
Fitzgerald nghiện rượu từ thời còn học đại học (ông không tốt nghiệp mà bỏ học đi lính) và nghiện rượu nặng vào những năm 1920. Ông từng cai rượu khi sống ở Los Angeles, tuy nhiên, những cuộc chè chén say sưa đã khiến ông mất việc.
Năm 1939, ông ký hợp đồng viết kịch bản phim Winter Carnival, câu chuyện về một người mẹ trẻ cố gắng trốn thoát khỏi chồng. Đối tác của Fitzgerald trong dự án này là Budd Schulberg, con trai một nhân vật quan trọng ở Hollywood. Từ một cuộc rượu nhỏ trên máy bay, 2 người đã lao vào chè chén say sưa cùng nhau suốt 3 ngày. Fitzgerald sau đó say tới mức đã lang thang vô định trên phố. Sự việc khiến cả hai người đều mất việc ở Hollywood.
Cho dù từng gặt hái thành công thương mại và là tên tuổi nổi danh trong thời của mình, tuy nhiên những năm làm việc với Hollywood, Fitzgerald chưa bao giờ có được thứ mà ông mong muốn từ những cây bút đồng nghiệp: sự kính trọng.
Qua đời ngày 21/12/1940, Fitzgerald để lại một cuốn tiểu thuyết đang viết dở mang tên Trùm tư bản cuối cùng (The Last Tycoon).
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Nổi tiếng sau khi chết Sau Thế chiến II người ta đua nhau tìm đọc tác phẩm của Fitzgerald. Năm 1945, nhà văn và nhà phê bình Edmund Wilson tập hợp những bài viết lẻ, những hồi ức, thư từ của Fitzgerald thành một tập sách có tựa đề The Crack-Up (Sụp đổ). Rất nhiều nhà văn nổi tiếng viết về Fitzgerald, Ernest Hemingway có một liên hệ phức tạp với Fitzgerald qua nhiều năm và đã viết về Fitzgerald trong nhiều tác phẩm. Trong gần 90 năm, cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby đã nhiều lần được đưa lên màn bạc vào các năm 1926, 1949, 1974, 2000 và 2013. Năm 1958, bộ phim tiểu sử kể về những năm tháng cuối đời của ông mang tên Beloved Infidel đã được sản xuất. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất