Có nên thay tên “Chùa Một Cột”?(*)

25/05/2012 14:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Về đề xuất đổi tên Chùa Một Cột của TS Trần Trọng Dương, TT&VH đã tham khảo ý kiến của Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, Họa sĩ Kiến trúc sư Lý Trực Dũng, Họa sĩ Lê Thiết Cương.


Chùa Một Cột năm 1939. Ảnh Tư liệu

* Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Gọi là chùa hay không, không quan trọng

Trong kiến trúc Phật giáo có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, tùy theo quốc gia, dòng phái Phật giáo mà khác nhau. Những khái niệm mà ta đang dùng, như chùa (tự), là do ta và Trung Quốc dùng, không hẳn trùng khít với kiến trúc Phật giáo ban đầu. Và ngay kiến trúc Phật giáo thời Lý, thời của chùa Một cột, cũng rất khác với quan niệm bây giờ.

Kiến trúc Phật giáo ban đầu, chỉ có một cái cột đá, trên có chạm khắc con sư tử, là biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ của Phật. Hoàn toàn có tính chất tưởng niệm, gọi là chùa hay không cũng chỉ có thế. Sau đó có những hang đá rỗng không có gì, cho các nhà sư tu tập gọi là Chaity. Dần dần những hang đá này có một cái tháp ở dưới cùng, và có thể có hai tượng Phật Thích ca  và Ananda. Rồi đến Stupa - một cái tháp hình cái bát úp - stupa Sanchi, tượng trưng cho y bát của Phật. Stupa chính là khái niệm kiến trúc Phật giáo, mà người Trung Quốc sau này gọi là Tháp. Stupa biến đổi, có mặt bằng hình chữ thập, gọi là Mandala. Thực ra Mandala là biểu đồ vũ trụ bởi các hình vuông và tròn lồng vào nhau. Ngôi chùa là một Mandala, cũng là một vũ trụ.

Thời Lý, kiến trúc Mandala rất phổ biến, chùa hoàn toàn lộ thiên, chỉ có một tháp. Nên nhớ là kiến trúc Phật giáo xưa không phải là nơi ở của các nhà sư như hiện nay, mà chỉ có tính chất tưởng niệm. Các nhà sư đến đó tưởng niệm, tranh luận, rồi đi lang bạt, khất thực, ngủ ở các gốc cây. Mỗi ngày chỉ nhận bố thí một bữa ăn, không nhận tiền, mỗi đêm ngủ ở một gốc cây khác nhau. Chùa Phật Tích, chùa Dạm... thời Lý dù rất to rộng, cũng theo hình thức Mandala, không có nội thất, lòng tháp hẹp chỉ có một tượng Phật. Tức là chùa lộ thiên. Chùa Một Cột cũng vậy thôi, gọi là chùa hay không không quan trọng, vì nó chỉ có những hồ vuông tròn, theo lối Mandala, chính tâm có một tháp.

Càng về sau do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, chùa được xây như những ngôi nhà lớn, có tăng phòng, tự viện, điện Phật... Nhà sư ở luôn trong đó, Phật giáo Việt Nam về sau thời Lý theo lối này.

Quan niệm của anh Dương không có gì sai, chỉ máy móc thôi. Vì gọi là chùa thì người Việt ai cũng hiểu, gọi là Mandala hay Stupa thì chả ai biết là gì cả. Các khái niệm chùa - mandala- stupa không khác nhau về bản chất.

* Kiến trúc sư/ Họa sĩ Lý Trực Dũng: Nên trả lại cho lịch sử những giá trị đích thực

“Từ thế giới quan phật giáo khảo về kiến trúc Mandala chùa Diên Hựu thời Lý” là một nghiên cứu công phu với nhiều cứ liệu thuyết phục về nguồn gốc “Chùa Một Cột” và “Chùa Diên Hựu” của TS Trần Trọng Dương. Qua đó đến nay tôi mới rõ cái gọi là “Chùa Một Cột” theo cách gọi dân gian thực chất chỉ là Thích ca liên hoa đài từ thời Lý là một biểu tượng rất sâu xa trong thế giới của triết học Phật giáo, nằm trong khuôn viên Chùa Diên Hựu, chứ không phải là một ngôi chùa độc lập.

Theo tôi Thích ca liên hoa đài, hình tượng bông sen vươn lên từ bùn, nước, không khí rồi rộng nở và trên đó có Thích ca ngự sâu sắc về ý tưởng, đẹp về hình, có tầm về vóc dáng - xứng đáng đế ta tôn thờ, ca ngợi. Trong khi với kích cỡ của “Chùa Một Cột” hiện nay, cột cao 4m, chùa rộng 3x3m không hề khiến tôi khâm phục về phương diện kiến trúc, mặc dù nó khá thanh thoát về kết cấu, chỉnh về hình khối, được phục dựng năm 1955, sau khi nó bị phá năm 1954.     

Tôi mong kiến giải này của TS Dương sẽ được bàn cãi nhiều sắp tới trong giới nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, khảo cổ để đi đến giá trị đích thực của một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, thậm chí còn được coi là biểu tượng kiến trúc Việt Nam!

* Họa sĩ Lê Thiết Cương: Chùa Một Cột nên là Thích Ca Liên hoa đài

Đã là chùa thì cho dù to hay nhỏ thế nào cũng phải đủ diện tích để sắp đặt hệ thống tượng Phật. Đông Tây kim cổ chả có chùa nào lại chỉ có một pho tượng Phật cả. Giả sử có một ngôi chùa như thế đi chăng nữa thì người ta cũng không gọi kiến trúc đó là chùa. Nếu được quyền thích thì tôi thích có một “ngôi chùa” với tên gọi “nhà phật” vẫn đầy đủ tam quan, tòa ngang dãy dọc, tháp chuông... Nhưng chỉ có một pho Thích Ca thôi, không có Tam thế, Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền... để nêu rõ căn cốt, tinh túy của triết Phật đó là tư tưởng của một, của như nhất.



Trở lại chuyện “Chùa Một Cột”, tôi hoàn toàn đồng ý với TS Trần Trọng Dương rằng: Liên hoa đài chỉ là một đơn vị kiến trúc trong tổng thể chùa Diên Hựu.

Tôi nghĩ nếu tu bổ lại thì Liên hoa đài nên là Thích Ca liên hoa đài bởi vì: Liên hoa đài có một cột, thờ một pho tượng và nên là pho Thích Ca sơ sinh (duy ngã độc tôn) lại càng hay, càng ra cái “tư tưởng một” của Phật giáo. Đành rằng sau mọi sự (chùa hay đài) cũng chỉ là hình ảnh để bám vào, chỉ là phương tiện thôi.

Việc đổi tên không quan trọng bằng làm người ta hiểu bản chất: cái nhà có một cột chỉ là một phần của chùa Diên Hựu. Đây là chuyện ngôn ngữ, mà ngôn ngữ lại có quy luật riêng của nó trong đời sống.

Ví dụ: Khu vực phố cổ của Hà Nội có nhiều hơn 36 phố nhưng người ta vẫn quen gọi Hà Nội 36 phố phường. Ai cũng biết 36 là con số không chính xác, chỉ tượng trưng. Chẳng ai đòi đổi cách gọi thành Hà Nội 46 phố cả.

(*) Tiếp theo kỳ 1 trên TT&VH số vừa qua

Việt Quỳnh (ghi)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link