29/06/2014 12:32 GMT+7 | Vòng 1/8
(Thethaovanhoa.vn) - Truyền thuyết hàng hải kể rằng “Người Hà Lan bay” là một con tàu ma không bao giờ cập bến, và thật trùng hợp là câu chuyện này lại “vận” vào đội tuyển Hà Lan: Tài năng, nhưng vô duyên với danh hiệu. Bàn tròn hôm nay sẽ bàn về cơ hội vô địch của đội da cam với khách mời là các nhà báo Nguyễn Đăng Khoa (báo Một Thế giới), Phan Tất Đức (TT&VH) và Nguyễn Thái Ca (Sài Gòn Đầu tư tài chính).
“Hà Lan không có văn hóa chiến thắng”
Phạm An: Hà Lan năm nay chơi có vẻ ra dáng ứng cử viên thật sự rồi các anh nhỉ? Dù lịch sử đã ghi nhận họ là một đội bóng không có “văn hóa chiến thắng”?
Tất Đức: Tôi nghĩ họ chưa có văn hóa chiến thắng. Nhưng họ có những điều kiện nhất định để vô địch. Đội hình của Hà Lan hiện nay không được đánh giá cao về mặt tên tuổi, nhưng điều ấy đồng nghĩa rằng họ không phải chịu quá nhiều sức ép.
Đăng Khoa: Tôi không nghĩ rằng Hà Lan thiếu tầm vóc hay văn hóa chiến thắng. Tôi thấy Hà Lan có vẻ không may mắn ở thời khắc quyết định, vì bóng đá đôi khi thắng-thua là ở lằn ranh rất mỏng.
Thái Ca: Xin góp 1 ý nhỏ với các anh về cái gọi là tâm lý và văn hóa chiến thắng. Mùa giải qua, Atletico Madrid cũng chỉ có các cầu thủ dạng "tầm tầm" và vô danh, nhưng họ được dẫn dắt bởi 1 HLV biết truyền lửa, khao khát chiến thắng, Simeone thậm chí còn tìm mọi cách để chiến thắng thời còn là cầu thủ. Nên cái tư tưởng chiến thắng nó dần lan xuống và tạo ra tự tin. TBN trước năm 2008, nói ra thì còn "thảm" hơn Hà Lan nhiều. Họ còn chưa được cái "diễm phúc" là kẻ chiến bại vĩ đại, nhưng rồi họ vẫn ổn đó thôi?
Trong khi đó, Arsenal cả chục năm mới có 1 Cúp FA, dù trước đây chiến thắng tằng tằng. Có 1 chi tiết thú vị là tới mức HLV Arsene Wenger cầm Cúp lên mà tay hơi ngượng, kiểu người lâu không cầm Cúp.
“Hãy nhìn người Đức mà học đá bóng”
Phạm An: Vậy các anh cho rằng những thất bại của bóng đá Hà Lan ở World Cup trước đây đều chỉ là thiếu may mắn và đơn giản là không có tính thời điểm?
Đăng Khoa: Tôi xin được nói lan man tí. Hà Lan là nền bóng đá đặc biệt ở châu Âu. Các anh cũng biết trong 5 nền bóng đá được coi là hàng đầu châu Âu: TBN, Đức, Anh, Ý, Pháp thì cả 5 quốc gia này đều là những quốc gia lớn (diện tích) hay dân số và họ là 5 đội bóng vô địch thế giới. Trong khi Hà Lan là 1 quốc gia nhỏ về diện tích, dân số trung bình nhưng họ là đội bóng mạnh, hay nói cách khác luôn là đội bóng ứng viên của các giải mà họ tham gia.
Hà Lan không giống như Bỉ, Ireland, Thụy Sĩ hay Ba Lan, Romania, Bulgaria... là những nước tương đồng với họ về dân số hay diện tích. Các đội bóng trên có lúc mạnh, lúc yếu, tài năng lúc có lúc không, nhưng Hà Lan thì lúc nào cũng được coi là đội mạnh và tài năng thì họ chưa bao giờ thiếu các ngôi sao hàng đầu, trong bất kỳ thời nào đi nữa. Tôi nghĩ Hà Lan cũng là một dân tộc sinh ra để đá bóng.
Tất Đức: Tôi thì nhớ nhà báo Vũ Công Lập từng kể 1 câu chuyện vui về cái tai dài của người Hà Lan đại ý rằng: Tai của đàn ông Hà Lan thường dài hơn tai đàn ông của các nước khác. Lý do là khi còn nhỏ, họ bị các ông bố hàng ngày xách tai lên cao, hướng về phía nước Đức và nói: “Hãy nhìn họ đá bóng mà học tập”. Câu chuyện vui ấy cũng có ý rằng vấn đề của Hà Lan là mang tính hệ thống, không chỉ đơn giản là thiếu may mắn trong từng thời điểm cụ thể.
Đó có thể là một dân tộc sinh ra để đá bóng, nhưng chưa chắc là 1 dân tộc sinh ra để chiến thắng.
Phạm An: Các cầu thủ Hà Lan có một điểm yếu “chí mạng” nào đó chăng?
Đăng Khoa: Ở Hà Lan một cầu thủ như thế nào được coi là "giỏi"? Tôi đã thử hỏi Lee Nguyễn (tiền vệ người Mỹ gốc Việt) ai là cầu thủ giỏi nhất PSV năm 2005-2007? Anh ta trả lời tôi là Phillip Cocu. Mà Cocu thì tôi chắc rằng không phải là cầu thủ Hà Lan được người Việt Nam thích nhất?
Cocu là một cầu thủ đá chiến thuật giỏi, bản lĩnh, thông minh và kỷ luật. Lee Nguyễn nghĩ anh ta là cầu thủ giỏi nhất PSV có lẽ vì Cocu là mẫu cầu thủ mà người Hà Lan cần chăng? Tôi cũng hỏi Lee là hậu vệ nào giỏi nhất PSV, anh ta nói là Alex (trung vệ người Brazil từng chơi cho PSV, Chelsea và PSG).
Phạm An: Đó có lẽ giống như ước mơ của người Hà Lan về những phẩm chất họ còn thiếu để vô địch.
Phạm An: Tôi còn lo ngại cho Hà Lan vì đội hình tương đối khiêm tốn của họ, ngoài Robin van Persie và Robben, không có một tên tuổi khả dĩ nào. Các anh nghĩ sao?
Tất Đức: Điều đáng lo nhất cho Hà Lan là ở vấn đề chấn thương. van Persie đã nói rằng 2-3 năm nay chưa lúc nào anh ấy sung sức, Robben thì ai cũng biết là đôi chân pha lê. Nếu vận đen ập đến, Hà Lan sẽ không còn là Hà Lan
Thái Ca: Các anh "dìm hàng" đội Hà Lan quá thể. Mình nghĩ trong kết cấu 1 đội tuyển thì 7-8 cầu thủ "tròn vai" và 3-4 ngôi sao là đẹp. Phải có cái nền và cả những chi tiết nhấn nhá chứ đội tuyển mà chạy đua vũ trang kiểu Real là khó có thể xảy ra và cũng không hay như Hà Lan năm 2000 sao đầy rẫy đấy.
Đăng Khoa: Đôi khi chúng ta xem bóng đá mà vẫn bị chi phối bởi yếu tố "nổi tiếng" chủ yếu do truyền thông, ví dụ như tuyển Anh, ai cũng biết mặt cẩu thủ nhưng chưa chắc đã là giỏi hàng đầu. Ông Harry Redknapp có bình luận sau thất bại của tuyển Anh là: "Tuyển Uruguay ngoài 2 tiền đạo ra thì những cầu thủ còn lại của họ tôi còn không muốn mua về CLB chứ đừng nói gì tuyển vào ĐTQG". Song rốt cuộc là gì? Tuyển Anh còn không thắng nổi Costa Rica toàn cầu thủ vô danh mà sáng nhất là Campell của Arsenal bị đẩy Olympiakos mượn!
“Vô địch? Không phải Hà Lan!”
Phạm An: Tôi thì cho rằng Hà Lan có thói quen "xài" hết cảm hứng (và ở World Cup lần này là cả sự bất ngờ từ những cầu thủ vô danh) ở vòng ngoài, và "xịt" ở vòng knock-out trong những trận đấu căng thẳng và có tính triệt tiêu cảm hứng nhiều hơn, như EURO 2008 chẳng hạn. Chúng ta nên nhớ là phải nhờ cảm hứng, van Persie mới có thể đánh đầu 1 cú phi thường như trận gặp TBN. Nếu là 1 trận knock-out, tôi không nghĩ anh ta có thể đưa ra 1 quyết định mạo hiểm như thế?
Thái Ca: Chung kết EURO 1988, Marco van Basten tung cú vô lê kinh điển giúp Hà Lan vượt qua Liên Xô để đăng quang đấy thôi, Phạm An.
Phạm An: Đó thực sự là những khoảnh khắc vĩ đại trong bóng đá, những khoảnh khắc cả chục năm mới có 1 lần. Trông chờ 1 pha bóng kinh điển nữa trong 1 trận chung kết của Hà Lan thì quá là mơ hồ.
Đăng Khoa: Ý Phạm An là Hà Lan thích đá quả khó hơn đá quả dễ. Nếu thật thì van Persie đáng lo đấy. Tôi nhớ năm 2010 van Persie cũng bỏ lỡ cơ hội ngon ăn trong trận chung kết với TBN thì phải?
Tất Đức: Cơ hội ngon ăn nhất trong trận đấu đó là thuộc về Robben.
Thái Ca: Ở cả hai trận vòng bảng Hà Lan đều bị dẫn, nhưng không hề tỏ ra yếm thế nha. Cái này là phong cách của đội bóng có bản lĩnh đấy.
Phạm An: Nói như anh Đăng Khoa thì tôi cũng thấy thế hệ Hà Lan dự World Cup hiện nay nhiều Cocu và Alex hơn, nhưng chỉ sợ cái "bệnh dân tộc" phát tác vào thời điểm quyết định, nên chưa dám dứt khoát đặt cửa vô địch cho họ.
Đăng Khoa: Nếu tính theo lý tính, tôi chọn Brazil hay đội bóng Nam Mỹ vì tính lịch sử của World Cup. Còn để yêu mến thì tôi chọn Hà Lan vì tôi mong họ vô địch lần đầu như TBN năm 2010 vì Hà Lan xứng đáng được vinh danh trên bảng vàng World Cup.
Tất Đức: Dù hiện tại chưa thấy đội nào xứng đáng vô địch, nhưng tôi vẫn tin rằng không phải Hà Lan.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất