Thể thao & Văn hóa Cuối tuần: Barcelona 'ăn ba' 2 lần liên tiếp, tại sao không?

18/03/2016 06:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn)- Barcelona sẽ đi vào lịch sử với kỳ tích bảo vệ thành công "cú ăn ba" trong mùa bóng này? Nói sao cũng được, bởi suy cho cùng thì mọi chuyện đều có thể xảy ra trong môn bóng đá. Điều duy nhất chắc chắn: hiện không thể tìm ra lý do nào khả dĩ có thể phủ định khả năng "ăn ba" của thầy trò Luis Enrique. Hãy rà soát lại những "băn khoăn" lớn mà người ta từng đề cập để nghi ngờ thành công của Barcelona trong mùa bóng này

* Phá dễ hơn xây, nhưng...

Vì sao chưa có đội nào bảo vệ thành công chức vô địch kể từ khi cúp C1 châu Âu chuyển thành Champions League?

Ngoài sự trớ trêu ngẫu nhiên của lịch sử (vâng, môn bóng đá luôn dành một tỷ lệ nào đấy, dù là nhỏ, cho sự ngẫu nhiên), nguyên nhân lớn nhất vẫn phải thuộc về lĩnh vực chuyên môn. Không biết đã bao nhiêu lần tiểu ban kỹ thuật của UEFA đúc kết mùa bóng ở Champions League và kết luận: sở dĩ đội ĐKVĐ phải gục ngã là vì quy luật "phá dễ hơn xây". Các bộ óc phi phàm nhất trong làng huấn luyện đều luôn nghĩ đến trăm phương ngàn kế chỉ cốt làm sao đánh đổ được nhà vô địch Champions League, như thể đấy là bài toán vừa hóc búa, vừa thú vị nhất đối với các học sinh giỏi, phải giải cho bằng được. Đấy là chưa kể sự giúp đỡ mạnh mẽ của các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thời buổi này, giúp cho việc phân tích lối chơi và phát hiện những điểm mạnh, yếu trong lối chơi ấy ngày càng trở nên dễ dàng.

Có hai vấn đề khiến cái gọi là quy luật vừa nêu không dễ chụp xuống Barcelona mùa này. Thứ nhất, hãy xem đâu là "cơ sở nghiên cứu" để phá lối chơi Barcelona? Đội bóng của HLV Luis Enrique giờ đã khác hẳn chính họ mùa trước. Cả phần xác lẫn phần hồn của tiqui-taca giờ đã đi theo Xavi, và đấy chỉ là một ví dụ nhỏ. Hoặc giả, ai cũng đã biết về hàng tiền đạo gồm Lionel Messi, Luis Suarez, Neymar của Barcelona lợi hại như thế nào. Nhưng bây giờ, sự tương tác trong nội bộ "MSN" cũng như giữa họ với phần còn lại trong đội hình Barca cũng đã khác hẳn so với mùa trước. Rất có thể giới chuyên môn đã nghiền ngẫm về Barcelona trong suốt một thời gian dài, nhưng đấy lại không phải là... Barcelona hiện thời.

Vấn đề thứ hai: tìm ra biện pháp đối phó với "MSN" nói riêng hoặc Barcelona nói chung là một chuyện, đối phó có được hay không lại là chuyện khác. Đến đây, câu chuyện bắt đầu lan sang lịch sử.

* Thời đại này là... thời đại gì?

Suốt 53 năm đầu tiên trong lịch sử tồn tại, cúp C1/Champions League chỉ giới thiệu được 4 nhà vô địch "kiêm" luôn các danh hiệu quán quân trong nước. Đấy là những "cú ăn ba", như người ta thường nói: Celtic (1967), Ajax Amsterdam (1972), PSV Eindhoven (1988) và M.U (1999). Chi tiết lạ: xét trong đẳng cấp cao, đấy hóa ra đều chỉ là những "anh hào hạng hai".


Bộ ba Messi, Suarez, Neymar vừa làm bóng, vừa ghi bàn và làm thay đổi Barca trong gần 2 năm qua

Celtic và PSV coi như miễn bàn. Với họ, chiếc cúp C1 châu Âu duy nhất đều là thành tích để đời trong suốt lịch sử tồn tại. Ajax vào năm 1972 vẫn chưa sánh được với các "ông kẹ" thuộc nền bóng đá Latin (Real Madrid, Inter và AC Milan, Benfica) vốn đã áp đảo hoàn toàn trong thời kỳ đầu của cúp C1. Vào năm 1999 thì M.U là đội đầu tiên vốn không dự giải với tư cách ĐKVĐ quốc gia hoặc châu Âu nhưng lại đoạt cúp C1/Champions League (và là danh hiệu đầu tiên của họ sau 31 năm chờ đợi). Phải chăng, họ vốn có "phong độ nhất thời" (nên toàn thắng các giải trong nước) và đoạt cúp châu Âu nhờ yếu tố bất ngờ? Ngoài Ajax của Johan Cruyff còn tương đối thuyết phục thì cả 3 đội còn lại đều phải cảm ơn sự hậu thuẫn của thần may mắn (vâng, chỗ này sẽ có người tranh luận rằng đấy là những chiến thắng xứng đáng - cũng chẳng sao). M.U thắng ngược 2-1 trước Bayern Munich bằng 2 bàn thắng trong những phút bù giờ, của những cầu thủ dự bị. Celtic - với đội hình gồm 10 cầu thủ sinh trưởng trong vòng bán kính 10 dặm, cầu thủ còn lại thì ở xa hơn khoảng 20 dặm - cũng thắng ngược với bàn quyết định ghi vào giờ chót. PSV thì thắng luân lưu 11m.

Hoàn toàn ngược lại: chỉ trong 7 mùa gần đây, châu Âu cũng đã chứng kiến đến 4 "cú ăn ba": Barcelona (2009), Inter (2010), Bayern Munich (2013) và Barcelona (2015). Giả sử Inter hoặc Barcelona (năm 2015) không thắng trong trận chung kết Champions League thì "cú ăn ba" vẫn sẽ xuất hiện, bởi đối thủ của họ cũng đều đã có "cú đúp" trong nước.

Khác hẳn những trường hợp xa xưa, tác giả "ăn ba" bây giờ đều thật sự là đội mạnh nhất châu Âu, tỏ rõ rằng họ không có đối thủ trong mùa bóng thành công của mình. Đây chính là vấn đề thời đại - thời của những "siêu CLB" mà dù thiên hạ có mổ xẻ kỹ càng cũng đành nhìn họ nghiền nát mọi chướng ngại vật. Cái "lệ" không ai bảo vệ được chức vô địch Champions League - muốn gọi là lịch sử cũng được - rất có thể sẽ sụp đổ trong thời đại này.

* Động lực ư?

Nhiều người đã nói ngay sau khi Barcelona "ăn ba" vào cuối mùa trước: thế là họ... hết động lực. Cố gắng hơn nữa cũng chỉ để lặp lại thành tích như thế là cùng. Đội bóng của Enrique sẽ nhắm đến điều gì trong mùa bóng 2015-2016, khi mà vinh quang nào họ cũng đã có?

Đôi khi, quả cũng tồn tại một lý thuyết như vậy trong đời sống bóng đá. Nhưng thực tế khác hẳn. Chỉ cần trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ được chức vô địch Champions League là đã đi vào lịch sử rồi. Ai bảo Barcelona mùa này không còn động lực ở Champions League? Ngoài giải đấu trọng tâm này, Barca coi như đã vô địch La Liga và chỉ còn cách chiếc cúp quốc gia một trận chung kết, với Sevilla. Vậy nên, mục tiêu "ăn ba" lần nữa gần như chỉ là mục tiêu bảo vệ thành công chức vô địch Champions League. Cũng cần lưu ý: nếu chỉ tính trong kỷ nguyên Champions League thì Barcelona đang đứng trước cơ hội độc chiếm kỷ lục 5 lần vô địch. Hiện thời, họ đang chia sẻ kỷ lục này với kình địch Real Madrid.


Khả năng Barca ăn ba, đồng nghĩa với cơ hội là đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Champions League còn cao hơn cả Man Utd vào top 4 giải Ngoại hạng

Suy cho cùng, Barcelona có đủ động lực hay không - đấy chỉ là cách nói cảm tính hoàn toàn. Hãy nhìn vào thực tế sân cỏ. "MSN" đã vượt qua cột mốc ghi 100 bàn cho Barcelona mùa này và đang trên đường tấn công vào kỷ lục ghi 122 bàn mùa trước. Khi MSN hoàn thành nhiệm vụ, thiên hạ sẽ phải tranh luận xem đấy có phải là bộ ba tấn công vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá hay không. Mở rộng cái nhìn ra ngoài bộ ba MSN, Barcelona ngay thời điểm này cũng đã là đội có chuỗi trận bất bại dài nhất trong lịch sử bóng đá TBN, và Messi là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất ở trận địa La Liga. Thiên hạ lại phải hào hứng chờ xem những kỷ lục ấy sẽ còn kéo dài đến con số nào. Khoan nói đến những trận đấu tầm cao trong giai đoạn cuối Champions League, chỉ cần nhìn vào những pha ghi bàn dễ dàng ở La Liga, người xem cũng đã có thể cảm nhận niềm vui của Messi, Suarez, Neymar trong những ngày này. Họ đang hăng say chinh phục. Họ thậm chí có cả động lực thách thức... chính mình.

* Cấm chuyển nhượng... càng tốt

Từng có lúc, lệnh cấm chuyển nhượng đối với Barcelona trở nên ầm ĩ. Ở đẳng cấp cao, nhất là trong thời buổi "siêu CLB" này, chẳng ai bước vào mùa bóng mới mà lại không tăng cường vài ngôi sao. Suy cho cùng, bóng đá cũng như cuộc sống, làm gì đã có một sự hoàn hảo! Thế nên, không được tăng cường lực lượng cũng là chi tiết quan trọng khiến Barcelona bị hoài nghi trong mùa bóng này. Rút cuộc, đội bóng của Enrique lại tỏ rõ sức mạnh - một sức mạnh mới đáng nể hơn cả thời điểm "ăn ba" mùa trước, ngay trong hoàn cảnh không được tăng cường lực lượng.

Bây giờ, lệnh cấm vận đã trôi qua và trên lý thuyết, Barcelona trong nửa sau của mùa bóng phải mạnh hơn nửa đầu, khi HLV Enrique đã có quyền sử dụng Aleix Vidal và Arda Turan. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: phải chăng lệnh cấm tăng cường lực lượng hóa ra lại là động lực buộc Enrique phải tự làm mới Barcelona bằng việc thay đổi cách chơi? Sự thật rành rành: ngoài việc ghi 103 bàn trên mọi trận địa (tính đến cuối tuần qua) thì bộ ba "MSN" còn góp đến 50 đường chuyền thành bàn trong mùa bóng này. Ba tiền vệ thường xuyên đá chính là Ivan Rakitic, Sergio Busquets, Andres Iniesta chỉ góp tổng cộng 12 đường chuyền thành bàn - trong đó có 5 đường chuyền ở La Liga.

Barca và Real Madrid cũng không muốn gặp Atletico ở Tứ kết Champions League

Barca và Real Madrid cũng không muốn gặp Atletico ở Tứ kết Champions League

Atletico Madrid đã giành vé vào Tứ kết Champions League mùa này một cách chật vật nhưng chẳng có đội bóng nào, dù là Barca hay Real Madrid, muốn đối mặt với họ ở vòng đấu tới.


Một thời, nói về Barcelona là phải nói về hệ thống tiqui-taca, mà các ông chủ thật sự là Xavi và Iniesta ở hàng tiền vệ, chứ không phải Messi. Bây giờ, các tiền đạo Barcelona phối hợp nhuần nhuyễn và tự làm bóng cho nhau. Họ say mê phối hợp với nhau đến nỗi ngay cả khi đá phạt đền họ cũng phối hợp! Vẫn chỉ là những gương mặt cũ, nhưng "MSN" mùa này mới hẳn, từ cá nhân cho đến cả nhóm. Từng có lập luận: tiqui-taca đã có từ hơn 30 năm trước, nhưng cách chơi này chỉ thăng hoa trong thời Pep Guardiola nhờ có Lionel Messi quá xuất sắc ở mắt xích cuối cùng. Bây giờ, Luis Suarez mới là chân sút chủ lực, làm cho "MSN" dù đã vang danh thế giới vẫn tiến hẳn lên một đẳng cấp cao hơn. Tin hay không tùy bạn, nhưng người ta nói rằng chính các thành viên trong bộ ba "MSN" tự nhận ra công thức tốt nhất cho họ và đề nghị với Enrique! Trong thời kỳ cực thịnh của tiqui-taca, Messi hoạt động rất rộng. Nhưng thời ấy, hễ anh lùi sâu hoặc dạt ra biên thì Barcelona coi như không có tiền đạo. Mùa này khác hẳn, và đây có thể là khác biệt quan trọng làm nản lòng các nhà cầm quân từng ngỡ rằng đã "nghiên cứu" được cách phá lối chơi của Barcelona.

* Còn lâu mới hết thời!

Còn ai nhớ đến Thomas Vermaelen? Chỉ được đá khoảng chục trận kể từ khi gia nhập Barcelona vào năm 2014, Vermaelen đã rơi vào quên lãng ở tuổi 30. Vậy mà anh lại được Enrique xếp vào giữa hàng tiền vệ, điều phối nhịp độ, đứng sau... trung phong Ivan Rakitic. Xung quanh Vermaelen toàn là những cái tên xa lạ như Sergi Samper, Wilfrid Kaptoum, Juan Camara. Nhìn vào đội hình như thế, dù không nói rằng Barcelona... đá lấy thua, cũng ít ai nghĩ rằng họ sẽ tránh khỏi thất bại trên sân Valencia - một tên tuổi lớn trong làng bóng TBN. Vậy mà Barcelona cũng vẫn không thua, sau khi bị dẫn điểm suốt 82 phút. Trận đấu có kết quả 1-1. Đấy là trận lượt về bán kết cúp quốc gia. Một trận tranh vé vào chung kết mà như thế ư? Kỳ thực, thua cũng chẳng sao, vì Barcelona đã thắng đến 7-0 ở lượt đi!


Luis Enrique đã hóa giải khó khăn khi Barca bị cấm chuyển nhượng rất tài tình

Câu chuyện nói lên một điều có vẻ không mấy liên quan đến vấn đề chuyên môn: bao giờ Barcelona... hết thời? Ngay cả chiến lược galacticos ("độc quyền" khi ấy) vẫn không thể giúp Real Madrid kéo dài vinh quang sau khi vô địch Champions League 3 lần trong 5 mùa bóng (1998-2002). AC Milan hoặc bóng đá Anh nói chung đều đã biết rõ thế nào là nỗi đau "hết thời" sau những vinh quang ở Champions League. Với Barcelona, 4 lần vô địch Champions League trong vòng 10 năm (2006-2015) là hơi nhiều. Lạ thay, phải nói ngược lại: có vẻ như đây mới là thời của Barcelona. Enrique "gặp thời" đến nỗi kể cả khi thiên hạ ngỡ rằng phải thua, ông vẫn không thua.

Ai cũng bảo Real Madrid và Barcelona là kỳ phùng địch thủ, rằng đấy luôn là "El Clasico" khi họ gặp nhau. Kỳ thực, Barcelona đè bẹp Real 4-0 ngay tại Bernabeu mùa này, 3-0 chỉ sau 53 phút, trong hoàn cảnh chẳng cần phải có Messi! "Kỳ phùng địch thủ" thế nào khi Real chỉ vô địch 1 lần, còn Barcelona vô địch 5 lần trong 7 mùa bóng gần đây (chưa kể mùa này)? Đây mới là lúc Barcelona của Enrique đang gặp thời!    

* Không hề phụ thuộc Messi

Ở mùa bóng 2011-2012, Barcelona dẫn trước Chelsea 2-0 trên sân nhà ở trận bán kết lượt về Champions League, trong hoàn cảnh đối phương chỉ còn 10 người (thủ quân John Terry của Chelsea bị đuổi khá sớm). Nhưng Messi - vua phá lưới Champions League mùa ấy với 14 bàn - sút hỏng quả phạt đền, và Chelsea lội ngược dòng ngoạn mục (sau đó tiến luôn tới ngôi vô địch). Tiqui-taca danh tiếng cỡ nào đi nữa, rút cuộc vẫn cứ phụ thuộc Messi?

Nhà cái đồng loạt gọi tên Barca, Bayern

Nhà cái đồng loạt gọi tên Barca, Bayern

Vượt qua vòng 1/8 với những cung bậc cảm xúc khác nhau, song cả Barcelona và Bayern Munich đều được các nhà cái đồng loạt coi là những ứng viên hàng đầu cho chức vô địch Champions League mùa giải này.


Như đã nêu trên, Barcelona không cần Messi vẫn cứ đè bẹp Real trên sân đối phương mùa này. Bây giờ, Barcelona không còn phụ thuộc vào Messi nữa, nhưng đấy vẫn chưa phải là toàn bộ vấn đề. Tất nhiên, Messi vẫn là Messi, vẫn phải lãnh "Quả Bóng Vàng" thứ 5 như chuyện đến hẹn lại lên. Bây giờ, bàn thắng hoặc đường chuyền quyết định mà không đến từ Messi thì sẽ đến từ Suarez hoặc Neymar, nhưng nếu không ngăn chặn Messi, đối phương cũng sẽ trả giá. Nhờ có một Suarez đang ở đẳng cấp tiền đạo hay nhất thế giới mà Barcelona bây giờ không còn phụ thuộc Messi? Hay nhờ chuyển sang cách chơi không nhất thiết phải vừa phụ thuộc, vừa tôn vinh Messi mà Barcelona bỗng có một Suarez sáng ngời? Rất khó nói, và đấy là chúng ta còn chưa đề cập Neymar!

Ngày xưa, Brazil có "bộ óc" Gerson điều khiển thế công, khiến đối phương cứ phải cử ra 2 người đối phó. Thế là xuất hiện khoảng trống cho Pele - cầu thủ vốn cũng yêu cầu đối phương phải có hai người kềm kèm. Thế là toàn bộ hàng thủ đối phương lao đao và Tostao, Jairzinho, Rivelino đều dễ dàng tỏa sáng như chơi ở chỗ không người. Đội Brazil ấy vô địch World Cup 1970, đoạt vĩnh viễn cúp Jules Rimet. Và hàng công Brazil ấy chính là đối tượng duy nhất trong lịch sử mà người ta tìm ra được để so sánh với hàng công "MSN" bây giờ. Barcelona không phụ thuộc vào Messi, cũng như Brazil khi xưa không hề phụ thuộc Pele (mà chỉ giúp Pele trở thành vua bóng đá) vậy!

- Tỷ lệ cược chức vô địch Champions League của hãng Skybet (ở thời điểm cuối tuần qua): 1/Barcelona (13/8: đặt 8 ăn 13 nếu đoán đúng Barcelona vô địch); 2/Bayern Munich (100/30); 3/Real Madrid (5/1); 4/Paris SG (7/1). Bình luận: Barcelona được đánh giá cao hơn hẳn so với những đối thủ gần nhất.

- Tỷ lệ cược chức vô địch La Liga của hãng Paddypower ở thời điểm này: 1/Barcelona (1/80); 2/Atletico Madrid (20/1); 3/Real Madrid (50/1). Bình luận: ai đặt cược vào Real, nếu trúng sẽ lãnh mức thưởng cao gấp 4.000 lần những người đặt cược vào Barcelona. Với Atletico thì mức thưởng "chỉ" cao gấp 1.600 lần Barca!

- Tỷ lệ cược kết quả Cúp Nhà Vua của hãng Paddypower ở thời điểm này: 1/Barcelona (1/5); 2/Sevilla (7/2). Bình luận: mức thưởng cho khả năng Sevilla đoạt cúp cao gấp 17,5 lần Barcelona.


Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link