(Thethaovanhoa.vn) - “Messi sẽ không thể tốt nhất nếu thiếu các đồng đội giỏi”, vừa đưa ra lời phát biểu ấy trước báo giới Tây Ban Nha, Pere Gratacos đã phải nhận quyết định buộc thôi việc từ Barca.
Cách đối xử với Gratacos - người có ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn vinh quang nhất lịch sử - một lần nữa thể hiện Barca là con tin của Messi.
Đừng dại mà đụng vào Messi!
“Leo là một cầu thủ lớn. Nhưng nếu không có Iniesta, Neymar, Luis Suarez, Pique và những người đồng đội khác bên cạnh, Leo sẽ không được như vậy. Tất nhiên, hiện tại Leo vẫn là người giỏi nhất”, Gratacos đưa ra nhận xét về Messi bên hành lang lễ bốc thăm vòng Tứ kết Cúp Nhà Vua, chiều 13/1 (Barca sẽ gặp Sociedad). Gratacos tham dự lễ bốc thăm với tư cách người chịu trách nhiệm quan hệ thể chế cho Barca với LĐBĐ Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEF).
Vừa trở về từ văn phòng RFEF, việc đầu tiên của Gratacos là thu dọn đồ đạc để rởi khỏi cương vị hiện tại trong BLĐ Barca. Mọi thứ diễn ra rất nhanh. Gratacos không nghĩ hậu quả nghiêm trọng đến thế khi đưa ra những nhận xét về Messi. Ở Barca, không nhiều người hiểu về Messi hơn cựu hậu vệ 58 tuổi này. Ông cũng là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến giai đoạn thành công của Barca trong thế kỷ 21.
Pere Gratacos là ai? Trong giai đoạn 1980-1983, Gratacos là một hậu vệ của Barca B. Năm 2003, sau khi chiến thắng cuộc bầu cử chủ tịch, Joan Laporta đưa Gratacos trở lại, trong vai trò HLV của Barca B. Trong thời gian này, Gratacos trực tiếp dẫn dắt Messi. Chỉ vài tháng sau ngày trở lại, Gratacos được cơ cấu thay Frank Rijkaard, người đã khởi đầu rất lận đận. Sau trận “El Clasico” thua Real Madrid 1-2 ngày 6/12/2003 ngay tại Camp Nou, các CĐV kêu gọi Rijkaard từ chức, và BLĐ Barca cũng tính đến việc sa thải chiến lược gia người Hà Lan, thay bằng Gratacos. Nhưng Rijkaard kiểm soát được tình hình sau đó, và Gratacos tiếp tục làm việc ở đội trẻ.
Đừng dại mà đụng vào Messi!
Không ai khác, mà chính Gratacos đã đề xuất Rijkaard triệu tập Messi - khi ấy mới 16 tuổi - tham dự trận giao hữu với Porto của Jose Mourinho, ngày 16/11/2003. Ban đầu, Rijkaard hỏi Gratacos để triệu tập các cầu thủ trẻ đá giao hữu. Ông đề cử 5 cái tên, hậu vệ Tiago Calvano; cặp tiền vệ Jordi Gomez và Exposito; cùng hai tiền đạo Oriol Riera và Messi. Gratacos đặc biệt nhấn mạnh Messi với Rijkarrd, “một cầu thủ đá được bất kỳ vị trí tấn công nào”.
Từ 2006, Gratacos là một phần trong dự án thể thao quan trọng Football Dreams của Qatar. Đây thực tế là trao đổi giữa phía Qatar với Barca. Khi Sandro Rosell trở thành chủ tịch năm 2010, Gratacos được gọi về bộ máy Barca. Cương vị mới của ông là Giám đốc trung tâm huấn luyện Joan Gamper, và đứng sau rất nhiều chiến dịch đào tạo trẻ. Gratacos cũng chịu trách nhiệm quan hệ thể chế cho Barca với RFEF.
Quan trọng với Barca là vậy, ảnh hưởng với Messi là thế, Gratacos vẫn mất việc vì một vài câu phát biểu. Mà đây không phải lần đầu Gratacos nói về Messi. “Ở châu Phi có rất nhiều Messi. Tôi từng dẫn dắt Leo, và sau đó tôi tiếp xúc với nhiều cầu thủ trẻ. Tôi có thể nói rằng, rất nhiều người có trình độ tương tự với Leo”, Gratacos từng trò chuyện với Sport - tờ báo “sân sau” của Barca năm 2010.
Con tin của Messi
Barca không muốn Messi buồn, sự thật là vậy. Những trận vừa qua, Barca đang sống nhờ hơi thở Messi. Việc thất bại trước đối thủ Cristiano Ronaldo trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng 2016 và The Best (cầu thủ xuất sắc nhất FIFA) phần nào khiến Messi không vui. Messi càng không vui khi việc gia hạn hợp đồng với Barca chưa ngã ngũ. Kế hoạch hồi đầu mùa giải là hoàn tất mọi việc trong 2 tuần đầu tháng 12/2016. Ông Jorge Messi, cha của Leo, đã sang Barcelona đàm phán và hy vọng chậm nhất mọi việc phải hoàn tất trước Giáng sinh 2016. Nhưng đến nay mọi việc chưa tiến triển nhiều.
Sau khi gia hạn hợp đồng mới với Mascherano, Busquets, Neymar và Luis Suarez, chưa kể còn 6 tân binh mùa Hè 2016, quỹ lương của Barca đang tăng cao. Đó là lý do Barca muốn kiểm soát mức lương của ngôi sao người Argentina. Messi sẽ có lương cao nhất châu Âu, nhưng không thể cạnh tranh với mặt bằng của bóng đá Trung Quốc. Trước khi thuyết phục Messi đồng ý với mức lương mình đề xuất (25 triệu euro sau thuế, hoặc cao hơn một chút), Barca không muốn anh buồn lòng vì bất kỳ điều gì.
Pere Gratacos mất việc vì dám "đụng" vào Messi
Đuổi việc Gratacos là động thái để Barca chứng minh luôn ủng hộ Messi, và sẵn sàng làm mọi thứ nhằm giúp anh thoải mái nhất. Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên Barca phải xuống nước để chiều Messi. Trong lần gần nhất hai bên ký hợp đồng, ngày 19/5/2014, đã từng có chuyện tương tự. Javier Faus - phó chủ tịch phụ trách tài chính của Barca - cho rằng CLB không vội vàng để gia hạn với Messi. “Không có bất kỳ lý do nào để thay đổi hợp đồng với một cầu thủ đến 2 lần trong 1 năm”, Javier Faus nói thế cuối năm 2013, trong khi Messi mới gia hạn trước đó vào tháng 2/2013.
“Ông ta chẳng biết gì về bóng đá”, Messi tuyên bố trong lần trở về Argentina và thi đấu giảm nhiệt tình ở một số thời điểm. Barca không thể sa thải Faus, vì ông là một người quan trọng. Chính Faus góp phần rất lớn để Barca có được giá trị thương mại như hiện nay (xếp thứ 2 thế giới bóng đá), và hứa hẹn vượt mặt Real Madrid để trở thành CLB có thương hiệu số 1 thế giới trong tương lai gần. Ông còn giúp Barca giảm nợ và tăng doanh thu kỷ lục. Nếu sa thải Faus, Barca có thể sụp đổ. Faus không hề chơi bóng, nhưng sức mạnh tài chính mà ông mang lại là đòn bẩy đưa Barca đến với chiến thắng trên sân cỏ. Barca không thể, và không dám đuổi Faus như họ vừa làm với Gratacos.
Dẫu vậy, Faus cũng phải công khai xin lỗi Messi để mọi việc êm xuôi. Mùa Hè 2015, một năm rưỡi sau khi công khai xin lỗi Messi, Faus cũng phải rời Barca. Một năm rưỡi là thời gian đủ để Barca kiểm soát những hệ lụy có thể phát sinh khi Faus ra đi.
Ngọc Huy