Angelique Kerber: 'Chai vang quý' từ Bremen

24/09/2016 13:28 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) – Người ta vẫn hay nói, rượu vang để càng lâu, uống càng ngon. Và Angelique Kerber, người mới bước lên ngôi số một thế giới sau 13 năm thi đấu chuyên nghiệp, có lẽ cũng là một thứ “rượu vang” như thế.

“Tôi không còn ở tuổi 18 nữa. Tôi đã luôn cố gắng cải thiện lối chơi của mình bằng cách lao động cật lực và kiên nhẫn chờ đợi. Bây giờ, khi những nỗ lực ấy đã mang lại thành quả, cảm giác thật tuyệt vời”, Kerber đã xúc động thổ lộ sau chiến tích đặc biệt tại US Open 2016. Ở tuổi 28, sau 13 năm thi đấu chuyên nghiệp, cô đã h tay vợt già nhất lần đầu tiên bước lên ngôi số một thế giới.

Chăm chỉ và can đảm

Đã có thời, quần vợt thế giới phát sốt với những thần đồng, với khuôn mặt còn măng sữa nhưng đã chinh phục được Grand Slam, thậm chí còn đánh chiếm ngôi số một thế giới. Martina Hingis, Maria Sharapova, Kuznetsova,…là những minh chứng rõ rệt. Nhưng giờ là thời của những tay vợt đã thi đấu nhiều năm, siêng năng tập luyện cho đến ngày thành công.

Chiến tích của những ngôi sao nở muộn như Angelique Kerber và Stan Wawrinka thể hiện rõ điều này. Cả hai đều giành Grand Slam đầu tiên ở tuổi 28, và cùng đăng quang tại US Open năm nay. Giống như tay vợt số 3 thế giới người Thụy Sĩ, Kerber chưa bao giờ được coi là một tài năng trẻ giống như Rafael Nadal trước đây. Trước khi vô địch Grand Slam, họ là những tay vợt khá, và thường được nhận định sẽ vượt qua tuần đầu tiên của Grand Slam, hoặc khá hơn là tứ kết, thậm chí bán kết.


Angelique Kerber là minh chứng cho thành công từ sự chăm chỉ

Hồi đầu năm, Kerber đã lọt vào trận chung kết Grand Slam đầu tiên, và đối thủ của cô khi ấy có lẽ là tay vợt thống trị nhất mọi thời đại: Serena Williams. Phần lớn đều nghĩ đến một chiến thắng cho Serena, còn Kerber sẽ lại chịu trận dễ dàng giống như những bại tướng trước đây của tay vợt người Mỹ. Không có dấu hiệu nào cho thấy Kerber có đủ sự bền bỉ cho những trận đấu như thế. Cô đã sa sút rất nhiều trong năm 2015, và việc lọt vào chung kết Australian Open đã là một kịch bản ngoài sức tưởng tượng.

Từng là “người hùng một Grand Slam”

Tại Australian Open 2014, Wawrinka giành Grand Slam đầu tiên sau khi đánh bại Rafael Nadal ở trận chung kết. Hai năm sau, cũng ở Melbourne, Kerber cũng lần đầu hưởng hương vị Grand Slam bằng chiến thắng gây sốc trước Serena Williams.

Trong kỷ nguyên Big Four (hoặc có thể gọi là Big Six - nếu tính cả chị em nhà Williams), có một số tay vợt thuộc dạng người hùng một Grand Slam như Marin Cilic và Juan Martin Del Potro (cả hai đều vô địch US Open), Francesca Schiavone, Ana Ivanovic,…  và hầu như không được kỳ vọng sẽ lặp lại chiến tích ấy một lần nào nữa. Trước mùa giải này, vị trí cao nhất của Kerber là thứ 5 thế giới (năm 2012), và cũng chỉ có một vài danh hiệu WTA.

Kể cả khi đã đăng quang ở Australian Open 2016, Kerber vẫn bị liệt vào dạng tay vợt như trên. Ở trận chung kết Wimbledon năm nay, sau khi gác vợt trước Serena, người đã cân bằng kỷ lục 22 Grand Slam trong kỷ nguyên Open của Steffi Graf, Kerber lại càng bị ví von với những nhà vô địch một Grand Slam ở trên.

Tại Olympic Rio 2016, Serena bị loại sốc ngay từ vòng một, còn Kerber đã thẳng tiến đến trận đấu cuối cùng. Với đẳng cấp vượt trội so với Monica Puig, tay vợt ít tên tuổi đến từ Puerto Rico, tất cả đều kỳ vọng Kerber sẽ giành tấm HCV, song rốt cuộc, cô lại là kẻ thất bại. Ngay sau đó, Kerber bay thẳng sang Ohio dự giải Cincinnati Open, và lại lọt vào chung kết, nhưng đã gác vợt trước Karoina Pliskova.


Angelique Kerber từng bị coi là "người hùng một Grand Slam"

Có người cho rằng việc phải chơi đến tận cùng ở những giải đấu lớn như Wimbledon và Olympic là lý do Kerber gục ngã tại Cincinnati, nhưng không ít người cũng cho rằng cô vẫn chưa vượt qua được rào cản tâm lý, điều từng khiến rất nhiều tay vợt giỏi trở thành “người hùng một Grand Slam”.

Giống như một số ít tay vợt từng đánh bại Serena Williams, chiến thắng 6-3 4-6, 6-4 của Kerber trước đối thủ người Mỹ ở Melbourne hồi đầu năm cũng bị nghi ngờ như thế. Nhưng bây giờ, cô đã có hai Grand Slam, ngang với Andy Murray trước khi vô địch Wimbledon 2016, nhưng với tỷ lệ thành công cao hơn nhiều. Murray giành 3 Grand Slam sau 11 trận chung kết, trong khi tỷ lệ của Kerber là 2 trong 3.

Cố gắng thoát khỏi cái bóng của Graf

Giống như nhiều tay vợt nữ của Đức, Kerber cũng thần tượng bậc tiền bối đồng hương Steffi Graf. Nhưng việc có chung quốc tịch với Graf cũng luôn tạo một áp lực cực lớn đối với bất cứ tay vợt nào, bởi cứ hơi thành công một chút là bạn sẽ được so sánh với huyền thoại này.

Sabine Lisicki là một ví dụ. Sau khi bất ngờ lọt vào đến chung kết Wimbledon 2013 (thua Marion Bartoli), cô gái xinh đẹp này ngay lập tức được báo chí Đức thổi lên rằng Steffi Graf đã tìm được một truyền nhân đích thực. Kết quả: kể từ sau giải đấu ấy, Lisicki chỉ có đúng một lần lọt vào tứ kết Grand Slam (Wimbledon 2014), còn lại cô không lần nào trụ sang tuần thứ hai. Hai năm nay, Lisicki không giành được danh hiệu nào, và hiện cô đã tụt xuống hạng 110 thế giới.


Angelique Kerber sẽ thoát khỏi cái bóng của Steffi Graf?

Kerber, lớn hơn Lisicki một tuổi, cũng có lúc mất thăng bằng, nhưng không đến nỗi tệ như Lisicki. Có lẽ thành công khi đã ở độ tuổi quá chín chắn, nên cô đủ kinh nghiệm để đối phó với những áp lực có thể xảy ra. Và cho dù không còn trẻ, Kerber cũng đang được coi là yếu tố mới cho “làn sóng chuyển giao”, trước khi thoát hẳn khỏi thời kỳ thống trị của Serena Williams. Pliskova, tay vợt đã thua Kerber ở chung kết, hiện đang xếp hạng 6 thế giới, cũng là một trường hợp tương tự.

Cả Kerber và Serena đều khẳng định rằng Graf chính là thần tượng của họ thời niên thiếu. Năm ngoái chính Graf đã huấn luyện cho Kerber vài ngày khi cô tham dự giải Indian Wells diễn ra hồi tháng Ba. Trước trận chung kết vừa rồi, cũng chính Graf đã nhắn tin cho Kerber và chúc cô may mắn. “Cô ấy nói rằng tôi đang đi đúng hướng, và cần phải tin tưởng vào bản thân mình rằng một ngày nào đó, thời của cô sẽ đến”.

Sẽ còn một chặng đường rất xa để Kerber đuổi kịp thành tích của Steffi Graf, thậm chí là không bao giờ, nhưng ít nhất, cô không còn sống dưới cái bóng quá lớn của huyền thoại này nữa. Với hai Grand Slam đầu tiên trong cùng một năm, cùng với vị trí số một thế giới, có thể tin rằng thời của Kerber đã đến. Và giống như một thứ rượu vang ngon, càng lớn tuổi, cô sẽ càng hay hơn nữa.



Những bông hoa nở muộn của WTA trong kỷ nguyên Open

Francesca Schiavone

Sinh năm: 1980

Quốc tịch: Italy

Thi đấu chuyên nghiệp năm: 1998

Giành Grand Slam đầu tiên năm: 2010

Vị trí cao nhất từng đạt: 4

Vị trí hiện tại: 94

Số danh hiệu WTA 7 (1 Grand Slam)


Li Na

Sinh năm 1982

Quốc tịch: Trung Quốc

Thi đấu chuyên nghiệp năm 1999

Giành Grand Slam đầu tiên năm: 2011

Vị trí cao nhất từng đạt: 2

Số danh hiệu WTA: 9 (2 Grand Slam)

Vị trí hiện tại: Đã nghỉ hưu


Flavia Pennetta

Sinh năm 1982

Quốc tịch Italy

Thi đấu chuyên nghiệp năm 2000

Giành Grand Slam đầu tiên năm 2015

Vị trí cao nhất từng đạt: 6

Số danh hiệu WTA: 11 (1 Grand Slam)

Vị trí hiện tại: Đã nghỉ hưu


Samantha Stosur

Sinh năm 1984

Quốc tịch: Australia

Thi đấu chuyên nghiệp năm 1999

Giành Grand Slam đầu tiên: 2011

Vị trí cao nhất từng đạt: 4

Vị trí hiện tại: 17

Số danh hiệu WTA: 8 (1 Grand Slam)


Marion Bartoli

Sinh năm 1984

Quốc tịch: Pháp

Thi đấu chuyên nghiệp năm 2000

Giành Grand Slam đầu tiên năm: 2013

Vị trí cao nhất từng đạt: 7

Số danh hiệu: 8 (1 Grand Slam)

Vị trí hiện tại: Đã nghỉ hưu.


Angelique Kerber

Sinh năm 1988

Quốc tịch: Đức

Thi đấu chuyên nghiệp năm: 2003

Giành Grand Slam đầu tiên năm: 2016

Vị trí cao nhất từng đạt: 1

Vị trí hiện tại: 1

Số danh hiệu WTA: 10 (2 Grand Slam)


Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link