Hậu Wimbledon 2016: Vấn đề của Milos Raonic là cái đầu

12/07/2016 06:49 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ chẳng có điều gì cay đắng hơn trong thể thao bằng việc là á quân. Đôi khi thà thua ở những vòng đấu trước cảm giác còn dễ chịu hơn rất nhiều. Milos Raonic đang gặm nhấm nỗi lòng ấy khi không thể giành được danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Raonic đã chơi tốt, nhưng thực sự thiếu cảm hứng, dù rằng anh vẫn mang danh dự là tay vợt người Canada đầu tiên vào chung kết Wimbledon hôm Chủ nhật vừa qua.

Raonic đáng trách

Với những gì đã diễn ra, thất bại của Raonic cho thấy anh không phải một tay vợt tồi, anh đã chơi ngang ngửa Andy Murray bởi cả 2 set cuối đều phải được định đoạt ở loạt tie-break (trận đấu kết thúc với các tỷ số 6-4, 7-6 (3), 7-6 (2). Thế nên vấn đề của tay vợt 25 tuổi này không phải kỹ thuật của anh, mà là tâm lý, cái đầu của anh. Thông thường những người chiến bại như Raonic sẽ được nhận vô số lời khen vì đã thua trên tư thế ngẩng cao đầu. Murray đã thể hiện điều này ngay sau khi nhận cúp: “Cậu ấy là một trong số những tay vợt chăm chỉ nhất hiện nay. Mỗi khi chúng tôi thi đấu với nhau, tôi đều thấy rõ sự tiến bộ lớn của cậu ấy”.

Nhưng lần này, Raonic đáng trách hơn. Anh đã 25 tuổi rồi, cái tuổi mà Bjorn Borg thậm chí còn chơi giải Grand Slam cuối cùng trong sự nghiệp. Anh không còn là một tay vợt trẻ tiềm năng nữa, đã qua cái ngưỡng “tuổi teen” từ rất lâu nên lời khen của Murray có vẻ gượng gạo và không hợp hoàn cảnh. Ở thời điểm này, đáng lẽ Raonic đã phải có Grand Slam nếu muốn được ghi danh vào lịch sử môn thể thao này. Thế nên sau khi cảm thấy mình nói có phần hớ, Murray lại dành lời khen ngợi cho đội ngũ huấn luyện của Raonic là “rất lịch sự và đứng đắn”. Lúc này thì khán giả có mặt trên sân đều rộ lên cười, khiến Murray, lần đầu tiên trong buổi chiều hôm ấy phải  tỏ ra lúng túng lắp bắp: “Không, tôi đang nói thật”.

Ống kính máy quay bắt đầu chĩa vào Raonic, lúc ấy đang mở to mắt và cố gắng giữ một biểu hiện tự nhiên nhất. Thua cuộc là một chuyện. Nhưng bị biến thành trò đùa – dù là sơ xuất – lại là chuyện khác. Hôm Chủ nhật ấy rõ ràng là ngày trọng đại nhất trong sự nghiệp cầm vợt của Raonic, đáng lẽ anh không nên trải qua những cảm xúc ấy. Vì sao Raonic lại để thua nghiệt ngã như vậy? Xem Raonic chơi quần vợt rất khác với xem các tay vợt hàng đầu khác: Bạn không thể biết được rằng anh ta liệu có đang tập trung toàn lực vào trận đấu hay không. Anh sở hữu rất nhiều điểm giống Borg (chỉ thiếu những danh hiệu). Có rất ít các khoảnh khắc bùng nổ, chẳng quá hay và cũng chẳng tệ. Ngôn ngữ thân thể của anh cũng không thay đổi. Do vậy, sẽ rất khó để nói rằng Raonic đã đặt toàn lực vào những trận đấu như một vài thời điểm trong trận chung kết hôm Chủ nhật, hay anh đang chỉ cố gắng gượng khi đã mất đi quyền kiểm soát.

Raonic đã lớn, nhưng chưa đủ

Ngay cả vị cố vấn HLV của Raonic, một chuyên gia ESPN, huyền thoại John McEnroe còn cho thấy ông mất hết bình tĩnh với người “khách hàng” của mình khi trận đấu kéo dài. McEnroe được mời làm việc cùng Raonic không phải để nâng cao các kỹ thuật đánh bóng của anh, mà là người giúp đỡ về tâm lý, về sự tự tin. Và trong một thước đo nhất định, ông đã thành công. Ở London, Raonic đã thi đấu với một tinh thần quyết đoán hơn. Anh đã trải qua 2 trận đấu phải đánh tới set thứ 5 dù còn bị thua 2 set đầu (đấu với David Goffin).

Vẫn thứ tennis ấy, Raonic đã chơi rất hay trước Murray. Anh giao bóng tốt, trả giao bóng ổn, di chuyển hợp lý. Ngay cả khi Raonic đã thua, chúng ta đều thấy rõ ràng rằng có những khoảnh khắc anh hoàn toàn có thể thắng. Giống như nhiều tay vợt hàng đầu khác, Raonic vẫn ngày một cải thiện kỹ năng chơi bóng của mình. Sau nhiều năm nỗ lực tập luyện, giờ đây người hâm mộ đang biết tới 1 tay vợt có đầy đủ tiềm năng vô địch Grand Slam. Nhưng vấn đề vẫn nằm ở chỗ, Raonic nghĩ gì khi anh thi đấu và sự quyết tâm của anh lớn tới đâu?

Hy vọng sau thất bại có thể coi là cay đắng nhất sự nghiệp này, Raonic sẽ học được cái gì đó. Giờ thì anh đã biết cảm giác khi ta chạm rất gần đến đỉnh vinh quang rồi lại tụt xuống. Ngậm ngùi chứng kiến Murray bình tĩnh nâng cúp bạc Wimbledon, Raonic cần phải hiểu rằng đáng lẽ cái cúp đó cũng có thể thuộc về anh nếu trong những thời điểm quyết định anh tỉnh táo hơn và trên chặng đường dài này, anh cật lực hơn nữa. Hãy nhìn Murray, một tay vợt từng nỗ lực đến khốn khổ cho danh hiệu Grand Slam đầu tiên của mình để xứng đáng với vị trí trong “Big Four” giờ đây đã thực sự là một tay vợt lớn với 3 lần lên đỉnh. Vấn đề là Murray biết cách đứng lên từ những nỗi đau, bền bỉ hết lần này đến lần khác cố gắng hơn nữa ở mỗi giải đấu qua đi. Đó là tâm thế của một nhà vô địch.

1 – Đây là lần đầu tiên Raonic lọt vào chung kết của một giải Grand Slam, thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của anh

8 – Raonic đã thi đấu chuyên nghiệp được 8 năm và đây cũng là số danh hiệu anh giành được sau từng ấy thời gian.

11 – Chiến thắng của Murray là lần thứ 11 anh vào tới chung kết một giải Grand Slam.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link